Nguy cơ cháy nổ do thắp hương, đốt vàng mã dịp Tết

Trên thực tế đã có không ít những vụ hỏa hoạn xảy ra, mà nguyên nhân chính là do đốt vàng mã vô ý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã cần tuân thủ đúng quy định, đảm bảo an toàn phòng cháy càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Thờ cúng tổ tiên vốn là truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt từ xa xưa đến nay, cùng với đó là việc thắp hương, đốt vàng mã, nhất là vào các ngày rằm, mùng một, đặc biệt tăng cao vào các dịp Tết.

Khi đốt vàng mã, phải sử dụng thùng kim loại có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh. (Ảnh minh họa).

Khi đốt vàng mã, phải sử dụng thùng kim loại có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh. (Ảnh minh họa).

Để đảm bảo cho người dân vui chơi an toàn, vui vẻ, không để xảy ra cháy, nổ trong dịp Tết Nguyên đán 2019, thì công tác phòng cháy với mỗi người dân cần được chú trọng, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nếu phòng ngừa tốt, phát hiện, chữa cháy ngay từ ban đầu chắc chắn sẽ giảm thiểu thiệt hại nếu có cháy xảy ra.

Theo cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC số 2, Cảnh sát PCCC Thành phố Hà Nội, do vô ý, thiếu hiểu biết, người dân thắp hương nến, đốt vàng mã... vô tình gây nguy cơ cháy nổ cao tại đình chùa, gia đình, hay ngay chính nơi làm việc, hoặc các khu chung cư tập trung đông người..

Bởi vậy, nhằm đảm bảo an toàn PCCC, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC số 2 khuyến cáo người dân, không sử dụng lửa trần, hút thuốc, thắp hương, đốt vàng mã trong khu vực kinh doanh của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng và tại những nơi có quy định cấm lửa.

Đặc biệt, khi bố trí nơi thắp hương, thờ cúng phải đảm bảo an toàn PCCC như: Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, phía trên bàn thờ, bàn thờ phải làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy và có vách ngăn chống cháy lan sang khu vực xung quanh; đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật liệu không cháy, cách xa vật liệu dễ cháy (khi thắp nến nên đặt trên đĩa sứ không cháy). Hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ; khi thắp hương phải có người trông coi đến khi hết tàn hương.

Khi đốt vàng mã, người dân cần phải sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh, đồng thời phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro, đề phòng cháy. Người dân tuyệt đối không đốt vàng mã ở những nơi cấm như chợ, trung tâm thương mại, nơi có vật liệu dễ cháy. Đối với nhà chung cư, nhà tập thể, các hộ liền kề phải hóa vàng tại đúng nơi quy định.

Tại các khu vực đền, chùa cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức PCCC cho những người làm việc phục vụ tại chỗ, phát trên loa tuyên truyền cho khách đến cúng, viếng, có ý thức chấp hành về PCCC.

Ngoài ra, trong thời điểm này, cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng người dân, từng hộ gia đình bằng các biện pháp tích cực như: Phát tờ rơi, tuyên truyền trên báo chí, truyền hình, trên hệ thống loa của các chợ, đình, chùa, khu dân cư… Bản thân người dân cũng cần có ý thức hơn nữa để hạn chế thấp nhất nguy cơ hỏa hoạn.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguy-co-chay-no-do-thap-huong-dot-vang-ma-dip-tet-84864.html