Nguy cơ chia rẽ nội bộ phủ bóng chính sách của Mỹ với TQ

Nhóm quan chức Mỹ chuyên trách các vấn đề Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ chia rẽ vì theo đuổi mục tiêu khác nhau. Bắc Kinh có thể lợi dụng nhược điểm này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden lựa chọn những quan chức cấp cao để thành lập đội ngũ phụ trách các vấn đề Trung Quốc. Họ vốn quen biết từ lâu, nhưng lại có những mục tiêu khác nhau.

Wall Street Journal cho rằng cách họ hợp tác trong chính quyền mới sẽ quyết định liệu Mỹ có thể có chính sách thống nhất về Trung Quốc hay không. Nếu không, sự chia rẽ nội bộ sẽ trở thành cơ hội cho Bắc Kinh khai thác.

 Ông Biden, khi còn là phó tổng thống Mỹ, bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm đến Bắc Kinh năm 2013. Ảnh: Reuters.

Ông Biden, khi còn là phó tổng thống Mỹ, bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm đến Bắc Kinh năm 2013. Ảnh: Reuters.

Nguy cơ chia rẽ nội bộ

Cựu Ngoại trưởng John Kerry, hiện là đặc phái viên về khí hậu của Nhà Trắng, đang theo đuổi thỏa thuận quốc tế chống biến đổi khí hậu. Thỏa thuận này đòi hỏi sự hợp tác của Trung Quốc vì đây là quốc gia thải khí nhà kính lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, Điều phối viên về Trung Quốc của Nhà Trắng Kurt Campbell lại muốn cứng rắn với Bắc Kinh.

Cả hai quan chức này đều là thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia do Jake Sullivan, đồng nghiệp cũ của họ trong chính quyền Obama, lãnh đạo.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama, Susan Rice, hiện là cố vấn chính sách đối nội của Tổng thống Biden. Bà Rice cũng có thể sẽ can thiệp vào một số vấn đề về Trung Quốc, theo nguồn tin từ đồng nghiệp cũ.

Giờ đây, ông Sullivan cần tìm cách làm hài hòa các quan điểm giữa bộ ba Kerry - Rice - Campbell, cũng như quan điểm của các bộ trưởng ở Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.

Trong phiên điều trần ở Thượng viện hồi tuần trước, đề cử Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo không cam kết tiếp tục đưa công ty viễn thông Huawei Technologies của Trung Quốc vào danh sách đen như chính quyền Trump.

Trước đó, ông Campbell và Sullivan xác định công ty này là rủi ro an ninh đối với Mỹ.

Ngày hôm sau, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki gọi Huawei là “mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ và các đồng minh của chúng tôi”.

Một số cố vấn không thuộc nhóm trên cho rằng sự khác biệt giữa các quan chức này phần nào giống với nội các được mệnh danh là "một nhóm đối thủ" thời Tổng thống Abraham Lincoln.

Nhưng trong trường hợp này, cách mô tả chính xác hơn là "một nhóm đối thủ anh em", vì một số quan chức cấp cao trong nhóm là bạn lâu năm của nhau.

Đặc phái viên về khí hậu John Kerry (giữa) nói chuyện với báo chí vào ngày 27/1. Ảnh: Wall Street Journal.

Một số đảng viên Cộng hòa cho rằng việc ông Biden tập trung vào vấn đề khí hậu sẽ làm suy yếu quyết tâm của chính quyền Mỹ trong việc đối đầu với Trung Quốc trên các mặt trận khác.

Trả lời Wall Street Journal, Thượng nghị sĩ Mitt Romney nói: “Chính quyền phải rõ ràng trong cả việc hiểu và đẩy lùi mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra".

Điều đó có nghĩa là không nên "ưu tiên" thỏa thuận về khí hậu "hơn các biện pháp cần thiết khác để giải quyết mối đe dọa từ Trung Quốc", ông giải thích.

Trong khi đó, ông Kerry cam kết không hy sinh các ưu tiên quân sự hoặc kinh tế để đạt được thỏa thuận khí hậu. "Điều đó sẽ không xảy ra", ông nhấn mạnh.

Cách tiếp cận mới của hai phía

Chiến lược của chính quyền Biden đối với Bắc Kinh vẫn đang được hình thành, bao gồm việc tập trung đầu tư mạnh vào công nghệ tiên tiến ở Mỹ và tập hợp đồng minh để tạo thành “mặt trận thống nhất” (theo cách nói của ông Biden) chống lại Bắc Kinh.

Wall Street Journal dẫn lời một quan chức cấp cao cho biết ông Biden muốn điện đàm với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các đối tác tiềm năng khác trong khu vực trước, sau đó mới trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhưng ngay cả một số đồng minh của ông Biden cũng dự đoán nhóm cố vấn sẽ nảy sinh rạn nứt về các vấn đề như nhân quyền hoặc chính sách công nghiệp. Đây vốn là mâu thuẫn truyền thống giữa các quan chức phụ trách kinh tế và nhóm phụ trách an ninh quốc gia.

