Nguy cơ bị bỏ ngỏ

Theo thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, tổng số xe ô tô hết niên hạn sử dụng đến nay là gần 220.000 chiếc, trong đó có hơn 16.600 chiếc bắt đầu hết niên hạn từ tháng 1-2020.

Điều nguy hiểm là hàng nghìn xe “hết đát”, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật vẫn ngang nhiên tham gia chở hàng, chở người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Xe “hết đát” không chỉ là mối nguy tiềm tàng với người tham gia giao thông, mà còn là tác nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường không khí. Điển hình, vào tháng 12-2019, ô tô 16 chỗ biển kiểm soát 29A - 1636 tự đâm vào vách núi trên dốc Phà Bủn (Kỳ Sơn, Nghệ An) làm 3 người chết, 4 người bị thương do xe này đã hết hạn sử dụng từ đầu tháng 1-2017.

Tuy vậy, việc “khai tử” những xe này vẫn là dấu hỏi lớn. Bởi, trong giai đoạn 2017-2019, trong số toàn bộ xe ô tô “hết đát” được công bố, đơn vị chức năng toàn quốc mới thu hồi được hơn 14.000 xe, đạt khoảng 30%.

Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu tổng kiểm tra nhằm ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra, nếu chỉ riêng lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý, liệu có giám sát, kiểm soát hết được các xe “hết đát”?

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hàng năm, đơn vị đều thống kê và gửi danh sách cụ thể từng biển số xe, tên và địa chỉ chủ xe hết niên hạn sử dụng của từng địa phương (chi tiết trên website của Cục) cho Cục CSGT, Phòng CSGT, Sở Giao thông Vận tải các địa phương để lực lượng chức năng thực hiện thu hồi giấy tờ xe, biển số theo quy định.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng khẳng định: Chưa có trường hợp xe “hết đát” nào “lọt” được qua trung tâm đăng kiểm. Nhưng đến nay, Cục chưa nhận được phản hồi nào từ CSGT, Sở Giao thông Vận tải địa phương về việc thu hồi giấy đăng ký, biển số xe hết niên hạn sử dụng.

Giải trình thực trạng trên, đại diện một số đơn vị có chức năng kiểm tra, xử lý xe hết niên hạn phản hồi, nếu chỉ riêng lực lượng CSGT, thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý thông qua công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường sẽ khó đạt hiệu quả thu hồi xe “hết đát”.

Trên thực tế khi xe hết niên hạn, các chủ xe sẽ không đăng kiểm đợt cuối mà vẫn cho hoạt động. Số phương tiện này được tuồn về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ tại các công trường xây dựng, chuyên chở nông sản... Vì giá thành rẻ, nên số lượng lớn xe hết niên hạn vẫn lén lút hoạt động là điều khó tránh khỏi, bất chấp sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng.

Các chuyên gia chỉ ra, các quy định về thu hồi giấy tờ, biển số và xử lý xe hết niên hạn sử dụng là rõ ràng, đầy đủ, nhưng không có chế tài xử phạt trong trường hợp chủ phương tiện không chấp hành. Luật Giao thông đường bộ cũng nghiêm cấm việc sử dụng xe hết niên hạn tham gia giao thông, song chưa có điều khoản nào nêu rõ, sẽ bị thu hồi hay bị tiêu hủy.

Thế nên, tại Hà Nội, từ năm 2018 đến nay có thêm 3.700 xe ô tô hết hạn sử dụng. Nhưng chỉ có hơn chục trường hợp chủ phương tiện tự giác đến làm thủ tục nộp lại giấy tờ, biển số và cam kết hủy bỏ xe và cơ quan chức năng chỉ thu hồi được vài trường hợp.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng xe hết niên hạn sử dụng, bên cạnh quyết tâm của lực lượng chức năng, thiết nghĩ cơ quan quản lý cũng cần sớm xây dựng, ban hành chế tài cụ thể trong tịch thu, tiêu hủy xe; bổ sung quy định xử phạt đối với chủ phương tiện không đến làm thủ tục loại bỏ xe “hết đát” và tăng mức phạt thật nặng đối với các phương tiện “hết đát” vẫn tham gia giao thông.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguy-co-bi-bo-ngo-post430909.html