Nguồn vốn FDI 'đổ' vào Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tăng

Trong 9 tháng năm 2018, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút được 99 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tổng số 218 dự án FDI của cả nước.

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ, cho biết trong 9 tháng năm 2018, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút được 99 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tổng số 218 dự án FDI của cả nước.

Tổng số vốn FDI thu hút được trong 9 tháng là trên 1,5 tỷ USD, chiếm 10,6% trong tổng vốn 14,13 tỷ USD của cả nước.

Cũng theo ông Nguyễn Phương Lam, trong năm nay, tỷ lệ thu hút các dự án FDI vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 15% so với cả nước, nếu không tính dự án xây dựng đô thị thông minh với số vốn FDI khổng lồ lên tới 4,2 tỷ USD của thành phố Hà Nội.

Trước đây 5 năm, thu hút vốn FDI của các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm từ 5-6% so với cả nước nhưng chỉ trong 2 năm vừa qua đã tăng lên 9%.

Riêng thành phố Cần Thơ, trong 9 tháng năm 2018 đã có 5 dự án FDI đăng ký, với nguồn vốn 72 triệu USD, và 2 dự án tăng vốn khoảng 40 triệu USD.

Tính lũy kế đến đầu tháng 10/2018, hiện có 1.495 dự án FDI đang hoạt động còn hiệu lực ở các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với số vốn là 20,95 tỷ USD, trong tổng số 26.646 dự án và tổng vốn đầu tư 334,05 tỷ USD của cả nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Phương Lam, phần lớn các doanh nghiệp FDI, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản, thường đầu tư vào các lĩnh vực chế tạo thiết bị, công nghệ kỹ thuật ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và gần như chỉ xuống đến tỉnh Long An.

Trong khi đó, khu vực nông nghiệp, thủy sản, vốn là thế mạnh của các địa phương còn lại, rất ít được các doanh nghiệp FDI quan tâm. Đây cũng là vấn đề mà các cơ quan chức năng và lãnh đạo các địa phương của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm từ trước đến nay.

Ông Nguyễn Phương Lam cho biết Chương trình giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 4 tại Cần Thơ, do Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đầu tháng 11 sắp tới, là điều kiện rất tốt để các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm tìm hiểu, đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản của Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long./.

Ngọc Thiện (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nguon-von-fdi-do-vao-dong-bang-song-cuu-long-ngay-cang-tang/528990.vnp