Nguy cơ căng thẳng gia tăng ở Đông Địa Trung Hải giàu khí đốt

Căng thẳng leo thang ở Đông Địa Trung Hải đang nhận được sự chú ý của EU, vốn quan tâm đến tiềm năng khí đốt của khu vực như một giải pháp thay thế cho nguồn cung khí đốt của Nga.

Mỏ Karish được cho là có trữ lượng khí đốt lớn, dẫn đến việc tranh chấp giữa Israel và Liban leo thang. Ảnh: EI

Mỏ Karish được cho là có trữ lượng khí đốt lớn, dẫn đến việc tranh chấp giữa Israel và Liban leo thang. Ảnh: EI

Căng thẳng đang gia tăng giữa Israel và Liban về biên giới hàng hải tranh chấp của họ ở Đông Địa Trung Hải giàu khí đốt, mà châu Âu đã xác định là nguồn cung cấp thay thế tiềm năng cho khí đốt của Nga.

Nhóm Hezbollah của người Shiite ở Liban tuyên bố rằng họ có thể ngăn chặn Israel khai thác khí đốt từ mỏ Karish, mà Beirut khẳng định là nằm trong vùng biển tranh chấp.

"Tất cả các lựa chọn đều đang ở trên bàn", thủ lĩnh Hassan Nasrallah của Hezbollah cho biết, nói thêm rằng nhóm "không sợ chiến tranh".

Tập đoàn Energean, nhà khai thác khí đốt hàng đầu ở Địa Trung Hải đã điều tàu nổi, sản xuất, lưu trữ (FPSO) đến mỏ Karish, cách bờ biển Israel 90 km, vào tuần trước, và hoạt động sản xuất khí đốt dự kiến sẽ bắt đầu vào quý 3 năm nay.

Mỏ Karish ước tính chứa hơn 430 tỷ mét khối khí. Khí đốt này được dành cho thị trường Israel, với giai đoạn phát triển đầu tiên nhắm đến sản lượng gần 200 triệu mét khối khí/ngày.

Đáp lại lời đe dọa của Hezbollah, Bộ trưởng Tài chính Israel Avigdor Lieberman cho biết "không ai có thể ngăn cản chúng tôi khoan khí đốt trong vùng biển kinh tế của Israel".

Đầu tuần trước, các bộ trưởng quốc phòng, đối ngoại và năng lượng của Israel đã mô tả mỏ Karish trong một tuyên bố chung là một "tài sản chiến lược đối với Israel".

"Karish nằm bên trong lãnh thổ nước này, cách khu vực đang diễn ra các cuộc đàm phán giữa Israel và bang Liban với sự trung gian của Mỹ hàng km về phía Nam. Mỏ khí đốt không nằm trong vùng lãnh thổ tranh chấp", tuyên bố chung cho biết.

Đặc phái viên Mỹ về năng lượng Amos Hochstein đã lưu ý đến tình hình leo thang căng thẳng trong các phát biểu trước cuộc họp của Ủy ban Thượng viện Mỹ hôm 9/6.

“Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ có thể nối lại các cuộc đàm phán và hòa giải giữa Israel và Liban càng nhanh càng tốt để làm dịu tình hình và khiến mọi thứ không leo thang hơn nữa”, ông Hochstein nói.
Một quan chức cấp cao của Liban đã hoan nghênh triển vọng nối lại các cuộc đàm phán do Mỹ làm trung gian với Israel: “Chúng tôi muốn các cuộc đàm phán được đẩy nhanh. Tôi từng nói rằng chúng tôi đang hướng đến một cuộc xung đột”.

Ông Hochstein có thể đến thăm Beirut trong thời gian tới để giúp hạ nhiệt độ, nhưng các quan chức Mỹ vẫn chưa xác nhận điều đó. Ông cũng được cho là sẽ hồi sinh kế hoạch vận chuyển khí đốt của Ai Cập đến Liban bằng đường ống để giúp đỡ nền kinh tế đang "ốm yếu" của nước này.

Nguy cơ về một cuộc xung đột ở Đông Địa Trung Hải đang nhận được sự chú ý của EU, vốn đã thể hiện sự quan tâm đến tiềm năng khí đốt của khu vực như một giải pháp thay thế cho nguồn cung khí đốt của Nga.

Ủy ban châu Âu đã ký một biên bản ghi nhớ với Ai Cập và Israel về việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu.

Tranh chấp gần đây xung quanh việc phát triển mỏ Karish trùng hợp với quyết định của Israel về việc tiến hành vòng đấu thầu nước ngoài thứ tư - một sự đảo ngược chính sách đã thông qua trước đây của nước này.

Bộ trưởng Năng lượng Israel Karine Elharrar đã hoãn vô thời hạn các vòng cấp phép tiếp theo để ưu tiên đầu tư vào năng lượng tái tạo và giúp Israel đáp ứng cam kết đạt được mức phát thải carbon ròng vào năm 2050.

Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine đã làm thay đổi tính toán của bà Elharrar. Bà Elharrar nói: "Israel đang hướng tới việc giúp châu Âu đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu là cơ hội để Israel xuất khẩu lượng khí đốt tự nhiên lớn hơn".

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nguy-co-cang-thang-gia-tang-o-dong-dia-trung-hai-giau-khi-dot-20220613113516097.htm