Nguy cơ cháy nổ tại các khu chợ, 'phố Hàng' giữa lòng Thủ đô

Hàng hóa dễ cháy được xếp tràn lan, dây điện đấu nối chằng chịt, hệ thống phương tiện chữa cháy hoen rỉ, không có tem kiểm định... là tình trạng dễ thấy tại các khu chợ, những điểm mua bán, những 'phố Hàng' giữa lòng Thủ đô hiện nay.

Chuẩn bị buớc vào mùa nắng nóng, nguy cơ xảy ra cháy, nổ luôn ở mức cao. Nếu không có các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) hiệu quả, sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.

Theo ghi nhận của phóng viên, thực tế tại một số nơi như: Phố Gầm Cầu, phố Gia Ngư, chợ Láng Hạ hay chợ Ngã Tư Sở,… công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ hiện nay vẫn còn rất sơ sài, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nằm dưới chân cầu Long Biên, bên trên là đường tàu “treo” lơ lửng, phố Gầm Cầu có những đoạn chỉ rộng khoảng 1,5m. Tuy nhiên, ở con phố này hoạt động mua bán, ăn uống diễn ra vô cùng tất nập.

Lối đi lại nhỏ hẹp, trong khi có nhiều hàng hóa dễ bắt lửa, phố Gầm Cầu trở thành nơi tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn.

Lối đi lại nhỏ hẹp, trong khi có nhiều hàng hóa dễ bắt lửa, phố Gầm Cầu trở thành nơi tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn.

Phố Hàng Bồ hay phố Gia Ngư cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ. Những con phố này chủ yếu buôn bán vải vóc, quần áo,… là những mặt hàng dễ bén lửa.

Tại các cửa hàng trên phố Hàng Bồ, quần áo, vải vóc được xếp kín, tận dụng từng khoảng trống để dễ dàng “đập” vào mắt khách hàng.

Vải vóc, khăn lụa treo tứ phía tại một cửa hàng trên phố Gia Ngư, chỉ có một lối nhỏ để bàn thờ trong góc, không một phương tiện phòng cháy, chữa cháy nào.

Tại chợ Ngã Tư Sở (thuộc quận Đống Đa), theo ghi nhận của PV, hàng hóa, quần áo, vải vóc,… được tiểu thương treo, xếp cao quá đầu người.

Hình ảnh nhếch nhác tại khu chợ Ngã Tư Sở khiến người dân nơi đây lo lắng “bà hỏa” có thể ghé thăm bất cứ lúc nào.

Trong các gian hàng tạm thời đóng cửa, rác, bìa carton và các đồ "tạp pí lù" để như kho phế liệu.

Dù chợ Ngã Tư Sở được trang bị rất nhiều bình chữa cháy, nhưng hầu hết các bình trong tình trạng hoen rỉ, bụi bặm và không có tem kiểm định theo định kỳ.

Dây dẫn nước cứu hỏa tại chợ Ngã Tư Sở trong tình trạng đứt đoạn, không đạt yêu cầu.

Tại chợ Láng Hạ (thuộc quận Đống Đa), anh Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng ban quản lý chợ cho biết: “Ban quản lý chợ rất chú trọng công tác PCCC. Bình chữa cháy được đặt rải rác khắp nơi trong chợ, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc PCCC tại chỗ. Các thiết bị điện cũng thường xuyên được kiểm tra và thay mới. Các tiểu thương trong chợ cũng được tập huấn các kỹ năng ứng phó khi chẳng may có hỏa hoạn xảy ra. Hơn nữa, bà con ở đây đều rất có ý thức trong công tác PCCC vì đây là tài sản chung của tất cả mọi người”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, tại các sạp hàng trong chợ Láng Hạ - khu chợ buôn bán, kinh doanh các mặt hàng từ ăn uống đến đồ gia dụng, công tác PCCC ở đây tuy đã được ban quản lý chợ quan tâm, nhưng vẫn còn chưa sát sao.

