Nguy cơ 'bóng ma' IS lẩn khuất lại hiện hữu

Sau mỗi lần bị nghiền nát, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lại có khả năng tập hợp lại và hồi sinh. Hiện giới quan sát đang lo ngại rằng, đội quân này sẽ phát triển mạnh ở Iraq, Syria và tuyển dụng trên khắp châu Phi.

Việc Mỹ rút quân khỏi Syria vào tháng 10-2019 là một yếu tố quan trọng mở ra cơ hội cho IS hồi sinh

Việc Mỹ rút quân khỏi Syria vào tháng 10-2019 là một yếu tố quan trọng mở ra cơ hội cho IS hồi sinh

Đầu tháng 3-2020, lực lượng đặc nhiệm của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cùng đặc nhiệm chống khủng bố của Iraq đã giao tranh ác liệt với một đám quân nổi dậy cố thủ ở vùng núi gần thị trấn Makhmur, miền Bắc Iraq.

Nhiệm vụ của họ là dọn sạch quân nổi dậy ra khỏi khu đường hầm dưới chân núi. Kết thúc trận đánh, hơn 20 tay súng nổi dậy bị tiêu diệt, trong khi 2 lính thủy quân lục chiến gồm Đại úy Moise A.Navas và Trung sĩ Diego D. Pago đã thiệt mạng. Họ là một trong số ít binh lính cuối cùng của Mỹ bị giết ở Iraq, một quốc gia mà Mỹ hy vọng biến thành một thành trì chống khủng bố và bất ổn ở Trung Đông, nhưng đã thất bại.

Các chiến binh đã đấu súng với lực lượng Mỹ - Iraq chính là tàn quân của IS, tổ chức thánh chiến đáng sợ nhất trong lịch sử.

Vẫn âm thầm hoạt động

IS đã từng xây dựng được một đế chế kiểm soát khu vực rộng lớn ở miền Bắc Iraq và Syria. Họ cũng trở nên khét tiếng bởi những hành vi bạo lực đối với những người ngoại đạo. Liên minh đa quốc gia do Mỹ đứng đầu đã từng bước tiêu diệt cho đến khi IS sụp đổ hoàn toàn vào năm 2019.

Hiện giờ, chỉ hơn 1 năm sau khi IS ở Syria sụp đổ, các chuyên gia và nhà phân tích quân sự ở Trung Đông đều cho rằng, IS đang hồi phục bằng cách tận dụng tối đa sự yếu kém của Chính phủ Iraq cũng như sự hỗn loạn trong khu vực. Trong khi đó, các chi nhánh của IS tại Bắc Phi, vùng cận Sahara và bán đảo Ảrập đang gia tăng quân số.

Theo một báo cáo gần đây được một nhóm chuyên gia quốc tế đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, IS đã mở các cuộc tấn công nổi dậy ngày càng táo bạo ở Iraq và Syria, kêu gọi và lên kế hoạch cho các cuộc tấn công trong các cơ sở giam giữ và khai thác điểm yếu trong môi trường an ninh của cả 2 nước.

Bất chấp cái chết của thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi dưới tay đội đặc nhiệm Delta Force vào tháng 10-2019, nhóm vẫn được tài trợ và tổ chức tốt. Ít nhất 20.000 trong số khoảng 30.000 tay súng nước ngoài tham gia vào cuộc chinh phạt trước đó vẫn còn sống và cam kết trung thành với nhóm.

Một tuần sau trận đọ súng ở khu vực miền Bắc Iraq, IS đã phát hành một đoạn video tuyên truyền dài có cảnh chặt đầu binh lính Iraq và một cuộc tấn công vào dân thường ở tỉnh Kirkuk (Iraq). “Người Mỹ nghĩ rằng sẽ chiến thắng khi giết chết vài thủ lĩnh hoặc chiếm quyền kiểm soát một thành phố, một vùng đất. Không, thất bại là chỉ khi mất đi ý chí chiến đấu. Chúng tôi không sợ” - đoạn băng tuyên truyền khẳng định.

