Ngưỡng đầu vào ngành Sư phạm thay đổi thế nào khi không còn thi quốc gia?

Nên quy định ngưỡng điểm xét tuyển ngành sư phạm như thế nào khi thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông?

Ngày 21/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành đào tạo giáo viên mầm non.

Theo dự thảo quy chế, năm 2020, căn cứ vào kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia, Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp tục quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề trình độ đại học, ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng.

Thế nhưng kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia không còn, thay vào đó là kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông không còn “hai trong một” như kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, đề thi không còn phân hóa cao như trước đây. Vậy có còn quy định ngưỡng đầu vào với ngành Sư phạm?

Có nên tiếp tục quy định ngưỡng đầu vào với ngành sư phạm khi không còn thi Trung học phổ thông Quốc gia?

Ngưỡng đầu vào ngành Sư phạm thay đổi thế nào khi không còn thi trung học phổ thông quốc gia? (Ảnh minh họa: Daidoanket.vn)

Ngưỡng đầu vào ngành Sư phạm thay đổi thế nào khi không còn thi trung học phổ thông quốc gia? (Ảnh minh họa: Daidoanket.vn)

Những năm trước, không có quy định ngưỡng đầu vào với ngành sư phạm, vì thế đã xảy ra hiện tượng “vơ bèo, vạt tép” khi tuyển sinh; chính hình thức tuyển sinh “tận diệt” này đã làm dư luận xã hội ngỡ ngàng và phản ứng quyết liệt.

Không thể tưởng tượng nổi một thầy cô giáo tương lai mà thi Trung học phổ thông quốc gia chưa đạt trung bình 3 điểm/môn!

Sinh viên Sư phạm hiện nay được miễn học phí và hưởng trợ cấp 3,63 triệu đồng/tháng; lượng sinh viên Sư phạm ra trường chưa có việc làm vẫn rất lớn, thế nhưng việc quy định ngưỡng đầu vào là cần thiết, tránh tình trạng “vơ bèo, vạt tép” khi tuyển sinh của các trường sư phạm như đã xảy ra trước đây.

Nên quy định ngưỡng điểm xét tuyển ngành sư phạm như thế nào khi thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông?

Các trường đại học sư phạm được sĩ tử xếp vào tốp giữa; những trường đại học đa ngành, có ngành sư phạm thường được xếp vào tốp cuối.

Điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông vẫn có thể dùng tuyển sinh đại học, chỉ thích hợp với trường tốp giữa và tốp cuối; phương án tuyển sinh sư phạm có thể sử dụng điểm Tốt nghiệp Trung học phổ thông vẫn phù hợp.

Độ khó của đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông không còn cao như đề thi Trung học phổ thông Quốc gia, vì thế điểm bài thi có thể sẽ cao hơn.

Ngưỡng điểm xét tuyển ngành sư phạm phải dựa trên ma trận của đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, điểm xét tuyển phải đảm bảo: phần biết cộng phần hiểu và ít nhất 50% phần vận dụng (Vận dụng và vận dụng cao).

Ngành sư phạm không nên xét tuyển bằng hình thức xét học bạ như đề xuất của Hiệp hội Các trường cao đẳng và đại học Việt Nam.

Dù trường sư phạm tuyển sinh theo phương thức nào, để trở thành nhà giáo, nhà sư phạm cần nhiều yếu tố, một trong những yếu tố quan trọng là phải có nền tảng kiến thức phổ thông vững vàng.

Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông nghiêm túc sẽ xác định được mức độ tích lũy kiến thức phổ thông của mỗi học sinh; để chọn lựa được một sinh viên có nền tảng kiến thức phổ thông tốt, sẵn sàng tiếp thu kiến thức kỹ năng nghề nghiệp vẫn rất cần một kỳ thi khách quan, công bằng.

Dù trường đại học tuyển sinh bất cứ hình thức nào, học sinh lớp 12 vẫn phải học thật tốt, rèn thật tốt, không ngừng trang bị kiến thức kỹ năng cho mình.

Sơn Quang Huyến

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nguong-dau-vao-nganh-su-pham-thay-doi-the-nao-khi-khong-con-thi-quoc-gia-post209042.gd