Nguy cơ Dinh Thượng Thơ bị đập bỏ: 'Phải bảo tồn bằng mọi giá'

'Trong các giải pháp kiến trúc thì việc vừa bảo tồn vừa nâng cấp tòa nhà Dinh Thượng Thơ là hợp lý nhất', một cán bộ Sở TT&TT TPHCM cho hay.

Cuộc họp báo của UBND TPHCM hôm 2.5 cho rằng, "Dinh Thượng Thơ không phải là di tích nên không được bảo tồn" và có thể bị "xóa sổ" trong phương án mở rộng trụ sở UBND TPHCM khiến giới mộ điệu "cổ tích" ở TPHCM bức xúc.

Một nhóm trí thức đã soạn thảo và công bố bản "kiến nghị bảo tồn Dinh Thượng Thơ" thu thập chữ ký những ai quan tâm đến "an nguy" của tòa nhà kiến trúc Pháp cổ gần 160 tuổi.

Ở góc độ quản lý và bảo tồn, bản kiến nghị nêu rõ: "Cách quản lý di sản và Luật di sản đang có vấn đề nghiêm trọng: Việc Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách di tích bảo tồn không phải là lý do phá bỏ.

Về phương diện văn hóa lịch sử, bản kiến nghị đề cập lịch sử hình thành và giá trị của công trình Dinh Thượng Thơ qua lịch sử đô thị Sài Gòn.

Theo đó: "Dinh Thượng Thơ được tu sửa như tòa nhà hiện nay vào năm 1882, trước đó từ năm 1865 đã là nơi hành chánh quản lý Sài Gòn và Nam Kỳ, lưu trữ các công văn, công báo, nghị định, hồ sơ hành chính. Tờ báo quốc ngữ đầu tiên Gia Định Báo cũng được gửi từ đây đi đến tỉnh thành, làng xóm ở Lục tỉnh.

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong lịch sử, tòa nhà Dinh Thượng Thơ vẫn còn sót lại trong khi các kiến trúc lịch sử văn hóa khác như tòa nhà hòa giải, tòa nhà Petrolimex đường Lê Duẩn, xưởng Ba Son đã biến mất".

Tòa nhà Dinh Thượng Thơ.

Từ đó, bản kiến nghị nêu 3 phương án lên UBND TPHCM: Một là, hủy bỏ phương án của Gensler phá hủy Dinh Thượng Thơ. Nếu phải xây dựng trung tâm hành chính thì nên đặt ở vị trí vùng đất mới khác.

Thứ 2, đưa Dinh Thượng Thơ và các kiến trúc lịch sử trụ sở UBND, Nhà hát thành phố, Bưu điện và nhà thờ Đức Bà vào diện bảo tồn.

Cuối cùng, khi tái cấu trúc thành phố, cần tôn trọng và gắn kết với mạng lưới di sản tại trục đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, trục đường Đồng Khởi, Pasteur, nơi có bảo tàng, nhà hát lớn, dinh Độc Lập, trụ sở UBND, nhà thờ Đức Bà, Thư viện tổng hợp, công viên Chi Lăng, công viên Bách Tùng Diệp.

Chia sẻ với Lao Động, một cán bộ Sở TT&TT TPHCM cho rằng, tòa nhà Dinh Thượng Thơ có kiến trúc độc đáo, rất đẹp giữa lòng Sài thành hoa lệ. Tòa nhà không chỉ mang giá trị về mặt kiến trúc mà còn gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử phát triển đô thị Sài Gòn, và ngành Thông tin - truyền thông TP.

"Dinh Thượng Thơ nếu bị phá bỏ sẽ rất tiếc vì TP không có công trình thứ 2 đẹp như vậy. Điều cần làm lúc này phải có sự đối thoại giữa các chính quyền, các chuyên gia kiến trúc, xây dựng, quy hoạch, văn hóa, lịch sử, và người dân để lắng nghe được nhiều quan điểm, có phương án tối ưu.

Tôi làm việc ở Dinh Thượng Thơ nhiều năm, tòa nhà này chưa phải quá xuống cấp và vẫn đang được sử dụng, cho nên phải bảo tồn bằng mọi giá, dù ai đó có công nhận nó là di tích hay không.

Trong các giải pháp kiến trúc thì việc vừa bảo tồn vừa nâng cấp tòa nhà Dinh Thượng Thơ là hợp lý nhất", vị này nói.

Cường Ngô

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/nguy-co-dinh-thuong-tho-bi-dap-bo-phai-bao-ton-bang-moi-gia-606810.ldo