Cơ hội hồi sinh

Theo Hassan Hassan, một chuyên gia về IS tại Trung tâm Chính sách toàn cầu ở Washington D.C, các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng hồi đầu tháng 4-2020 đã thực hiện một số vụ tấn công đáng chú ý ở các tỉnh của Iraq như Kirkuk, Diyala và Saladin. Giới chuyên gia nhận thấy rằng, việc Tổng thống Donald Trump rút hầu hết quân đội Mỹ ra khỏi Syria vào tháng 10 năm ngoái là một yếu tố quan trọng mở ra cơ hội cho IS hồi sinh.

Thông tin về sự hồi sinh của IS có thể đáng lo ngại nhưng lịch sử các cuộc chiến chống khủng bố cho thấy, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Quay trở lại tháng 12-2017, khi thành trì IS cuối cùng ở Iraq sụp đổ, Tổng thống Trump tuyên bố rằng IS đã bị đánh bại 100%. Đó là một trong hàng loạt tuyên bố ngây thơ và cực kỳ lạc quan của nhà lãnh đạo Mỹ. Trước đó, vào ngày 1-5-2003, Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố trên tàu USS Abraham Lincoln rằng “chiến dịch lớn trên chiến trường Iraq đã kết thúc”. Thực tế thì đến nay Iraq vẫn chưa hết bất ổn.

Quyết định này mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ đẩy lùi Lực lượng Dân chủ Syria người Kurd, đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Dân quân người Kurd cũng chính là đội quân đang canh giữ khoảng 10.000 phần tử IS tại các trại giam. Thổ Nhĩ Kỳ tấn công đã buộc các chiến binh người Kurd phải rút bớt lính canh khỏi các trung tâm giam giữ. Hậu quả là hàng trăm chiến binh IS, bao gồm một số thành viên cấp cao của tổ chức này đã trốn thoát. Với sự trợ giúp của tàn quân IS ở bên ngoài, tù nhân IS sẽ tiếp tục vượt ngục trong thời gian tới. Cũng cần nhắc lại rằng, một trong những lời công khai cuối cùng của thủ lĩnh Baghdadi là kêu gọi những người đang bị giam giữ nổi dậy, tự giải thoát cho mình.

Tại nhà tù Hasaka ở Đông Bắc Syria, nơi giam giữ từ 4.000 đến 5.000 tù nhân, phiến quân IS bắt đầu phá cửa và khoét tường giữa các phòng giam vào cuối tháng 3. Một cuộc bạo loạn đã nổ ra, một số phần tử IS đã trốn thoát trước khi trật tự được khôi phục. Đến đầu tháng 5, các chiến binh IS đã nhanh chóng nắm quyền kiểm soát nhà tù này. Dĩ nhiên, phá ngục là chiêu thức quan trọng của thủ lĩnh Baghdadi ngay từ ngày đầu thành lập tổ chức.

Sau khi các lực lượng chiến đấu của Mỹ rời Iraq vào cuối năm 2011, đội quân của Baghdadi đã giải thoát hàng trăm chiến binh al-Qaeda bị giam giữ tại Iraq (tiền thân của IS) khỏi các nhà tù ở Tikrit, Kirkuk và thậm chí là nhà tù khét tiếng Abu Ghraib ở Baghdad. Theo báo cáo gần đây của Mỹ, Lực lượng Dân chủ Syria người Kurd hiện không thể duy trì kiểm soát toàn bộ số chiến binh IS bị giam giữ cũng như các thành viên gia đình họ với số lượng hơn 100.000 người.

Hầu hết thành viên gia đình của các tay súng IS vẫn ở trại tị nạn al-Hol ở Syria gần biên giới Iraq, với hoàn cảnh sống thiếu thốn và mất vệ sinh. Trong khi đó, tỉnh Idlib ở Syria, thành trì cuối cùng của IS vẫn bị các tay súng trung thành với tổ chức này chi phối. Chưa kể, tỉnh Anbar, gần biên giới Syria, vẫn là điểm nóng về hoạt động của IS.

