Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - EU: Cây muốn lặng, gió chẳng đừng

Một cuộc 'chiến tranh thương mại' giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất hoàn cầu - đã đủ ép kinh tế thế giới phải đối diện với những viễn cảnh u ám.

Vậy, nếu một “mặt trận” khác nữa được mở ra, giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), thì mọi chuyện còn có thể tồi tệ đến đâu?

Lời nói chẳng mất tiền mua…

...Nhưng đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa từng là người để tâm đến chuyện cẩn trọng “lựa lời mà nói”.

Ngày 15-7, trên sóng hãng truyền hình CBS, trong chương trình “Face the Nation”, trước khi lên đường đến Phần Lan hội kiến đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông chủ Nhà Trắng một lần nữa làm thế giới choáng váng với cách sử dụng ngôn từ thẳng thắn đến phi ngoại giao của mình. Còn các đồng minh thì tối tăm mặt mũi.

“Tôi nghĩ chúng ta có rất nhiều kẻ thù và EU là một trong số đó, bởi những gì họ đã đối xử với chúng ta trong lĩnh vực thương mại”. Một lời nhận xét khó có thể biện bác theo cách này hay cách khác để làm giảm sự nặng nề, khi nội hàm và ngoại diên của từ “a foe” là khá hẹp.

Những phản ứng tiếp nối là tương đối dễ hiểu. Ngay lập tức, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cố gắng cứu vãn tình hình bằng cách tái khẳng định: Châu Âu và Mỹ là những người bạn thân thiết nhất. Thậm chí, ông còn đề cập đến khả năng câu chuyện này là một thứ tin giả.

Sau đó, như những tiếng đồng vọng, các nhà lãnh đạo khác của EU cũng góp tay xoa dịu tình hình, khi dư luận bắt đầu chú ý đến phát biểu này trong bối cảnh “giấy không thể gói được lửa”.

Federica Mogherini - đại diện cấp cao về chính sách an ninh đối ngoại của EU - nhấn mạnh: Cho dù chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thay đổi quan điểm thì đó vẫn sẽ không phải là sự kết thúc một tình bằng hữu.

EU - Mỹ, mối quan hệ đang rạn vỡ.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves le Drian thể hiện một sự hóm hỉnh đầy tinh tế, khi cho rằng “với ngài Donald Trump, dường như tất cả mọi người đều bị coi là kẻ thù và cần phải xem xét các tuyên bố của ông với sự điềm tĩnh nhất định”.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Josepp Borrell nhận định rằng EU chỉ nên phản ứng ở mức độ tương xứng với phát biểu ấy, khi có lẽ ông chủ Nhà Trắng chỉ muốn nhấn mạnh đến cuộc cạnh tranh thương mại và “kẻ thù” chỉ là một biện pháp tu từ cường điệu.

Song, không phải đại biểu EU nào cũng đơn giản hóa mọi chuyện như vậy. Từ nước Đức - trái tim và là động lực kinh tế của châu Âu - Quốc vụ khanh Michael Roth khẳng định: EU sẽ không bỏ qua những tuyên bố của Tổng thống Mỹ, bao gồm những lời lẽ “hung hăng”, “gây hiểu lầm” và đặc biệt là “không mang tính xây dựng”.

Và ở thời điểm này, tiếng nói của nước Đức cực kỳ giàu sức nặng.

Bằng mặt, chẳng bằng lòng

Nhưng thực ra, những thứ va vấp (hoặc có thể xem là “đòn gió”) ngoại giao ấy rồi cũng sẽ nhanh chóng bị chìm lấp dưới cuồn cuộn dòng chảy các diễn biến và các sự kiện.

Chỉ cần vẫn còn chia sẻ những lợi ích chung đủ lớn, phương Tây vẫn có thể hòa thuận và không cần “chấp nhặt” gì nhau, như khuynh hướng chủ đạo đã và đang được châu Âu thể hiện.

Vấn đề là, những lợi ích chung đó có còn đủ hấp dẫn? Và phải chăng những mục tiêu chung trên nhiều phương diện, đặc biệt là kinh tế - thương mại, chỉ mới bị ảnh hưởng bởi những tuyên bố gây sốc lần này?

Câu trả lời là “Không! Những vết rạn đã bắt đầu xuất hiện từ khá lâu rồi!”. Chính xác là từ tháng 12-2016, khi đương kim Tổng thống Mỹ đắc cử sau một cuộc đua chia rẽ sâu sắc nền chính nội bộ nước Mỹ.

Từ lúc đó, cương lĩnh tranh cử của ông đã bắt đầu tạo nên những nghi ngại không thể che giấu, cho châu Âu cũng như tất cả các thiết chế cộng đồng quốc tế mà Mỹ tham gia. Ông lật ngửa những quân bài không hề đắn đo: Mỹ đã phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm, đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi và đã phải chi quá nhiều tiền. Giờ là lúc sắp xếp lại tất cả.

Lần lượt, từng cam kết, thậm chí là những cam kết từng được xem là thành tựu đối ngoại trong 2 nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Barack Obama bị lật lại.

Bên cạnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một siêu dự án thương mại tự do khác: Hiệp định đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương cũng bị ép phải chết yểu. Châu Âu dĩ nhiên không có lý do gì để hài lòng.