Các mặt hàng đồ gia dụng được xếp tràn lan, che kín cả lối đi trong chợ Láng Hạ, không hề đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC.

Dù thường xuyên được kiểm tra, nhưng những ổ điện, dây điện ở đây được lắp đặt chằng chịt trong các gian hàng tại chợ Láng Hạ, tiềm ẩn nguy cơ chập điện cao.

Tại chợ Đồng Xuân (thuộc quận Hoàn Kiếm) cũng tương tự. Chợ Đồng Xuân có 3 tầng được phủ kín các mặt hàng. Vì đặc thù là chợ đầu mối chuyên bỏ sỉ nên không gian ở đây được tận dụng tối đa để xếp hàng.

Các ki-ốt trong chợ dày đặc hàng hóa.

Bình chữa cháy được trang bị ở góc chợ nhưng cũng bị lấp đầy bởi hàng hóa.

Chị V.N.L, một tiểu thương kinh doanh tại chợ Đồng Xuân cho biết: “Vì hàng hóa nhiều, ki ốt lại nhỏ nên đành phải xếp chồng chất lên như vậy. Cũng biết là không đảm bảo an toàn, dễ xảy ra cháy nổ nhưng cũng không biết làm thế nào”.

Thông tin từ Cục PCCC (Bộ Công an), để đảm bảo an toàn PCCC đối với các khu chợ, cần thực hiện các biện pháp sau: Mỗi hộ kinh doanh chỉ trưng bày hàng mẫu và hàng bán trong một ngày với số lượng tối thiểu; không để hàng hóa lấn chiếm khoảng cách giữa các lô, sạp hàng đã quy định; Tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất đặc biệt nguy hiểm cháy như xăng dầu, cồn, ga và hóa chất dễ cháy khác trong chợ. Tại các khu chợ cần niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ. Trường hợp cần thiết phải sử dụng lửa, nguồn nhiệt phải bố trí khu vực riêng biệt và có các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Tuyệt đối không thắp đèn, nến, hương thờ cúng và đốt vàng mã trong chợ và trung tâm thương mại.

Đáng chú ý, các đơn vị quản lý và các hộ kinh doanh cần tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ (áptomát) cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng và từng quầy, sạp của hộ kinh doanh. Hàng hóa dễ cháy cần phải để cách bóng điện, chấn lưu đèn nê ông, bảng điện tối thiểu 0,5 m. Không sử dụng bàn là điện, bếp điện, lò sấy, lò sưởi; không dùng bóng điện sợi đốt để sấy hàng hóa; sử dụng quạt phải có lồng bảo hiểm. Các hộ kinh doanh không sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, làm tường, vách ngăn, trần, quầy sạp hàng; bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng, dãy hàng dễ cháy.

Đặc biệt không làm thêm mái che, mái vẩy cũng như không bố trí quầy sạp, bãi để xe và không để vật tư, hàng hóa trong khoảng cách ngăn cháy giữa các khối nhà của khu vực chợ với các khu vực lân cận; Không bố trí nhà ở, khách sạn, vũ trường, trường học và các hoạt động tập trung đông người ở tầng trên của các chợ, trung tâm thương mại.

Như vậy, quy định về PCCC với các khu chợ có từ lâu nhưng việc triển khai các quy định này, từ hoạt động thông tin đến người dân (thuộc trách nhiệm của cán bộ cơ sở, của BQL các chợ) và ý thức của chủ các sạp hàng mới là điều quan trọng hơn cả. Các vụ cháy chợ từng xảy ra với những thiệt hại lớn là bài học nhãn tiền để BQL các chợ và tiểu thương siết chặt hơn nữa công tác PCCC, không để xảy ra tình trạng hỏa hoạn đáng tiếc.

Thúy Hà

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nguy-co-chay-no-tai-cac-khu-cho-pho-hang-giua-long-thu-do-20210427110943094.htm