Nguy cơ các đối tượng khủng bố 'hồi hương' về châu Âu (Phần 2)

Các nước châu Âu không có cách tiếp cận thống nhất đối với các chiến binh thánh chiến và phải vật lộn để tìm giải pháp chống đỡ hiệu quả đối với xu hướng tuyên truyền khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.

Vụ nổ tàu điện ngầm ở Anh ngày 15/9 được xác định "là một hành động khủng bố". Ảnh: AFP/TTXVN

Vụ nổ tàu điện ngầm ở Anh ngày 15/9 được xác định "là một hành động khủng bố". Ảnh: AFP/TTXVN

Một nghiên cứu của các nhà chức trách Đức cho thấy gần một nửa các chiến binh thánh chiến “người trở về” vẫn trung thành với hệ tư tưởng cực đoan.

Ngày 28/11/2016, một bài viết đăng trên nhật báo Die Welt của Đức đã công bố kết quả của một nghiên cứu, do các nhà chức trách vùng Rhin thực hiện qua khảo sát 784 cá nhân đã tham gia các tổ chức khủng bố tại Syria và Iraq.

Trong số những người mang quốc tịch Đức, trong độ tuổi từ 13 - 62, đã có 247 người trở về. Hồ sơ của những “người trở về” này nêu lên những vấn đề đáng lo ngại.
Không ít hơn 48% trong số họ vẫn trung thành với “môi trường cực đoan hoặc phong trào salafiste” - những thứ mà họ cho rằng đã giúp họ cứng rắn và mạnh mẽ hơn.

Có 8% trong số này mong muốn trở về là để “nghỉ ngơi”, có nghĩa là bỏ trốn khỏi chiến trường trước khi cố gắng quay trở lại Syria hoặc Iraq. Chỉ có 10% cho thấy sự thất vọng với hệ tư tưởng cực đoan mà họ đã từng tôn thờ, đặc biệt là với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Mặt khác, Die Welt ghi nhận rằng 25% những đối tượng khủng bố quay trở lại Đức đang cộng tác với chính quyền. Đây là trường hợp của Harry Sarfo, một chiến binh thánh chiến trẻ đã nhận thức được sai lầm, và bày tỏ suy nghĩ của mình một cách rộng rãi trên các phương tiện thông tin.
Trong bối cảnh số lượng các chiến binh thánh chiến sụt giảm (bị bao vây ở Mossoul và đe dọa bởi một cuộc tấn công của liên minh Arab - Kurb ở Raqa), cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng ngày càng ít người Đức cố gắng giành chiến thắng trong khu vực Syria - Iraq, và số người mong muốn trở về tăng lên. Đây là vấn đề có liên quan đến đa số các nước châu Âu và đặc biệt là Pháp.
Một báo cáo của nhật báo Le Monde dẫn nguồn tin tình báo cho thấy 200 người Pháp đã rời khỏi Daesh và gần 700 người có thể trở lại Pháp. IS đang mất dần những phần lãnh thổ chiếm đóng cũng như sức hấp dẫn của mình. Có một hiện tượng rất đáng lưu ý, đó là những công dân Pháp từng giữ những vị trí nhất định trong tổ chức khủng bố đang quay trở về quê hương của mình.
Le Monde cho biết, theo luật hình sự của Pháp, nếu một người bị coi là tội phạm, sẽ phải chịu 10 năm tù giam, nhưng nếu tham gia vào hàng ngũ của IS, kể từ nay bị coi là tội phạm và phải chịu từ 20 - 30 năm tù. Tại nhiều quốc gia, nhiều “người trở về” - cựu chiến binh thánh chiến không phủ nhận hệ tư tưởng của họ, thậm chí mơ ước được tiếp tục chiến đấu trong hàng ngũ của Daesh.
Những con số do Gilles de Kerchove - Điều phối viên chống khủng bố của EU - cung cấp trong một báo cáo khiến nhiều người cảm thấy lo sợ. Khoảng 50% người có nguồn gốc châu Âu hoặc sinh sống tại châu Âu gia nhập tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS hoặc Daesh) hiện vẫn đang ở Iraq hoặc Syria. Con số này giao động từ 2.000 - 2.500 người.

Ứng dụng Telegram đóng cửa một số kênh công cộng. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi trận chiến nhằm phá hủy thành lũy cuối cùng của Daesh đang được thực hiện, ông Kerchove đánh giá khả năng “các chiến binh thánh chiến nguồn gốc châu Âu quay trở về ồ ạt trong ngắn hạn do sự thất thủ của IS tại Iraq và Syria là không rõ ràng”.

Nếu như một số quay trở lại quê hương, một số khác tiếp tục chiến đấu trong các “vùng kháng chiến” hoặc trốn sang các các nước lân cận, thậm chí là khu vực xung đột khác.
Còn có một số lượng đáng kể các chiến binh nước ngoài trong hàng ngũ của IS tại Libya có thể đã cố gắng sử dụng quốc tịch của mình hoặc mối liên hệ gia đình để quay trở lại châu Âu. Trên thực tế, có đến 30 - 35% chiến binh thánh chiến quốc tịch châu Âu đã quay trở lại và từ 15 - 20% đã thiệt mạng.
Ông Kerchove cảnh báo rằng những người quay trở về vẫn duy trì liên hệ với Daesh tại các khu vực xung đột thông qua các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội và đặc biệt là qua dịch vụ Telegram. Các nước châu Âu không có được cách tiếp cận thống nhất đối với các chiến binh thánh chiến này và đang phải vật lộn để kiếm tìm giải pháp chống đỡ hiệu quả đối với xu hướng tuyên truyền khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.
Điều phối viên về phòng chống khủng bố của EU khuyến cáo các nước thành viên cần xây dựng một “cách tiếp cận toàn diện”, thực hiện trao đổi thông tin và kinh nghiệm thực tiễn.

Ngoài ra, cũng cần phải tăng cường hợp tác với các quốc gia được xem là địa bàn “quá cảnh” của các đối tượng khủng bố. Đến nay, gần một nửa các đối tượng khủng bố đã thành công trong việc trở về Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển và Anh quốc.

Làn sóng tấn công khủng bố châu Âu vào thời điểm này rất dữ dội, mà theo các chuyên gia dự báo, khả năng thích nghi và sáng tạo của những kẻ khủng bố gây ra nhiều khó khăn đối với lực lượng an ninh. Mỗi ngày trôi qua, Daeach mất đi một phần “vương triều” của mình và cuộc chiến diễn ra trong lòng châu Âu bây giờ mới thực sự bắt đầu.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nguy-co-cac-doi-tuong-khung-bo-hoi-huong-ve-chau-au-phan-2-/57094.html