Winston Lord, cựu quan chức phụ trách các vấn đề Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết “luôn có tình trạng căng thẳng” khi bàn về thúc đẩy dân chủ và theo đuổi lợi ích kinh tế.

Nhưng ông cho rằng kết quả lần này có thể khác vì “tâm trạng những người ở Trung Quốc, bao gồm cả cộng đồng doanh nghiệp và công nghệ, đã trở nên u ám hơn nhiều”.

Ông Biden tập trung vào nhân quyền, và "ông ấy sẽ mong đợi mọi thành viên trong nội các cũng làm như vậy", quan chức này nói.

Ông Dương Khiết Trì trong buổi thảo luận trực tuyến với Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ - Trung Quốc hôm 2/2. Ảnh: AP.

Từ lâu, Bắc Kinh luôn cố gắng lợi dụng một quan chức trong chính quyền Mỹ để chống lại các quan chức khác, nhằm giảm bớt áp lực từ Mỹ đối với các vấn đề mâu thuẫn giữa hai nước như thương mại hay Đài Loan.

Trong chính quyền Trump, Bắc Kinh tìm đến Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Trong mắt ông Mnuchin, Trung Quốc là nước đóng góp quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu; vì vậy ông sẽ tìm cách ngăn các quan chức khác muốn gạt bỏ đóng góp này.

Nhưng sau khi nhận ra Bắc Kinh luôn ở thế phòng thủ khi đối phó với chính quyền Trump, giới lãnh đạo Trung Quốc đang thử cách tiếp cận chủ động hơn với nhóm cố vấn của ông Biden.

Kể từ cuối năm 2020, Bắc Kinh cử nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì đến Washington để thảo luận về việc tổ chức sớm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung.

"Cam kết thì dễ, thực thi mới khó"

Nhóm của ông Biden cho đến nay vẫn chưa phản ứng trước sự lấn lướt của Trung Quốc vì họ muốn có thời gian để vạch ra chiến lược đối phó với Bắc Kinh.

Bắc Kinh cũng phô trương lực lượng bằng cách điều các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đến gần Đài Loan, ngay khi Mỹ đang tiến hành tập trận ở Biển Đông.

Trong bài phát biểu trước Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ - Trung Quốc, ông Dương cảnh báo chính quyền Mỹ mới không nên vượt qua “ranh giới đỏ” trong các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc liên quan đến Đài Loan.

Đồng thời, nhà ngoại giao này nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa mối quan hệ song phương quay lại con đường "có thể dự đoán được và mang tính xây dựng".

"Những vấn đề này liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, danh dự quốc gia cũng như sự nhạy cảm của 1,4 tỷ người", ông Dương nói.

Tổng thống Biden và tân Ngoại trưởng Blinken (thứ hai từ trái qua) là đồng nghiệp lâu năm. Ảnh: Reuters.

Từ góc nhìn của Bắc Kinh, Ngoại trưởng Blinken có vẻ là nhà đàm phán đầy hứa hẹn. Các chuyên gia ở Bắc Kinh nhớ lại hồi mùa thu năm 2020, ông Blinken từng nói việc hai nền kinh tế Mỹ - Trung tách rời là "phi thực tế và cuối cùng là phản tác dụng".

"Có vẻ như ông Blinken sẽ tập trung nhiều hơn vào sự phát triển giữa hai quốc gia, thay vì vào cuộc đối đầu trực diện như của ông Trump với Trung Quốc", một cố vấn chính phủ ở Bắc Kinh cho biết.

Các quan chức của ông Biden cho rằng họ thống nhất trong chiến lược đối với Trung Quốc. Trong chính quyền, mối quan tâm chủ yếu tập trung vào việc liệu ông Kerry và ông Campbell có thể hợp tác với nhóm, hay sẽ cố gắng chi phối mối quan hệ với Trung Quốc.

Đặc phái viên về khí hậu Kerry, 77 tuổi, báo cáo trực tiếp với Tổng thống Biden. Hai người cũng là đồng nghiệp trong suốt 24 năm làm việc trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

Matthew Goodman, cựu chuyên gia về châu Á của chính quyền Obama, cho biết sự quyết đoán của ông Kerry có thể là một điểm cộng.

"Bắt Trung Quốc cam kết thì rất dễ. Nhưng hợp tác trên thực tế sẽ đòi hỏi phải tìm cách thực thi những cam kết đó", ông Goodman nói.

Chặng đường đến Nhà Trắng đầy thăng trầm của ông Biden Cuộc đời thăng trầm của tổng thống đắc cử Joe Biden cho thấy sự nỗ lực bền bỉ và ý chí của ông, từ những ngày một mình nuôi con cho tới khi đối mặt với thách thức trong sự nghiệp.

Hương Ly

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguy-co-chia-re-noi-bo-phu-bong-chinh-sach-cua-my-voi-tq-post1181502.html