Nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm khi hè tới

TPHCM đang bước vào những ngày mùa hè nắng nóng, nhiệt độ luôn ở ngưỡng 36-37 độ C, kèm theo những cơn mưa đầu mùa. Sự thay đổi thời tiết đột ngột khiến những bệnh truyền nhiễm như: viêm da, hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng… có nguy cơ gia tăng.

Bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM ngày 20/5/2020. Ảnh: T.D

Bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM ngày 20/5/2020. Ảnh: T.D

Người già, trẻ nhỏ đổ bệnh vì nóng

Ngày 20/5, ngay từ sáng sớm, tại khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 đã có rất đông trẻ khám về các triệu chứng tiêu hóa, hô hấp. Ngồi chờ tới lượt vào khám bệnh cho con, chị Nguyễn Thị Thúy (quận Thủ Đức) cho biết, chị đưa con gái 6 tuổi đến đây từ sớm do cháu đau bụng, không tiêu đã nhiều ngày liền. Sau khi được bác sĩ thăm khám, bé được kết luận bị rối loạn tiêu hóa và cho thuốc về nhà điều trị.

Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19, nên số bệnh nhân nội trú và ngoại trú của bệnh viện đều giảm mạnh (từ 40-50% so với cùng kỳ năm trước), trong đó tháng 4 giảm so với tháng 3, tháng 3 giảm so với tháng 2. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, lượng bệnh nhi đến khám tăng so với các tháng trước, chủ yếu là các bệnh lý do nắng nóng như: viêm đường hô hấp, viêm họng amidan, viêm tai giữa, viêm da...

Theo bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2, thói quen sử dụng nước đá, ngâm mình khi tắm nhằm giải nhiệt khi thời tiết nắng nóng cũng khiến trẻ rất dễ bị bệnh tấn công. Trong khi thức ăn dễ bị hư hỏng, ô nhiễm, nhưng nếu vô tình cho trẻ ăn thì có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, do tình hình dịch Covid-19 thời gian qua, số lượng bệnh nhi đến khám tại đây giảm mạnh so với mọi năm. Nếu như cùng kỳ năm 2019, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 5.000 bệnh nhi thì hiện nay chỉ có hơn 2.500 trẻ đến khám. Tuy nhiên, trong những ngày nắng nóng này, phụ huynh cũng liên tục đưa con đến khám bệnh. Thời tiết nắng nóng thường làm trẻ giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh như viêm đường hô hấp trên, viêm họng amidan, viêm tai giữa, nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi...

Không chỉ trẻ nhỏ, nhiều bệnh nhân cao tuổi mắc các bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, viêm phổi, tai biến mạch máu não và đặc biệt thời gian gần đây xuất hiện nhiều bệnh nhân bị say nắng, cảm nắng. Theo bác sĩ Minh Giao, Trưởng khoa Lão - Bệnh viện Nhân dân Gia Định nắng nóng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người cao tuổi do sức đề kháng cũng như sự chống đỡ yếu của cơ thể trước thay đổi của môi trường, nhiệt độ bên ngoài. Đặc biệt, bệnh tai biến mạch máu não thường xảy ra khi gặp sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, độ ẩm.

Chủ động phòng bệnh

Trước tình trạng nắng nóng, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo, người già, trẻ nhỏ, người béo phì, mắc bệnh mãn tính là đối tượng dễ bị tổn hại sức khỏe, nhiễm bệnh vì sức đề kháng kém. Đối với người già, người có bệnh lý mãn tính, thường nắng nóng khiến bệnh nhân dễ tăng huyết áp, suy nhược cơ thể… Các bác sĩ khuyến cáo các cụ lớn tuổi nên bổ sung nước, vitamin C, ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng. Để phòng tránh bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, người lớn tuổi nên có chế độ làm việc vừa phải, tránh căng thẳng và ở nhiều giờ ngoài trời.

Đối với trẻ nhỏ, bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 cho rằng, thời tiết nắng nóng mà trẻ được chăm sóc cẩn thận thì số ca bệnh giảm đáng kể. Chính vì vậy, khi trẻ đi học trở lại, phụ huynh cần có các biện pháp bảo vệ cho trẻ, đồng thời cũng tránh lây lan bệnh trong cộng đồng.

Theo đó, để phòng bệnh cho trẻ, cả phụ huynh và nhà trường cần quyết liệt hơn trong việc hướng dẫn học sinh rửa tay, ăn sạch, uống sạch. Đặc biệt khi sắp vào mùa mưa, cần chú ý vệ sinh nơi ở sạch sẽ, gia đình cần chú ý mắc màn khi ngủ, tránh để muỗi đốt, tránh nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Cha mẹ cũng chú ý sử dụng quạt và điều hòa hợp lý, đúng cách. Song song đó, cần chú ý cho trẻ uống đủ nước, cung cấp nhiều vitamin từ trái cây, rau tươi để tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt trong khi thời tiết đang nắng gay gắt như hiện nay, khi ra nắng cần phải chú ý cho trẻ đội mũ rộng vành, mặc áo dài tay để bảo vệ cơ thể. Khi chế biến thức ăn cho trẻ, cha mẹ phải chú ý tới việc chế biến, việc bảo quản thức ăn và nguồn nước phải được bảo đảm vệ sinh.

Ngoài ra, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, để phòng chống các bệnh trong mùa nắng nóng như: Viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ, thủy đậu... người dân nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin. Vệ sinh cá nhân thường xuyên, nhất là rửa tay; vệ sinh môi trường sống xung quanh, xử lý các vật dụng, nơi có thể đọng nước, không để muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết có điều kiện phát triển.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nguy-co-bung-phat-benh-truyen-nhiem-khi-he-toi-126941-126941.html