Nguy cơ cháy nổ tại các khu biệt thự sử dụng sai mục đích

Tại Hà Nội, không ít các căn biệt thự, nhà liền kề do chủ nhân chưa sử dụng đến bỏ không đã cho thuê và trở thành địa điểm kinh doanh, sinh hoạt tạm bợ. Những mớ dây điện chằng chịt kéo tạm, vách ngăn bằng bạt, hàng hóa dễ cháy nhét chồng chất tiềm ẩn nguy cơ cháy cao...

Trăm mối hiểm họa lớn về cháy, nổ

Ngày 14-10 vừa qua đã xảy ra 1 vụ cháy nghiêm trọng khiến 1 người chết và 4 người bị thương tại Khu đô thị Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Nơi xảy ra cháy là 1 cửa hàng ghế sofa hoạt động kinh doanh và sản xuất tại ngôi biệt thự chưa được sử dụng. Sự việc xảy ra là hồi chuông báo động nguy cơ cháy nổ tại các khu nhà liền kề cũng như biệt thự đang bị sử dụng sai mục đích như cho thuê làm nhà hàng, cửa hàng, kho chứa hàng hóa và là nơi ở tạm thời của công nhân.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, tại Hà Nội không ít các căn biệt thự, nhà liền kề do chủ nhân chưa sử dụng đến bỏ không đã cho thuê và trở thành địa điểm kinh doanh. Điển hình tại khu vực quận Nam Từ Liêm, quận Long Biên, huyện Hoài Đức…, hầu hết người thuê đã sử dụng và sinh hoạt rất tạm bợ. Những mớ dây điện chằng chịt kéo tạm, vách ngăn bằng bạt, hàng hóa dễ cháy nhét chồng chất tiềm ẩn nguy cơ cháy cao.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: “Nhiều ngôi nhà chưa hoàn thiện, họ cho thuê với mục đích khác. Chưa có vách ngăn, họ thuê, tạo vách ngăn tạm bợ, hàng hóa xếp không thành hàng lối. Vừa ăn vừa ở, đun nấu, nên vừa qua xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng chết người thương tâm. Và khi xảy cháy khó tiếp cận hiện trường, đường đi họ không để theo hàng lối nào nên cán bộ chiến sĩ gặp khó khăn trong chữa cháy và cứu người”.

Cùng với việc sử dụng sai mục đích thành địa điểm kinh doanh, thì nhiều nơi, các căn biệt thự lại là nơi ở tạm bợ của nhiều công nhân. Họ sinh sống và ăn ở ngay tại các khu nhà biệt thự bỏ hoang. Với tính chất là sống tạm bợ nên công tác PCCC tại đây không được người dân ý thức quan tâm, chú trọng. Vì vậy, chỉ một hành động nhỏ như vứt tàn thuốc lá bừa bãi cũng dễ dàng gây hỏa hoạn. “Người dân, công nhân ở tạm bợ. Việc quản lý rất khó khăn, chính quyền địa phương cần phải tuyên truyền vận động để người dân đăng ký tạm trú tạm vắng và nâng cao công tác PCCC tại đó” - Thượng tá Đỗ Anh Quyến cảnh báo.

Một cán bộ Đội PCCC và CNCH, CAQ Bắc Từ Liêm phân tích: “Theo quy hoạch những căn biệt thự không có công năng làm nhà xưởng nhưng sử dụng nó như nhà xưởng là một hiểm họa lớn về cháy, nổ. Về nguyên tắc là nơi sản xuất phải tách biệt với nơi ở, nếu thay đổi mục đích thì nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Chưa kể đến việc sử dụng sai mục đích, khi xảy ra cháy nổ, việc chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn”.

Ngăn chặn nguy cơ cháy nổ phải được thực hiện từ trong ý thức chung của người dân

65% nguyên nhân các vụ cháy là do chập điện

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 2.989 vụ cháy, khiến 73 người tử vong, bị thương 163 người, thiệt hại về tài sản 1.590 tỷ đồng. Điều đặc biệt, thời tiết miền Bắc đang chuyển vào những tháng cao điểm hanh khô, nên nguy cơ cháy nổ rất cao. Đối với đô thị, việc xảy cháy diễn ra bất cứ mùa nào, ngay cả khi trời đang mưa to cũng cháy. “Nếu như việc sử dụng thiết bị điện không có quy trình bảo trì, bảo dưỡng, hoặc việc thắp hương, nến mà không trông coi thì cháy xảy ra cho dù mưa lớn đến mấy” - một cán bộ Cảnh sát PCCC và CNCH, quận Ba Đình cảnh báo.