Song, chưa dừng lại ở đó, tiến trình tái cơ cấu một mối quan hệ (vốn được coi là vô cùng khăng khít giữa những đồng minh thân thiết) vẫn còn tiếp nối, với việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Chống biến đổi khí hậu toàn cầu Paris, trong sự chưng hửng của nước Pháp.

Nhà Trắng đòi hỏi các thành viên châu Âu của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải có trách nhiệm hơn nữa, với thái độ trịch thượng đến mức ý tưởng về một thứ “Quân đội châu Âu” riêng, độc lập với NATO, cũng đã từng được phác thảo.

Và Washington, mới đây, còn làm khó những người bạn cũ, khi nhất quyết dồn ép Iran tới tận chân tường, nhằm ký lại thỏa thuận hạt nhân lịch sử (JCPOA) giữa quốc gia Hồi giáo này với nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức), bất kể Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Thủ tướng Đức Angela Merkel ngọt nhạt thế nào.

Thậm chí, họ đã từng phải thừa nhận rằng “đó cũng chưa phải là một thỏa thuận hoàn hảo”, chỉ để bảo vệ quan điểm: “Một thỏa thuận chưa hoàn hảo còn hơn chẳng có thỏa thuận nào!”.

Riêng trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, chưa ai quên là châu Âu đã khó xử thế nào khi bị kẹt giữa hai làn đạn, bởi nước Mỹ muốn họ tham gia vào cuộc chiến tranh thương mại với Nga.

Mọi chuyện chỉ càng lúc càng căng thẳng thêm, bởi Tổng thống Donald Trump đã không ngừng chỉ trích sự thâm hụt của Mỹ trong cán cân thương mại với châu Âu, và còn đang lăm le áp những mức thuế suất mới lên một số mặt hàng chiến lược mà EU xuất khẩu sang Mỹ, như nhôm, thép hay ô tô (có thể lên tới 20%).

Không có sự miễn trừ nào hết, châu Âu đang buộc phải hiểu rằng họ cũng sẽ bị đối xử như mọi “kẻ thù thương mại” khác, bất chấp mọi liên hệ ràng buộc.

Chiếc lò xo bắt đầu bật lại

Đó mới chỉ là những vết rạn. Nhưng đến trung tuần tháng 7-2018 này, những vết rạn đã sẵn sàng trở thành các vệt đứt gãy. Đầu tiên, dĩ nhiên, là trong lĩnh vực kinh tế - khởi nguồn của các xung đột - cạnh tranh địa chính trị.

Ngày 17-7, đại diện cho quan điểm của EU, F.Mogherini tuyên bố: “Chúng tôi đã thông qua cơ chế phong tỏa các lệnh cấm vận của Mỹ và sẽ làm tất cả để Iran có được lợi ích kinh tế tương đương với việc hủy bỏ các lệnh cấm vận ấy”.

Đó thực sự mang dáng dấp của một lời tuyên chiến và nó được đưa ra với 2 mục đích: Thứ nhất, bảo vệ quyền lợi của các công ty châu Âu tại các dự án kinh tế đã được hoạch định trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Iran. Và thứ hai: Khẳng định với Mỹ rằng EU sẽ không cúi đầu.

Hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản - sự phản kháng đối với chủ nghĩa bảo hộ.

Trước đó một ngày, bất chấp việc Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker lên kế hoạch công du vượt biển để hội đàm với Tổng thống Donald Trump, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk vẫn không né tránh việc mô tả bầu không khí đang lạnh nhạt dần đi giữa hai bờ Đại Tây Dương, bằng nhận định: “Bóng tối đang mỗi lúc một bao trùm rộng hơn, trong các mối quan hệ quốc tế”.

Cũng trong ngày ấy, EU và Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - hoàn tất ký kết một hiệp định thương mại tự do song phương, điều được giới chuyên môn mô tả như sự phản kháng đối với chủ nghĩa bảo hộ thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ưa thích.

Bắt đầu bằng kinh tế, sau đó là địa chính trị, và cuối cùng, mọi chuyện cũng sẽ khép lại ở sự thỏa hiệp về các lợi ích kinh tế. Song, để đi hết được chặng đường đó, dĩ nhiên sẽ còn rất nhiều khúc mắc cần được giải quyết, rất nhiều mâu thuẫn cần được gỡ bỏ. Và rất nhiều nhượng bộ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Nga Vladimir Putin, có vẻ như không hề sẵn sàng nhượng bộ. Song, EU cũng vậy.

Cuộc khủng hoảng về chiến lược của họ, diễn ra từ trước cả cuộc đại suy thoái kinh tế, đã đến lúc phải tìm thấy được lối thoát. Châu Âu có những giá trị riêng của mình và những giá trị ấy không nhất thiết phải trùng lặp với các giá trị được đề ra bởi cường quốc số 1 thế giới.

Trong khi đó, thế giới đang phẳng đi với tốc độ chóng mặt này lại cũng tiềm ẩn rất nhiều cơ hội, cho bất cứ ai muốn nắm lấy.

Vẫn còn khá sớm để nói đến một cuộc chiến tranh thương mại EU - Mỹ đích thực. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc đưa ra những lời gọi mời hấp dẫn đến mức không thể chối từ, về một “liên minh phòng thủ thương mại” trong tương lai, thì sao nhỉ?

Đông Phong

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/3cuthang__-nguy-co-chien-tranh-thuong-mai-my-eu-cay-muon-lang-gio-chang-dung-503407/