Nguy cơ chạy đua hạt nhân Mỹ-Nga nếu Hiệp định INF sụp đổ

Đầu tháng Mười một vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua việc phân bổ 58 triệu USD cho chương trình nghiên cứu và phát triển hệ thống tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất như là một hành động trả đũa sau khi nước này cáo buộc Nga vi phạm Hiệp định Lực lượng hạt nhân chiến lược tầm trung (INF). Sau 30 năm ký kết, Hiệp định INF đang dần tiến tới gần nguy cơ sụp đổ.

Cách đây 30 năm, vào ngày 8/12/1987 tại Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã ký duyệt INF. Hiệp định này nhằm cấm mỗi bên triển khai tên lửa tầm ngắn và trung (có tầm bắn từ 500 -5.500km) có thể gắn đầu đạn hạt nhân ở châu Âu.

Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã ký duyệt INF.

INF được ghi nhận là một Hiệp định lịch sử, giúp kết thúc cuộc chạy đua vũ trang thời kỳ Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ. Đã có khoảng 2.700 tên lửa tầm trung bị tiêu hủy sau khi INF có hiệu lực.

Những lỗ hổng trong việc giải thích Hiệp định

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cả Mỹ và Nga đều cáo buộc bên còn lại vi phạm Hiệp định INF.

Các chuyên gia quân sự Mỹ thường xuyên cảnh báo về việc Nga đang phát triển một loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tên 9M729 với tầm bắn trên 500km. Loại tên lửa này được phía NATO gọi với cái tên SSC-X-8, có thể được sử dụng kết hợp với hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M.

Việc phát triển 9M729 đã được các quan chức Nga gián tiếp xác nhận, nhưng các thông số kỹ thuật chính thức vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, có nguồn tin cho rằng tên lửa 9M729 chính là phiên bản cải tiến trên mặt đất từ loại tên lửa tấn công từ biển 3M-14, thuộc tổ hợp tên lửa Kalibr. Nếu giả định này là đúng thì 9M729 có thể đạt tầm bắn hiệu quả trong phạm vi 2.000km.

Bên cạnh đó, việc Nga đưa vào sử dụng loại tên lửa RS-26 Rubezh (được mệnh danh là “sát thủ đối với lá chắn tên lửa”) cũng vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía Mỹ. Về mặt kỹ thuật, loại tên lửa này phù hợp với hiệp ước mà hai nước đã ký kết, tuy nhiên trên thực tế RS-26 vẫn có thể sử dụng để tấn công những mục tiêu ở khoảng cách 2.000km. Điều đó đồng nghĩa với việc nó có thể hoạt động một cách linh hoạt như một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM).

Tuy nhiên, theo Hiệp định INF, “tầm bắn của tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất (GLBM) không được liệt kê trong Điều III của Hiệp định này sẽ được mặc định là phạm vi tối đa đã được thử nghiệm” thì Rebezh đương nhiên không vi phạm Hiệp định trên.

Về phía Mỹ, việc nước này triển khai hệ thống lá chắn tên lửa đạn đạo (ABM) ở Romania và Ba Lan đã khiến Nga vô cùng giận dữ. Điều này cũng dễ hiểu bởi trong thành phần hệ thống phòng thủ bờ biển Aegis Ashore mà Mỹ đang triển khai ở châu Âu có các bệ phóng có khả năng phóng không chỉ tên lửa đánh chặn mà còn tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 1.600km.

Hiệp định INF cấm hành vi sản xuất bệ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung vì thế động thái này của Mỹ đã trực tiếp vi phạm vào hiệp định trên.

Một vấn đề gây tranh cãi khác là việc phát triển và sử dụng hàng loạt các tên lửa tầm trung để thử nghiệm các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Chẳng hạn như tên lửa Hera có tầm bắn tối đa là 1.100 km. Trong thực tế, chúng không khác gì so với IRBM thông thường nhưng Hiệp ước lại không có bất kỳ giải thích nào để giải quyết tình huống này.

Lỗ hổng lớn nhất của INF liên quan đến việc định nghĩa tên lửa hành trình và các loại máy bay không người lái. Thuật ngữ “tên lửa hành trình” dùng để chỉ loại tên lửa tự hành mà đặc điểm bay của nó là trong toàn bộ quỹ đạo tên lửa chịu tác động của lực nâng khí động học thông qua các cánh nâng nên nó còn được biết đến với cái tên “tên lửa có cánh”.

Điều đó có thể dẫn đến sự nhầm lẫn với các loại máy bay không người lái (UAV) mà Mỹ thường xuyên sử dụng.

Nga vẫn thường dựa vào chính đặc điểm này để cáo buộc Mỹ vi phạm hiệp ước dù nước này cũng đang thực hiện dự án nghiên cứu và phát triển UAV của riêng mình.

Nguy cơ chạy đua hạt nhân

INF bị sụp đổ có thể châm ngòi cho cuộc đua hạt nhân mới giữa Nga và Mỹ. (Ảnh minh họa)

Việc NATO tiếp tục triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu thực sự đặt Nga và Mỹ vào vị trí đối đầu. Nếu một trong hai nước đơn phương rút khỏi INF chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của Hiệp định. Khi đó, theo các chuyên gia đánh giá một cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn có thể sẽ bắt đầu.

Nga sẽ là nước có lợi thế hơn trong cuộc chạy đua ấy. Nước này sẽ dễ dàng tái khởi động quá trình sản xuất loại tên lửa tầm trung RSD-10 Pioneer từng khiến Mỹ và NATO “mất ăn mất ngủ” trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

RSD-10 có trọng lượng lên tới 37,1 tấn được trang bị tới 3 đầu đạn hạt nhân với sức công phá 150 kiloton mỗi đầu. Những đầu đạn này hoàn toàn có thể độc lập tấn công các mục tiêu khác nhau với phạm vi hoạt động lên tới 4.600km. Nó cho phép Moscow có khả năng tấn công tất cả các cơ sở hạ tầng của quân đội Mỹ đặt tại châu Âu.

Tên lửa đối trọng của Mỹ trong thời kỳ đó Pershing II lại có tính năng khiêm tốn hơn rất nhiều - với một đầu đạn 80 kiloton và tầm bắn tối đa khoảng 1.800 km. Quá trình tái sản xuất loại tên lửa này thực chất không có ý nghĩa gì vì Pershing II đã trở nên lỗi thời. Còn nếu Mỹ muốn phát triển một loại tên lửa đủ sức để so sánh với RSD-10 sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian và kinh phí.

Tuy nhiên, lợi thế của Washington là dù các tên lửa IRBM của Moscow có thể tấn công bất cứ nơi nào ở châu Âu nhưng lại không thể vươn tới lãnh thổ của nước này.

Đồng thời, họ cũng sẽ có đủ thời gian để phản ứng trước một cuộc tấn công từ các tên lửa tầm xa của Nga vì những tên lửa này phải mất một khoảng thời gian nhất định để vươn tới được lục địa Mỹ.

Còn đối với Nga, lãnh thổ nước này quá lớn để họ có thể đảm bảo khả năng vô hiệu hóa tất cả các tên lửa tấn công vào lãnh thổ của mình.

Hầu hết các quan chức quân đội của cả hai nước đều ủng hộ việc giải thể Hiệp ước. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi xem xét số tiền đầu tư của hai phía vào các khu công nghiệp quân sự. Tuy vậy, tương lai của Hiệp định INF cho tới nay hiện vẫn đang là một dấu hỏi lớn.

Mạnh Thương

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nguy-co-chay-dua-hat-nhan-my-nga-neu-hiep-dinh-inf-sup-do-a352893.html