Vụ cháy đầu tháng 10-2018 vừa qua tại một căn hộ cao tầng tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa cho thấy lý do cháy xuất phát từ sự chủ quan của người dân. Chủ nhà hóa vàng mã trên tầng thượng nhưng không phun nước để dập tàn, khi đi xuống tầng dưới thì bất ngờ gió thổi tàn bùng cháy và bén sang các đồ lân cận và gây cháy lớn. Cho đến khi lửa bao trùm tầng thượng của ngôi nhà 8 tầng rồi thì gia chủ mới biết.

Vụ cháy nghiêm trọng chiều 17-9 tại Đê La Thành đã khiến 2 người thiệt mạng. Về nguyên nhân cháy rất đơn giản do chập điện từ một nhà cho thuê trọ đã gây cháy lan sang gần 20 nhà lân cận. Những chi tiết đưa ra từ cơ quan điều tra cho thấy ý thức của con người kém đã gây hậu quả nghiêm trọng. Về mặt trách nhiệm đối với chủ nhà có nhà cho thuê, việc đầu tiên phải đảm bảo an toàn cho người được thuê.

Và ngược lại người đi thuê phòng trọ cũng phải có ý thức trong việc an toàn PCCC. Với những căn nhà cho thuê như ở khu vực Đê La Thành, đáng lẽ ra mỗi chủ nhân phải tự cải tạo, sửa chữa nâng cấp đường hệ thống điện cho gia đình mình để đủ nguồn điện cung cấp cho số người thuê. Thế nhưng hệ thống điện tạm bợ, dây nối nhằng nhịt trong khi người sử dụng gia tăng từng ngày dẫn đến việc quá tải đường dây và chập cháy.

“Việc bảo dưỡng, bảo trì thiết bị điện và nâng cấp đường dây điện là biện pháp cơ bản phòng cháy đối với từng gia đình. Nhiều công trình, đặc biệt là khu chung cư cũ hệ thống điện trong nhà đã lạc hậu, không đủ tải cho nhu cầu hiện nay, nếu không nâng cấp việc chập cháy đường dây là điều khó tránh khỏi” - chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội phân tích.

“Có những vụ hỏa hoạn xảy ra từ những việc tưởng hết sức bình thường nhưng lại gây ra những hậu quả khôn lường. Người tầng trên hút thuốc rồi ném mẩu thuốc đang cháy dở từ ban công xuống đất hoặc xuống nhà chứa rác. Chỉ một đốm lửa nhỏ từ mẩu thuốc đã biến cả chung cư nhốn nháo vì hỏa hoạn hoặc còi báo cháy” - cán bộ Cảnh sát PCCC và CNCH quận Hoàng Mai cảnh báo. Mới đây, tại chung cư HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai, một cư dân đã đăng ảnh màn nhà mình bị cháy do người dân sống ở tầng trên thiếu ý thức ném mẩu thuốc lá đang cháy xuống dưới. Rất may, do có người ở nhà nên sự việc đã được phát hiện.

Thực tế cho thấy, nếu công tác phòng chống cháy nổ trong toàn dân tốt thì hậu quả các vụ cháy sẽ được phát hiện và xử lý kịp thời. Theo thống kê mới nhất từ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội, năm 2017 và quý I-2018 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ. Trong đó, quý I-2018 xảy ra 280 vụ. Nguyên nhân các vụ cháy xảy ra khoảng 65% là do chập điện.

“Ý thức người dân chưa cao cộng với cơ quan, doanh nghiệp chưa gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành an toàn phòng cháy, chữa cháy đã dẫn đến số vụ cháy gia tăng gây thiệt hại lớn về tài sản và con người. Có hàng trăm nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn, nhưng yếu tố chủ quan của con người là khởi xuất của những nguyên nhân dẫn đến cháy lớn”.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh (Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH)

“Đối với các nhà chung cư, nguy cơ cháy lớn nhất thường tập trung ở hộp kỹ thuật và ở khu vực tầng hầm do là nơi tập trung nhiều vật liệu, trang thiết bị dễ gây cháy. Bên cạnh đó, phương tiện xe máy, ô tô để tại tầng hầm cũng là những nguồn dễ gây cháy và cháy lan nhanh. Khi cháy ở tầng hầm sẽ sinh nhiều khói bốc lên trên và dễ gây ngạt khói cho cư dân chung cư. Tiếp theo, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao là ở trục thông tầng (hộp kỹ thuật, thu gom rác…). Điểm đáng chú ý, trong 87 vụ cháy ở các chung cư trong thời gian qua thì có tới 57 vụ tại khu vực thu gom rác”.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến (Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Đức Trí

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/nguy-co-chay-no-tai-cac-khu-biet-thu-su-dung-sai-muc-dich/790177.antd