Nguy cơ biến mất đối với Rạn san hô Greet Barrier: Australia lên tiếng

Bộ trưởng Môi trường Australia Tanya Plibersek ngày 29/11 đã lên tiếng trước việc UNESCO khuyến nghị bổ sung Rạn san hô Greet Barrier vào danh sách Di sản thế giới đang bị đe dọa.

Theo AP, trong một báo cáo, các quan chức từ Cơ quan văn hóa của Liên hợp quốc và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế cho biết nếu không có hành động khí hậu "đầy tham vọng, nhanh chóng và bền vững" thì các rạn san hô lớn nhất thế giới sẽ đối mặt với rủi ro cao.

Khuyến nghị bổ sung thêm Rạn san hô Great Barrier vào danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa. Ảnh: AP

Khuyến nghị bổ sung thêm Rạn san hô Great Barrier vào danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa. Ảnh: AP

Theo Bộ trưởng Môi trường Australia Tanya Plibersek, các nhận định cho rằng sự không tham gia của Chính phủ trước rủi ro biến đổi khí hậu đã trở nên "lỗi thời" và không nên làm căn cứ để quy ước di sản.

Trước đó, phái đoàn do Liên Hợp Quốc điều hành đã đưa ra khuyến nghị bổ sung thêm Rạn san hô Great Barrier vào danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa. Cảnh báo đưa ra trong một báo cáo được công bố ngày 28/11 sau chuyến khảo sát kéo dài 10 ngày tới rạn san hô vào tháng 3 năm ngoái do UNESCO và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế thực hiện.

Rạn san hô nằm trên bờ biển phía đông bắc Australia là nơi sinh sống của rất nhiều loại san hô vô cùng đa dạng và tuyệt đẹp đã được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO từ năm 1981. Theo báo cáo, chính phủ liên bang Australia và chính quyền bang Queensland nên áp dụng các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng hơn, phù hợp với các nỗ lực quốc tế nhằm hạn chế sự nóng lên trong tương lai ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) kể từ thời kỳ tiền công nghiệp.

Bộ trưởng Môi trường Tanya Plibersek khẳng định Chính phủ Australia đã khẩn trương có hành động ứng phó sớm trước tác động của biến đối khí hậu đối với di sản.

"Chúng tôi sẽ đưa ra quan điểm rất rõ ràng với UNESCO rằng không cần thiết phải liệt kê Rạn san hô Great Barrier vào danh sách nguy cơ tuyệt chủng. Lý do trước đây mà UNESCO muốn đưa các di sản này vào tình trạng nguy cơ là vì họ muốn thấy Chính phủ đầu tư nhiều hơn hoặc hành động mạnh mẽ hơn trước những tác động của biến đổi khí hậu", bà Tanya Plibersek nhận định.

Australia đang khẩn trương ứng phó với biến đổi khí hậu

Chính phủ Australia mới đây đã ban hành luật cam kết giảm 43% lượng khí phát thải hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Trước đó, Chính phủ tiền nhiệm chỉ cam kết giảm từ 26% đến 28% vào cuối thập kỷ này. Bà Plibersek nói rằng Chính phủ mới đã cam kết chi 1,2 tỷ đô la Australia (tương đương 798 triệu USD) để chăm sóc rạn san hô và hủy bỏ kế hoạch xây dựng hai con đập lớn ở bang Queensland vì lo ngại ảnh hưởng đến chất lượng nước của rạn san hô.

"Nếu rạn san hô Great Barrier gặp nguy hiểm thì mọi rạn san hô khác trên thế giới cũng gặp nguy hiểm. Nếu Di sản Thế giới này rơi vào tình trạng tuyệt chủng thì hầu hết các Di sản Thế giới trên thế giới cũng gặp nguy hiểm do biến đổi khí hậu", bà Plibersek khẳng định.

Báo cáo cho biết Chính phủ liên bang Australia và chính quyền Queensland sẽ áp dụng các mục tiêu giảm phát thải tham vọng hơn phù hợp với nỗ lực quốc tế nhằm hạn chế hiện tượng nóng lên trong tương lai ở mức 1,5 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp.

Ông Joedie Rummer, nhà sinh học biển tại Đại học James Cook ở Townville, người đã nghiên cứu rạn san hô trong hơn một thập kỷ qua đã ủng hộ lời kêu gọi của Australia hướng tới mục tiêu giảm 75% lượng khí thải.

"Chúng ta đang hành động nhưng hành động đó cần phải nhanh hơn và khẩn trương hơn nhiều. Chúng ta không thể tuyên bố sẽ làm tất cả những gì có thể cho rạn san hô vào thời điểm này nhưng chúng ta cần gửi thông điệp đến phần còn lại của thế giới, khẳng định rằng Australia đang làm mọi thứ có thể cho rạn san hô và có nghĩa là chúng ta cần phải hành động khẩn cấp để xử lý khí thải", ông Rummer nhấn mạnh.

Theo AP, những phản hồi từ Australia ở cấp liên bang và tiểu bang sẽ được xem xét trước khi UNESCO tại Paris đưa ra bất kỳ đề xuất chính thức nào cho ủy ban Di sản Thế giới.

Rạn san hô Great Barrier chiếm khoảng 10% hệ sinh thái rạn san hô trên khắp thế giới với mạng lưới hơn 2.500 rạn san hô bao phủ 348.000 km2 . Các nhà khoa học của Australia đã có báo cáo vào tháng 5 về tình hình hơn 90% rạn san hô Great Barrier bị tẩy trắng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo báo cáo thường niên của Cơ quan quản lý Công viên biển Rạn san hô Great Barrier của Chính phủ Australia, hiện tượng tẩy trắng là do sự nóng lên toàn cầu nhưng đây là lần đầu tiên chứng kiến rạn san hô bị tẩy trắng do hiện tượng La Ninã, có liên quan đến nhiệt độ Thái Bình Dương mát hơn.

Trước đó, hiện tượng tẩy trắng này đã gặp phải vào năm 2016, 2017 và 2020 và làm hư hại 2/3 san hô. San hô bị tẩy trắng do phản ứng với áp lực nhiệt và các nhà khoa học hy vọng hầu hết các rạn san hô sẽ phục hồi sau những nỗ lực của chính phủ ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nguy-co-bien-mat-doi-voi-ran-san-ho-greet-barrier-australia-len-tieng-20221129161519103.htm