Ngưỡng mộ chuyện tình thời chiến của cựu tù bị đày 10 năm ở 'địa ngục' Côn Đảo

Câu chuyện đám cưới của ông và người vợ cùng làng có lẽ cũng giống bao lễ thành hôn vội vã trong những ngày binh lửa...

Khi bị đày ra Côn Đảo, phần lớn những người tù đều không dám nghĩ đến ngày được trở về đoàn viên với gia đình. Thế nhưng, điều may mắn đó đã trở thành hiện thực đối với ông Phạm Ngọc Châu (ngụ khu phố 5, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Đặc biệt hơn, trong 10 năm ông ở tù, nơi quê nhà, người vợ vẫn vẹn nghĩa thủy chung, sắt son đợi chồng…

Nhà tù Côn Đảo - nơi ghi dấu tội ác chiến tranh.

Nhà tù Côn Đảo - nơi ghi dấu tội ác chiến tranh.

Đám cưới giữa vòng vây

Năm nay đã 86 tuổi đời, 57 tuổi Đảng và từng trải qua hai cuộc chiến tranh nhưng ông Châu vẫn còn khá nhanh nhẹn, minh mẫn. Hôm chúng tôi đến, chỉ mình ông ở nhà, còn vợ ông, bà Lê Thị Cúc đã lên phố thăm con cháu.

Câu chuyện đám cưới của ông và người vợ cùng làng có lẽ cũng giống bao lễ thành hôn vội vã trong những ngày binh lửa.

Ông Châu kể: “Năm đó tôi 24 tuổi, còn bà Cúc 19 tuổi, cũng làm du kích, phụ nữ xã. Tôi nhớ đám cưới coi ngày là 19 âm, nhưng ngày 16 thì Pháp mở chiến dịch Atlang, nhảy dù xuống sân bay Đông Tác (tên gọi cũ của sân bay Tuy Hòa), cả xã phải chạy tản cư thế là dự định tan tành.

Tôi gặp bả ở bến đò, mạnh ai nấy chạy nhưng đám cưới vẫn tiến hành, với 30 anh em dân quân, cán bộ xã ở lại bám trụ. Cưới vào chiều tối, có du kích bảo vệ vòng ngoài, nhà gái chỉ có 4 người, đi đường tắt, vì sợ địch bắn. Bả mặc đồ bà ba, đội nón lá như đi làm đồng. Cưới vừa xong là chạy giặc. Mỗi người một gánh gạo và mắm, chạy xuyên đêm”.

Mãi đến tháng 7/1954, khi Hòa Vinh ngừng tiếng súng, cặp vợ chồng trẻ mới được gặp lại nhau. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”. Địch quay lại chiếm vùng Hòa Vinh và thực hiện chiến dịch “Tố cộng”.

Năm 1955, ông Châu bị quản thúc 3 năm ở xã, sau đó bị bắt giam ở TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên). Địch không moi được gì nên một thời gian sau, ông được thả. Năm 1965, ông về xã Phú Lâm nắm phong trào lại bị giặc quật hầm với đầy đủ súng đạn, giấy tờ. 4 tháng khai thác, đánh đập, không moi được gì, tòa án ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) xử ông tử hình.

Đầu năm 1966, ông bị đưa vào khám Chí Hòa rồi đày ra Côn Đảo. Ông nhớ như in lần người vợ trẻ một nách 2 con vào Nha Trang thăm mình. “Bà ấy mượn tiền hàng xóm đón xe vô thăm tôi. Gặp được một chút thôi, thấy tay tôi bị còng, bà ấy muốn khóc mà không được.

Lúc đó, tôi cố gắng nói với bả là “em còn trẻ quá, anh chắc chắn bị bắn rồi, thôi em về lấy chồng đi, ở vậy không được đâu, chỉ mong em gặp được người đàn ông thương em, thương con anh. Mai này con lớn, em nói con biết là cha theo cộng sản bị bắn rồi, là anh mãn nguyện”, ông Châu nhớ lại.

Nói rồi, ông bồi hồi: “Nghe tôi nói vậy, bả liền khuyên ngăn, bảo đừng nói chuyện chồng con gì nữa, rồi giám thị trại giam không cho nói nữa, đuổi bả về”. Nghe ông kể, chúng tôi hình dung chiều hôm đó đường về từ Nha Trang đến Đông Hòa, một mình người vợ trẻ thăm thẳm biết chừng nào.

