Nguy cơ 'biến mất' nhiều di tích lịch sử

Xâm hại di tích đang là vấn đề nhức nhối khi mà nhiều địa phương luôn phải đối mặt với tình trạng 'chảy máu cổ vật', phá hoại công trình, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa... Thời gian qua, nhiều đề án, biện pháp bảo vệ di tích lịch sử đã được đề xuất, ban hành, nhưng có thể thấy tình trạng này không dễ sớm khắc phục.

Bình luận - Phê phán

Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới kể từ năm 1993, là một trong những điểm tham quan du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam, thế nhưng Quần thể di tích Cố đô Huế vẫn thường xuyên phải đối mặt với nạn xâm hại. Ngày 21-11 vừa qua, thông tin lăng mộ của bà Trần Thị Nga - mẹ vua Dục Đức, bị kẻ gian đập phá, đào bới nghiêm trọng đã không khỏi khiến nhiều người đau lòng. Đáng buồn hơn, đây không phải hiện tượng phá hoại duy nhất xảy ra tại quần thể di tích này trong năm 2017. Trước đó, mộ bà tài nhân họ Lê - phi tần của vua Tự Đức, đã bị một công ty tự ý san phẳng để thực hiện dự án bãi đỗ xe.

Ngược dòng thời gian, nhiều di tích, hiện vật khác thuộc quần thể Cố đô Huế như lăng Khải Định, trường Quốc Tử Giám, bia Quốc học, Cửu vị thần công, Phu Văn Lâu, Chùa Thiên Mụ,... cũng bị tàn phá nghiêm trọng mà chủ yếu là do kẻ gian đào bới, đập phá, ý thức kém của người dân cũng như khách tham quan. Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế trong giai đoạn 2016 - 2020 lên đến 1.274 tỷ đồng. Một số tiền lớn, nhưng nếu xét từ mức độ xâm hại, phá hoại di tích đang diễn ra tại Huế hiện nay thì số tiền này vẫn chỉ như “muối bỏ bể”.

Không chỉ ở Huế mà tại nhiều địa phương cũng không tránh khỏi nạn “chảy máu cổ vật”, xâm hại di tích. Với vị thế “thủ đô di sản”, Hà Nội có khoảng 6.000 di tích lịch sử, chiếm một phần ba số di tích của cả nước. Thế nhưng trong số này, có hơn 2.000 di tích đã xuống cấp tại các hạng mục chính và hơn 200 di tích trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là yếu tố tự nhiên và sự tàn phá của chiến tranh, hàng trăm di tích vẫn đang “kêu cứu” bởi tình trạng xâm hại, hoặc bị lãng quên.

Một địa phương khác là Bắc Giang, nơi các biện pháp bảo vệ di tích lịch sử của chính quyền và nhân dân đã được báo chí ví như “một cuộc chiến”, bởi theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Bắc Giang, từ năm 2003 đến 2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 44 vụ xâm hại, kẻ gian lấy đi 208 di vật, cổ vật. Tại chùa Bổ Đà, có thời điểm, để bảo vệ các di vật, cổ vật trong chùa, Công an huyện Việt Yên đã cử một cán bộ hằng đêm vào canh giữ, bảo vệ, trông coi cùng nhà chùa.

Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc bảo tồn di sản văn hóa, nhất là sự tàn phá có nguyên nhân từ “yếu tố con người”. Thời gian qua, nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức xoay quanh chủ đề quen thuộc là bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thu hút cả học giả quốc tế nhằm tìm kiếm nguyên nhân và giải pháp cho thực trạng xâm hại di tích. Ngoài các nguyên nhân như đề cập ở trên, còn nhiều nguyên nhân được chính quyền địa phương, ban quản lý di tích và các chuyên gia thẳng thắn trình bày, phân tích như: ngân sách hạn chế, công tác quản lý yếu kém, thủ tục cấp phép, tu bổ di tích còn chồng chéo...

Cho đến nay, nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa hoàn thành quá trình tổng kiểm kê, phân loại di tích, hiện vật, cổ vật trên địa bàn. Tại Hà Nội, quá trình “đãi cát tìm vàng” từ 3.500 di tích chưa được xếp hạng được dự đoán sẽ mất nhiều thời gian, công sức và không thể hoàn thành trong tương lai gần. Tại tỉnh Quảng Ninh, chính quyền địa phương phải “bó tay” trước thông tin nhà thờ Trà Cổ - một công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, tôn giáo và nghệ thuật (được xây dựng từ thế kỷ 19) bị phá đi, xây lại với lý do là nhà thờ “không nằm trong di tích lịch sử văn hóa”.

