Nguy cơ bùng phát xung đột Israel-Iran

Tình hình khu vực Trung Đông đang hết sức phức tạp. Tất cả những dấu hiệu hiện nay nhiều khả năng cho thấy nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột lớn hơn. Tuy nhiên, dường như các cường quốc, trước hết là Mỹ và Nga, vẫn chưa thể hiện bất kỳ nỗ lực nào để ngăn chặn hiểm họa ở khu vực này. Theo tuần báo 'The Arab Weekly,' 'chảo lửa' Trung Đông đang 'rối loạn' và có nhiều nguy cơ bùng phát thành cuộc xung đột quy mô lớn, đặc biệt là giữa Israel với Iran.

Tình hình xấu đi nghiêm trọng

Những bất đồng giữa Israel và Iran đang ngày càng tăng khi Tehran có tham vọng trở thành một cường quốc khu vực bằng việc nỗ lực tăng cường ảnh hưởng khắp khu vực Trung Đông. Theo giới quan sát, những việc làm của Iran ở một số nước trong khu vực, ví dụ như Syria, đã khiến Mỹ và đặc biệt là Israel “nóng mắt”. Tel Aviv đã phát đi những tín hiệu cảnh báo rất cương quyết và cứng rắn đối với Tehran và Syria rất có thể là nơi tiếp tục chứng kiến các cuộc tấn công của Israel nhằm vào các mục tiêu của Iran ở quốc gia Trung Đông này.

Nhận định về tình hình căng thẳng hiện nay giữa Israel và Iran, trong một báo cáo phân tích mới đây, chuyên gia nghiên cứu Dennis Ross thuộc Viện Chính sách Cận Đông ở Washington (Mỹ) cho rằng “một cuộc chiến tổng lực giữa Iran và Israel đang đến gần và chính quyền Donald Trump không có chiến lược để ngăn ngừa điều này”.

Trong những ngày gần đây, tình hình đang có chiều hướng xấu đi một cách nghiêm trọng, khi các cường quốc thế giới, những nước thường có truyền thống đóng vai trò phán xử, dường như không thể hoặc không sẵn lòng tham gia ngăn chặn nhiều cuộc xung đột đang có nguy cơ bùng phát ở khu vực vốn đang trên bờ vực chiến tranh này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - một nhân vật diều hâu có chủ trương chống Iran, vừa thông báo về chiến lược răn đe Iran mới và đặt ra nhiều yêu sách đối với Tehran. Lập trường không nhượng bộ của Washington đối với Tehran dường như đặt Mỹ vào tình thế đối đầu với Iran sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký kết với nước Cộng hòa Hồi giáo này hồi năm 2015.

Chuyên gia Dennis Ross cho rằng Tổng thống Trump có thể không muốn nước Mỹ dính líu tới các cuộc xung đột ở Trung Đông, nhưng “việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ không ngăn được nỗ lực của Tehran trong việc bành trướng ở khu vực. T

rái lại, không sớm thì muộn, sự bành trướng này sẽ làm nổ ra một cuộc chiến tranh lớn hơn”. Theo ông, can dự từ bây giờ hay sau này đó là sự lựa chọn mà Mỹ phải đương đầu. Iran không nhượng bộ chính quyền Trump bởi họ thấy các cường quốc châu Âu, trong đó có Nga, Anh, Đức và Pháp, đang ngày càng xa lánh Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ đang liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah ở Lebanon - một đồng minh chủ chốt của Iran, trong bối cảnh Liên hợp quốc (LHQ) luôn hối thúc phong trào này ngừng các chiến dịch quân sự - một yếu tố then chốt trong chiến lược khu vực của Tehran. Tuy nhiên, Hezbollah và các đồng minh của phong trào này không chắc sẽ lùi bước. Họ đã kiểm soát Quốc hội Lebanon sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 6-5 vừa qua và lần đầu tiên nắm chính phủ nước này. Diễn biến mới này chắc chắn sẽ khiến giới chức Tel Aviv lo ngại và phải tìm cách đối phó.

Căng thẳng Tel Aviv-Tehran và sự thờ ơ của các cường quốc có nguy cơ khiến Syria trở thành chiến trường dữ dội giữa Israel với Iran. Ảnh tư liệu

Israel sẵn sàng cho mọi cuộc chơi khu vực

Trong bối cảnh trên, không quân Israel tiết lộ rằng, họ đã triển khai các hoạt động tác chiến bằng máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Việc triển khai loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới này diễn ra chỉ vài tháng sau khi Tel Aviv tiếp nhận đợt đầu tiên gồm 50 chiếc F-35. Động thái này cho thấy sự sẵn sàng cho “mọi cuộc chơi” ở khu vực trong bối cảnh căng thẳng với Iran đang ngày một gia tăng. Theo giới phân tích, nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra các cuộc tấn công có quy mô lớn hơn, ác liệt hơn của Israel nhằm vào các cơ sở của Iran tại Syria.

Trong khi những "cái đầu lạnh" ở cả hai phía đều muốn tránh một cuộc chiến thì phe theo đường lối cứng rắn ở Tehran và Washington mới là bên nắm giữ quyền lực đáng kể. Mới đây, Bộ trưởng Tình báo Israel Yisrael Katz cho hay chính phủ cực hữu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang tiếp tục trông đợi “những ân huệ” từ Tổng thống Trump, sau khi hoàn tất việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem.

Israel đã tỏ rõ sự sẵn sàng tấn công Iran tại Syria nhằm loại bỏ vai trò cũng như sự hiện diện quân sự của Tehran tại quốc gia này. Xét trên mọi phương diện, cùng với sự hậu thuẫn của Mỹ, Israel hoàn toàn có thể thực hiện được những gì mà Thủ tướng Netanyahu đã cảnh báo.

Vấn đề được đặt ra hiện nay là Iran sẽ phản ứng như thế nào? Họ sẽ tấn công đáp trả những đòn đánh của Israel ở mặt trận Syria hay không? Điều này rất có thể xảy ra nếu căn cứ theo những tuyên bố không kém phần cứng rắn của các tướng lĩnh và quan chức ở Tehran.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, ở thời điểm này, chính quyền của Tổng thống Iran Hassan Rouhani liệu có đủ “lực” để cùng lúc đối phó với “thù trong, giặc ngoài” hay không? Trong khi ấy, Mỹ dù hiện không trực tiếp can dự vào vấn đề này, nhưng Washington đã và đang triển khai những cuộc tấn công Iran trên mặt trận kinh tế. “Gọng kìm trừng phạt” từ Washington đang ngày càng siết chặt và chưa ai biết liệu Iran có chịu nổi được những đòn tấn công của cả Israel và Mỹ hay không?

Chắc chắc Iran sẽ gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Khi đó, nguy cơ bất ổn ở trong nước sẽ gia tăng. Theo các nhà phân tích, sẽ là khôn ngoan nếu Iran chấp nhận “thu quân” và tập trung mọi nguồn lực lo đối phó với các lệnh trừng phạt để giữ vững chính quyền và ổn định tình hình trong nước.

Tình hình hiện nay cho thấy một tính toán sai lầm của những "cái đầu nóng" từ bất kỳ bên nào đều có thể sẽ kích động một cuộc chiến thực sự, chứ không chỉ dừng lại ở những cuộc không kích trả đũa nữa.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nguy-co-bung-phat-xung-dot-israel-iran-116337.html