Nguồn vốn hạn hẹp càng phải đầu tư có trọng tâm

Sáng nay (24.10), sau khi bỏ phiếu phê chuẩn ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành họp ở tổ tiếp tục bàn về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và mục tiêu, giải pháp năm 2019.

Theo ghi nhận của phóng viên tại phiên thảo luận tổ của Đoàn ĐBQH Hà Nội, bên cạnh việc tán thành với báo cáo của Chính phủ, một số đại biểu cho rằng, để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững; để mọi người dân được thụ hưởng thành quả của sự phát triển kinh tế một cách công bằng vấn đề đặt ra phải phân bổ nguồn lực đầu tư một cách có trọng điểm và hợp lý, tránh cho được đầu tư dàn trải.

Toàn cảnh Họp tổ của Đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội sáng 24.10

Toàn cảnh Họp tổ của Đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội sáng 24.10

Với quan điểm này, đại biểu (ĐB) Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, đầu tư dàn trải, đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm hoặc chưa đúng thời điểm cũng là một trong những nguyên nhân gây bức xúc trong nhân dân. Điển hình, trong khi một số địa phương, công năng sử dụng các nhà hát, nhà văn hóa chưa hết, trong khi lại vẫn tiến hành xây dựng nhà hát. Cùng chung quan điểm này, một số ĐB cho rằng, nên tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống y tế, giáo dục, kết cấu hạ tầng và bảo đảm chủ quyền lãnh thổ hơn là đầu tư dàn trải.

Còn ĐB Nguyễn Văn Được- đoàn Hà Nội (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam) thì băn khoăn vấn nạn thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Ông nói, nhìn một cách cơ bản những kết quả về kinh tế- xã hội- an ninh- quốc phòng thời gian qua mà chúng ta thu được là hết sức khả quan, song vẫn còn đó nhiều vấn đề phải giải quyết. “Hôm nay có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Phú Trọng -Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đồng thời là Trưởng Ban phòng chống tham nhũng Trung ương tôi đề nghị chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, thất thoát hơn nữa. Đơn cử, như lĩnh vực giao thông, phải công nhận hiện nay hạ tầng giao thông rất tốt, song đâu đó vẫn còn những bức xúc về chất lượng. Chất lượng kém cũng một phần tại bởi dự án bị xé nhỏ, công trình thắng thầu xong lại chia năm, xẻ bảy…”- ĐB Được bày tỏ.

Chính vì tham nhũng, lãng phí ĐB Được thẳng thắn so sánh, tôi biết có người “thấp” hơn tôi (ý nói về chức vụ và tuổi tác- PV), song họ có cả biệt thự, thậm chí biệt phủ. “Vậy tiền lấy đâu ra?”- ĐB Được phân trần.

Cũng liên quan đến việc phân bổ nguồn lực đầu tư, ĐB Nguyễn Quốc Tuấn (Giám đốc Bệnh viện tim Hà Nội) nêu vấn đề khiến chúng ta phải nghĩ suy: Những năm qua trong chính sách của Đảng và Nhà nước đều rất quan tâm đến bà con vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu sổ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc thì hiện đời sống bà con đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Chúng ta có thấy đau lòng không khi tiền in sách giáo khoa theo các đại biểu nêu ra mỗi năm lãng phí cả nghìn tỷ đồng, trong khi vẫn còn khoảng 24% đồng bào miền núi thuộc diện nghèo. Trong khi báo cáo nêu có đến 93% dân số miền núi được phủ bảo hiểm y tế, thuộc diện cao nhất nước nhưng thụ hiểm y tế lại kém nhất nước. Và có đến 8% trẻ em dưới 14 tuổi bị mù chữ”- ĐB Tuấn nhấn mạnh. Bởi thế, theo ĐB Tuấn mấu chốt là chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách khoa học, thấu đáo để phân bổ nguồn lực đầu tư một cách hợp lý.

ĐB Ngọ Duy Hiểu phát biểu

Còn ĐB Ngọ Duy Hiểu (Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nêu lên vấn đề, giai cấp công nhân là giai cấp làm ra của cải cho đất nước, là giai cấp tiên phong cách mạng, tuy nhiên hiện tại trình độ, tay nghề còn hạn chế, thu nhập còn thấp dẫn đến đời sống khó khăn. Chính vì thế, thời gian qua, một số thế lực xấu đã lợi dụng điểm yếu này hòng lôi kéo công nhân, lao động vào những vụ gây rối.

Bởi thế, ĐB Hiểu đề nghị, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đến đời sống công nhân trên góc độ trình độ, chuyên môn, nhận thức chính trị, việc làm, thu nhập, nhà ở và bảo hiểm xã hội…

L.Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguon-von-han-hep-cang-phai-dau-tu-co-trong-tam-81828.html