Nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 ở Tây Nam bộ

Tình hình dịch COVID-19 ở các nước láng giềng đang rất phức tạp, khiến áp lực lên khu vực biên giới Tây Nam bộ ngày càng cao.

Sáng 16-4, Bộ Y tế tổ chức họp trực tuyến “Tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19” với 63 tỉnh, TP.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi họp trực tuyến. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi họp trực tuyến. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

“Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là!”

Tại cuộc họp, Bộ Y tế tiếp tục cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch COVID-19, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh ở các nước láng giềng và trong khu vực diễn biến phức tạp. Trong khi đó, gần đây Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyến bay giải cứu với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nguy cơ dịch ở Việt Nam rất lớn. Việc phòng chống dịch COVID-19 trong năm 2021 sẽ hết sức khó khăn, phức tạp. “Chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Kiểm soát dịch trong năm nay là thách thức, khó khăn mà chúng ta phải nỗ lực hơn nữa” - ông Long nhấn mạnh.

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết tại Thái Lan đang có đợt bùng phát dịch COVID-19 mới, từ các ổ dịch ở Bangkok lan ra nhiều tỉnh. Tại Campuchia, dịch cũng diễn biến phức tạp với hơn 4.300 ca mắc, đáng chú ý những tuần gần đây số ca mắc tăng đột biến.

Ông Tấn cũng lưu ý vấn đề đáng nói hiện nay là tâm lý lơ là, chủ quan với dịch bệnh trong cộng đồng. Cạnh đó là tình trạng nhập cảnh trái phép, quản lý không tốt người nhập cảnh hợp pháp; kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, chưa thực chất…

Trước tình hình trên, lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh An Giang, Kiên Giang đã đề xuất Bộ Y tế phân bổ thêm vaccine ngừa COVID-19 cho địa phương. “Anh em tuyến đầu chống dịch ở khu vực biên giới rất mong có vaccine, nhất là sau khi xuất hiện hai ca nhập cảnh trái phép dương tính với SARS-CoV-2” - lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nói.

Vị này cũng đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ phê duyệt thành lập bệnh viện dã chiến ở Kiên Giang để chủ động đối phó khi dịch lọt vào bất cứ lúc nào. Cạnh đó, đề nghị Bộ Y tế khẩn cấp hỗ trợ thiết bị, máy xét nghiệm cho tuyến đầu chống dịch của tỉnh do việc mua sinh phẩm vật tư vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Bệnh viện dã chiến sẽ hoạt động 1-2 năm, khi nào tình hình ổn định sẽ giải tỏa.

Xử lý nghiêm người nhập cảnh trái phép

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết trong tình hình đang “nóng” ở khu vực biên giới Tây Nam và Nam bộ, bộ sẽ lập thêm các đoàn công tác vào khu vực này.

“Chúng tôi cho rằng ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và cách ly đảm bảo quy định phòng chống dịch rất quan trọng. Nếu bỏ lọt trường hợp nhập cảnh trái phép mắc COVID-19, bệnh sẽ lây lan ra cộng đồng, và nếu đó là biến chủng mới thì sẽ rất khó khăn” - Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương khi phát hiện người nhập cảnh trái phép cần báo cho cơ quan chức năng để cách ly ngay. Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Rút kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, Bộ Y tế lưu ý các địa phương phải có kịch bản về xét nghiệm, cách ly diện rộng, điều trị, sẵn sàng kích hoạt ngay khi có sự cố. “Bài học bùng phát dịch COVID-19 từ nước bạn cho thấy họ phát hiện ca bệnh trong cộng đồng tại những nơi đông người như quán bar, karaoke. Chúng ta phải tăng cường kiểm soát vấn đề này. Phát hiện ca nhiễm sớm bao nhiêu, dập dịch càng nhanh bấy nhiêu” - Bộ trưởng Long nói.

Không được hủy dù chỉ một liều vaccine

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện Bộ Y tế đã tiếp nhận thêm 811.000 liều vaccine Covax và phân bổ về các địa phương. Vaccine Covax có hạn sử dụng đến cuối tháng 5-2021, yêu cầu các địa phương phải tiêm xong trước ngày 5-5-2021. Ông Long cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Yêu cầu không được phép hủy dù chỉ một liều vaccine. Trong thời gian yêu cầu, địa phương nào không tổ chức tiêm sẽ bị thu hồi.

Đến nay Việt Nam đã tiêm ngừa thành công cho hơn 70.000 người, trong đó 33% có phản ứng nhẹ như sốt, sưng đỏ; một vài trường hợp phản ứng nặng nhưng đều được xử lý tốt và an toàn.

Sau ngày 20-2, người lao động từ Campuchia về nước nhiều. Riêng ở Kiên Giang, cuối tháng 2 có 1.262 người về thì đã có 36 ca dương tính COVID-19, tám ca không rõ ràng và vẫn đang được điều trị bình thường như mắc. Có ngày cao điểm về 10 người thì dương tính cả 10.

Đại diện tỉnh Kiên Giang

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/nguy-co-bung-phat-dich-covid19-o-tay-nam-bo-979398.html