Ký ức chiếm lấy Côn Đảo

Ngồi trò chuyện, ông Châu vẫn còn nhớ như in việc những người chiến sĩ tù cộng sản ở Côn Đảo chiếm lấy nơi này vào mùa Xuân 1975. Ông Châu kể tiếp: “Sau khi biết quân ta giải phóng Sài Gòn, linh mục Vĩnh Thụy có đến và nói chúng tôi có yêu cầu gì.

Chúng tôi bảo muốn chiếm lấy Côn Đảo. Sau đó, linh mục Thụy cũng hợp tác, chuẩn bị cho chúng tôi một trung đội với đầy đủ vũ khí và còn nhiều vũ khí khác đủ để chúng tôi trang bị cho một đại đội”. Sáng ngày 1/5, các chiến sĩ đã làm chủ toàn bộ các trại giam và các cứ điểm trung tâm Côn Đảo. “Chúng tôi mặc đồ bà ba màu đen mới ra sân làm lễ chào cờ mừng chiến thắng và ngày Lao động quốc tế”, ông Châu kể.

10 năm ông ở tù, cũng là chừng ấy năm, giữa vùng địch, bà Cúc một mình chống chọi với cơm áo gạo tiền, lại tham gia phong trào phụ nữ, chạy càn, bị gọi lên kêu xuống tra hỏi. Ngày ông Châu đi, cậu con trai lớn Phạm Ngọc Chấn mới 5 tuổi, cô con gái út tròn 1 tuổi và còn người mẹ già bị mù mắt.

“Con nhỏ, mẹ già, bà ấy cực khổ biết bao nhiêu. Họ làm một ngày hai buổi, chứ bả làm cả ban đêm, làm vậy mới nuôi được con. Không chỉ vậy nhiều lần còn bị địch bắt để tra khảo.

Chúng nhốt nhiều ngày liền, thương nhất là mẹ và con ở nhà bị đói. Nhưng bà ấy vẫn không cho phép mình bỏ cuộc, vẫn tham gia phong trào cách mạng, vừa nuôi giấu cán bộ, vừa cố gắng nuôi dạy con”, ông Châu kể về thời gian cực khổ của vợ khi mình bị đi tù.

Người chiến sĩ cộng sản bảo rằng, không biết sức mạnh từ đâu mà trong những ngày binh lửa, vợ mình có thể một mình vượt qua, làm hậu phương vững chắc khi chồng bị tù đày như vậy. “Bà ấy thật kiên cường. Bây giờ, nhiều lúc 2 vợ chồng ngồi lại nói chuyện, tôi nhìn ánh mắt bà ấy thấy trong đó hình ảnh một người phụ nữ thật quả cảm, kiên trung, và đặc biệt luôn một lòng hướng về chồng nơi ngục tù xa xôi”, ông Châu bộc bạch.

Ông bảo, ngày đó, người ta nói với bà Cúc là ông chắc chết chứ làm gì sống được. Người ta bảo bà đừng chờ ông làm gì mà hãy đi lấy chồng khác để lo cho con cái. Nhưng với lòng chung thủy của mình, bà nghĩ nếu ông có chết thì mình ở vậy nuôi con.

“Đến bây giờ, điều làm tôi tiếc nuối nhất là không gặp lại được đứa con gái của mình. Ngày tôi đi, cháu mới 1 tuổi, không biết mặt cha, tôi cũng chỉ mới gặp được con một lần. Vậy mà ngày tôi về, cháu nó đã không còn”, ông Châu bùi ngùi.

Đi qua những cay nghiệt cuộc đời, bây giờ niềm vui của vợ chồng ông Châu nhiều khi chỉ là được nhìn thấy con cháu khỏe mạnh. Ông hồ hởi khoe: “Giờ vợ chồng tôi có 5 đứa cháu nội, chắt thì có 5 đứa rồi. Đó là gia tài của những người gia như chúng tôi. Đã từng không nghĩ đến chuyện sẽ gặp lại nhau nhưng giờ chúng tôi vẫn còn sống bên nhau như thế này là hạnh phúc lắm rồi”.

Thắng Mỹ

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/nguong-mo-chuyen-tinh-thoi-chien-cua-cuu-tu-bi-day-10-nam-o-dia-nguc-con-dao-d53259.html