Lo ngại lịch sử sẽ lặp lại

Thông tin về sự hồi sinh của IS có thể đáng lo ngại, nhưng lịch sử các cuộc chiến chống khủng bố cho thấy điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Quay trở lại tháng 12-2017, khi thành trì IS cuối cùng ở Iraq sụp đổ, Tổng thống Trump tuyên bố rằng IS đã bị đánh bại 100%. Đó là một trong hàng loạt tuyên bố ngây thơ và cực kỳ lạc quan của nhà lãnh đạo Mỹ. Trước đó, vào ngày 1-5-2003, Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố trên tàu USS Abraham Lincoln rằng “chiến dịch lớn trên chiến trường Iraq đã kết thúc”. Thực tế thì đến nay Iraq vẫn chưa hết bất ổn.

Hơn thế, trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, những kẻ thù của Mỹ, bao gồm cả IS, có thói quen rất khó chịu là tự hồi sinh sau thất bại. Không lâu sau khi Taliban và al-Qaeda bị đánh đuổi ở Afghanistan, cả 2 tổ chức lại nổi lên báo thù. Ngày nay, Taliban là một tổ chức hùng mạnh hơn nhiều so với trước khi Mỹ phát động cuộc tấn công vào tháng 10-2001. Thật vậy, hầu hết các chuyên gia về chiến tranh ở Afghanistan tin rằng Taliban có cơ hội rất tốt để thiết lập lại quyền kiểm soát đối với những vùng đất rộng lớn của quốc gia đó ngay khi quân đội Mỹ rời đi.

Tương tự là mảnh đất chưa ngưng bất ổn Iraq. Dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Abu Musab al-Zarqawi, tổ chức al-Qaeda đã trở thành lực lượng thống trị trong cuộc nổi dậy chống lại người Mỹ ở Iraq vào năm 2005. Đến cuối năm 2007, tổ chức của Zarqawi đã bị suy yếu nghiêm trọng khi Mỹ thực hiện chiến lược táo bạo là liên minh với lực lượng dân quân của một nhóm người Hồi giáo dòng Sunni vốn căm thù các chiến thuật bạo lực gây sốc của al-Qaeda.

Sáng kiến này đã làm cho bạo lực giáo phái giữa người Sunni và người Shiite ở tỉnh Anbar và Baghdad giảm thiểu đáng kể, thương vong dân sự giảm xuống rõ rệt. Đáng buồn thay, khi quân đội Mỹ rời đi, như nhà phân tích quốc phòng Carter Malkasian viết, người Iraq đã bị chia rẽ, IS hồi sinh và mọi thành quả mà Mỹ gây dựng được trong khoảng từ 2003 đến 2007 đã biến mất.

Chiến lược mới của Mỹ đã giảm bớt bạo lực, nhưng không làm tăng cường hiệu quả của lực lượng an ninh Iraq hay uy tín của chính phủ trong mắt người dân của họ, đặc biệt là người thiểu số Sunni bị tước quyền. Năm 2008, nhà sử học Thomas Powers đã gọi Iraq là “lò lửa” của chiến tranh tôn giáo, các phong trào chính trị, các tầng lớp xã hội và các nhóm sắc tộc và những mâu thuẫn đó vẫn còn đến ngày nay.

Đáng nói, việc mất đi Nhà nước Hồi giáo vào năm 2019 đã không ảnh hưởng nhiều đến chiến dịch tuyên truyền cực kỳ tinh vi của tổ chức này, trọng tâm là lời hứa cứu rỗi vĩnh viễn cho những kẻ tử vì đạo. Ước mơ tái lập vương quốc Hồi giáo riêng vẫn còn mạnh mẽ trong lòng các tín đồ, trong khi một đất nước Iraq vẫn đầy bất ổn dẫn đến dự đoán IS sẽ sớm mạnh trở lại ở vùng đất trung tâm Trung Đông.

Những kẻ tử vì đạo IS vẫn nuôi ước mơ tái lập vương quốc Hồi giáo riêng

Yến Chi (Theo Dailybeast)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/nguy-co-bong-ma-is-lan-khuat-lai-hien-huu/857132.antd