Hiện nay, sự hợp tác giữa ban quản lý di tích, đơn vị trông coi, chính quyền và nhân dân địa phương, nhất là với các công trình lịch sử có yếu tố tâm linh còn lỏng lẻo. Đơn cử, trong vụ việc lăng mộ bà tài nhân họ Lê bị san ủi, Ban quản lý quần thể di tích Cố đô Huế từng thừa nhận: “Trong quá trình kiểm kê, đơn vị đã phối hợp với UBND phường Thủy Xuân (TP Huế) và chủ đầu tư tiến hành kiểm kê trên thực địa toàn bộ phạm vi thực hiện dự án và không có lăng mộ nào như báo chí phản ánh”. Trong vụ việc mất cắp tại chùa Bổ Đà năm 2016, hiện tượng “đá bóng” trách nhiệm đã diễn ra giữa các cơ quan chức năng liên quan.

Bên cạnh đó là nhận thức của chính các đơn vị quản lý, trông coi di tích lịch sử văn hóa vẫn còn hạn chế, dẫn đến hiện tượng sai phạm trong trùng tu, xây dựng các kiến trúc cổ diễn ra ngày một phổ biến. Chẳng hạn, được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 1991, nhưng kiến trúc ngôi chùa cổ Khúc Thủy (được khởi dựng từ năm 1010) đến nay đã biến dạng hoàn toàn vì chính sách tu bổ yếu kém của nhà chùa và các cá nhân, đơn vị dâng công đức. Thậm chí, nhiều cán bộ địa phương đã “làm ngơ” cho phép các đơn vị thi công xây dựng nhiều tổ hợp công trình lai căng, chắp vá làm phá nát cảnh quan ngôi chùa nghìn tuổi. Trong khi đó, mọi người đều biết các công trình tâm linh như chùa, đình, đền,... không chỉ là một không gian công cộng phục vụ tín ngưỡng, mà còn là “chứng nhân lịch sử” quan trọng về lịch sử, các giai đoạn thăng trầm của đất nước và dân tộc, do đó rất cần được bảo tồn kiến trúc nguyên gốc trong quá trình tu bổ, sửa chữa.

Tuy vậy, trong “cuộc chiến bảo vệ di tích lịch sử”, một số địa phương đã từng bước tháo gỡ những khó khăn, hạn chế thực tại, nhất là vấn đề ngân sách. Về lâu dài, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn vốn và nguồn lực từ nhân dân trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Ngoài các hình thức quyên góp, vận động truyền thống như: làm công đức, thu vé tham quan vẫn được thực hiện tại nhiều quần thể di tích hiện nay, cần đa dạng hóa các mô hình gây quỹ khác. Chẳng hạn gắn kết bảo tàng, di tích với phát triển du lịch đang được xem là một hướng đi mới.

Tháng 1-2017, 17 bảo tàng, di tích tại Hà Nội đã cùng ký văn bản ghi nhớ về việc phối hợp truyền thông, quảng bá. Trong đó, mô hình giáo dục di sản tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò và một số bảo tàng tại Hà Nội dành cho học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở bước đầu thu được những tín hiệu tích cực. Ngoài việc nâng cao kiến thức và ý thức của phụ huynh, học sinh, các hoạt động nêu trên cũng góp phần cải thiện đáng kể cho ngân sách hạn hẹp của các di tích và bảo tàng. Có thể coi sự phối hợp giữa nhà trường, nơi quản lý di tích lịch sử và các bảo tàng là chìa khóa thành công cho mô hình này trong tương lai.

Bên cạnh các hoạt động tại điểm du lịch, quảng bá, giới thiệu di tích lịch sử văn hóa bằng các ấn phẩm, công nghệ, nhất là công nghệ số cần được đầu tư và nâng cao. Biểu hiện tích cực là nhiều dự án trong số này là phi lợi nhuận, huy động sự đóng góp của cộng đồng. Tháng 7-2017, kiến trúc sư Nguyễn Quang Huy đã công bố bản đồ số hóa 3D Kinh thành Huế tích hợp trên ứng dụng Google Map của điện thoại thông minh. Thí dụ khác là hoạt động của các nhóm Facebook như Đình Làng Việt, Hoa văn Đại Việt được xem là “cứu tinh” cho nhiều di tích, công trình lịch sử, văn hóa bị xuống cấp, lãng quên hoặc trùng tu một cách bừa bãi, phản khoa học và thiếu thẩm mỹ.

Hoạt động bảo vệ di sản hiện nay không thể chỉ dừng lại ở quy mô trong nước mà cần phải liên kết chặt chẽ với các quốc gia và tổ chức quốc tế, trong việc đối phó với nạn “chảy máu cổ vật, hiện vật”, xâm hại tại các di sản văn hóa thế giới. Việc tham gia tập huấn chung, ký kết hợp tác, bản ghi nhớ với các lực lượng chức năng giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng và trong khu vực về bảo vệ cổ vật là một việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa không phải vấn đề có thể giải quyết dứt điểm trong một sớm, một chiều. Song nếu không ngăn chặn các hành vi xâm hại một cách kịp thời thì nguy cơ biến mất của nhiều di tích lịch sử là điều khó có thể tránh khỏi.

HẢI BẰNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34941402-nguy-co-%E2%80%9Cbien-mat%E2%80%9D-nhieu-di-tich-lich-su.html