Nguy cơ bùng phát dịch sởi

Trong khi tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, số lượng trẻ em mắc bệnh sởi đang gia tăng và diễn biến phức tạp, thì tại Hà Nội, số ca mắc sởi ở người lớn tuổi và phụ nữ có thai cũng đang gia tăng.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia dịch tễ, hiện nay đang trong mùa đông-xuân, tỷ lệ tiêm vắc-xin còn chưa cao, bệnh sởi lại đang nằm trong chu kỳ dịch (4-5 năm một lần) nên bệnh rất dễ bùng phát thành dịch nếu không thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Tại hội nghị công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông-xuân, dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2019 do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, tại Việt Nam, bệnh sởi có xu hướng gia tăng rải rác, cục bộ từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, chủ yếu tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp lớn, như: Đồng Nai, Bình Dương… Đối tượng mắc bệnh chủ yếu chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi ở trẻ em, nhưng đã ghi nhận nhiều người lớn mắc bệnh, trong đó có phụ nữ mang thai.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh Sởi cho trẻ tại tỉnh Yên Bái. Ảnh: QUANG MINH

Bác sĩ Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, so với năm ngoái, năm nay số ca mắc sởi có xu hướng cao hơn, tỷ lệ trẻ bị mắc dưới tuổi tiêm chủng là khá cao, nhiều trẻ bị biến chứng nặng. Đa phần các trẻ bị sởi biến chứng nặng là dưới 1 tuổi, chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ hai mũi phòng sởi. Các biến chứng bệnh sởi thường gặp là: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa… Ví dụ như bé Lương Mạnh Vũ (10 tháng tuổi ở quận Long Biên, TP Hà Nội) phải nhập viện vì bệnh sởi biến chứng viêm phổi. Mẹ bé Vũ cho biết, trước đó cháu chưa kịp tiêm phòng sởi vì cháu bị ốm liên tục, chưa kịp tiêm thì đã mắc bệnh. Cũng như bệnh nhi Vũ, nhiều trẻ đang nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm cũng trong tình trạng tương tự, chưa kịp tiêm phòng sởi đã mắc bệnh hoặc mới chỉ tiêm được một mũi.

Còn tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), PGS, TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa cho biết, khoa đang điều trị cho nhiều trường hợp người lớn bị sởi. Trong đó có hai sản phụ, một sản phụ đang mang thai tuần thứ 36 và một sản phụ đang mang thai tuần thứ 24. Với thai phụ mắc sởi, PGS, TS Đỗ Duy Cường cảnh báo nguy cơ dễ sảy thai, đẻ non do sốt rất cao, dễ bội nhiễm do suy giảm miễn dịch hơn người khác.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh sởi là bệnh lưu hành ở Việt Nam nhiều năm nay, các quốc gia khác trên thế giới cũng lưu hành số mắc bệnh này. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường bùng phát vào mùa đông-xuân. Đây là bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin, các ca mắc sởi là do người dân không tiêm phòng đầy đủ hoặc chưa từng mắc bệnh này trước đó. Với đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm một số vắc-xin nhất định trong đó có vắc-xin sởi-rubella để bảo vệ con khi sinh ra đã có miễn dịch từ mẹ. Trẻ trong độ tuổi cần tiêm đầy đủ, đúng lịch, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi. Cụ thể, nên đưa trẻ từ 9 đến 12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc-xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Hiện Bộ Y tế đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn có những nghiên cứu cụ thể để hạ thấp tuổi tiêm chủng vắc-xin phòng sởi so với lịch tiêm chủng hiện nay (từ 9 tháng tuổi), theo đó sắp tới sẽ đưa vào tiêm mũi phòng sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi để tăng khả năng phòng bệnh cho trẻ. Để phòng, chống bệnh sởi, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh sởi-rubella cho khoảng 4,2 triệu trẻ từ 1 đến 5 tuổi tại 418 huyện thuộc 57 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế phải bảo đảm cung cấp đủ vắc-xin sởi-rubella cho 63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm định kỳ hằng tháng.

DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/nguy-co-bung-phat-dich-soi-565552