Ngưỡng cửa suy thoái

Hội nghị hằng năm của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa khai mạc tại đảo Bali (Indonesia). Trước hội nghị, hai định chế tài chính nêu trên và nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ bất ổn của kinh tế toàn cầu và thậm chí một số ý kiến cho rằng, kinh tế thế giới đã đứng trước 'ngưỡng cửa' tái suy thoái, nếu các chính phủ không hành động quyết liệt.

Hội nghị hằng năm của IMF và WB lần này diễn ra trong bối cảnh bất ổn ngày càng gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu. Khối nợ công khổng lồ đang gia tăng, nhất là tại các thị trường mới nổi; cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng “nóng” hơn và lan ra các lĩnh vực khác… là những yếu tố cản bước đà tăng trưởng của kinh tế thế giới. Ngay trước hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã lên tiếng cảnh báo rằng tranh chấp thương mại và thuế quan “đang bắt đầu khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu u ám”. Theo đó, người đứng đầu IMF kêu gọi các nước phải giải quyết bất đồng và cải tổ các nguyên tắc thương mại toàn cầu.

Những nhận định bi quan hơn về triển vọng kinh tế thế giới cũng đã được các chuyên gia uy tín đưa ra ngay trước hội nghị của IMF và WB. Hãng tin Kyodo vừa dẫn nhận định của tỷ phú R.Đa-li-ô, Chủ tịch quỹ đầu cơ Bridgewater Associates LP lớn nhất thế giới cho rằng, kinh tế thế giới “đang đứng trước ngưỡng cửa của một thời kỳ suy thoái tăng trưởng”, sau khi đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế cách đây mười năm và nhiều khả năng cuộc suy thoái mới sẽ diễn ra trong hai đến ba năm tới. Theo ông R. Dalio, một vấn đề lớn đặt ra hiện nay là nợ của các nền kinh tế gia tăng ở mức báo động. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương hầu hết chỉ tập trung vào lạm phát, một số tập trung vào cả lạm phát và tăng trưởng, song đều không chú ý đến tăng trưởng nợ.

Điều đáng lo ngại là các biện pháp nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương đang đẩy giá tài sản lên, trong khi lãi suất thấp khiến các nhà hoạch định chính sách có ít lựa chọn về chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy kinh tế, nếu thời kỳ suy giảm tiếp theo diễn ra. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, các nhà hoạch định chính sách sẽ không còn nhiều “toa thuốc” để điều trị cho nền kinh tế, nếu “căn bệnh” khủng hoảng tài chính tái phát.

Trong khi đó, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cũng cảnh báo, nền kinh tế thế giới “đang bắt đầu có dấu hiệu lung lay vì bất ổn tài chính” và các cuộc chiến thương mại. Bên cạnh nguy cơ rủi ro tài chính, chiến tranh thương mại đang ngày càng phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế thế giới. Báo cáo của UNCTAD nêu rõ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang là dấu hiệu xuống cấp của hệ thống kinh tế và cơ chế đa phương. Trên thực tế, “làn gió độc” từ nguy cơ khủng hoảng tài chính và chiến tranh thương mại đã và đang khiến nhiều nền kinh tế lớn “nhiễm lạnh”.

Theo các báo cáo gần đây của IMF, các nền kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản, Khu vực đồng euro (Eurozone)... đều đối mặt khó khăn và đã ghi nhận các tín hiệu tiêu cực về tăng trưởng kinh tế. Kết quả khảo sát mà Công ty thông tin tài chính IHS Markit vừa công bố cho thấy nền kinh tế của Eurozone đã mất đà trong tháng 9 vừa qua và sự sụt giảm chỉ số tổng hợp các nhà quản lý mua hàng được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong quý IV năm 2018.

Trước thềm hội nghị ở Indonesia, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2018 sẽ đạt mức 1,1% và giảm xuống còn 0,9% trong năm tới. Trong khi đó, WB vừa công bố báo cáo nhấn mạnh về tình hình đáng lo ngại do sự suy giảm của các đồng nội tệ tại phần lớn các thị trường mới nổi chính trong khu vực Mỹ la-tinh. Nguồn vốn ròng vào khu vực này đã giảm từ mức cao nhất là 49,6 tỷ USD hồi tháng 1 xuống còn 18,8 tỷ USD vào tháng 8 vừa qua. Nguy cơ bất ổn tài chính cũng gia tăng khi tình trạng nợ công đã vượt quá 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Mỹ la-tinh nói chung, trong đó sáu quốc gia có tỷ lệ nợ công hơn 80%.

Vào tháng 7 vừa qua, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018 và 2019 sẽ đạt 3,9%, nhưng triển vọng này đã ít sáng sủa hơn và người đứng đầu IMF vừa cho biết, định chế tài chính này sẽ đưa ra dự báo mới về kinh tế thế giới trong ít ngày tới. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, IMF nhiều khả năng sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và phác họa “bức tranh kinh tế thế giới” với nhiều gam mầu xám hơn so với báo cáo hồi tháng 7.

Những cảnh báo về việc kinh tế thế giới đang đứng trước “ngưỡng cửa” của một đợt suy thoái mới chắc chắn sẽ còn được IMF, WB và giới chuyên gia kinh tế đưa ra trong những ngày tới. Tất cả các cảnh báo nêu trên đều gửi đến chính phủ các nước thông điệp quan trọng là: cần hành động ngay để khống chế các nguy cơ bất ổn tài chính và giải quyết những bất đồng thương mại hiện nay.

VIỆT HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37868202-nguong-cua-suy-thoai.html