Nguồn tín dụng CSXH giúp người dân Điện Biên xóa đói, giảm nghèo

Năm 2003, tỉnh Điện Biên triển khai thành lập Ban Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) nhằm thực hiện có hiệu quả tín dụng trên địa bàn tỉnh. Sau 15 năm triển khai, vốn tín dụng CSXH đã góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên.

Nỗ lực triển khai nguồn vốn vay

Điện Biên là một tỉnh nghèo miền núi Tây Bắc với 90% nhiệm vụ chi thường xuyên hàng năm được T.Ư cấp, nên việc triển khai chương trình tín dụng CSXH được xem là nguồn lực thứ hai để Điện Biên bứt lên trên con đường xóa đói giảm nghèo.

Tính đến ngày 31-7, nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh đạt 2.403.153 triệu đồng. Bao gồm, vốn điều tiết từ T.Ư là 2.331.880 triệu đông, chiếm 97,03% và nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 71.273 triệu đồng, chiếm 2,97%. Trong đó, nguồn vốn ủy thác đầu tư do ngân sách Nhà nước chuyển sang là 18.272 triệu đồng, vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn là 52.311 triệu đồng.

Từ nguồn vốn tín dụng CSXH, đã có 334 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; 115 nghìn lượt lao động được tạo việc làm; hơn 21 nghìn học sinh, sinh viên khó khăn được vay vốn đi học; đầu tư xây dựng gần 16 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hơn 13 nghìn nhà ở cho hộ nghèo… Chỉ tính riêng hai năm 2016 và 2017, tín dụng CSXH đã giúp ngành nông nghiệp đầu tư chăm sóc, cải tạo, trồng mới gần 400 ha rừng phòng hộ.

Bên cạnh đó, bà con nhân dân trong tỉnh đã chủ động mở rộng hàng chục nghìn m2 nhà xưởng sản xuất, đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang lĩnh vực phi nông nghiệp, tận dụng lợi thế địa phương để phát triển du lịch, từng bước góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người trên toàn tỉnh đạt 12 triệu đồng/người dân (năm 2016).

Khi được hỏi về nguồn lực từ tín dụng CSXH trong phát triển sản xuất, ông Bạc Cầm Phiu ở bản Nà Dên, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng không giấu được niềm vui, trước đây, gia đình ông thuộc hộ đói nghèo, ngoài làm nương rẫy, ông còn rất tích cực trong chăn nuôi gia súc, gia cầm… nhưng vẫn không đủ chi phía cho cuộc sống của gia đình với bảy nhân khẩu. Từ cuối năm 2003, nhờ được vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng, ông mạnh dạn đầu tư cho chín ha cà-phê và xây dựng kế hoạch chăn nuôi gia súc. Năm 2008, ông đã trả hết nợ và vươn lên thoát nghèo. Về lâu dài, ông Phiu cũng mong muốn tín dụng CSXH sẽ nâng mức cho vay để người dân phát triển sản xuất.

Những tấm gương vươn lên thoát nghèo từ tín dụng CSXH ở Điện Biên đang ngày một nhiều hơn. Những cái tên như Lò Văn Hặc ở bản Mường Luân 3, xã Mường Luân, huyện Điện Biên và Lò Văn Ép, Chủ tịch Hội CCB xã Si Pa Phìn, huyện Nam Pồ đã trở nên quen thuộc và là nguồn động viên lớn để người dân vươn lên thoát nghèo.

Đổi thay từ nguồn vốn CSXH

Tại huyện Tủa Chùa, trong vòng 15 năm tiếp cận nguồn tín dụng CSXH, mặt bằng kinh tế, chính trị đã có những chuyển biến tích cực. Tủa Chủa từ một huyện nghèo của tỉnh với 95% dân số là người dân tộc thiểu số, phân bổ trên 12 xã, thị trấn thì có đến 11 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Số hộ nghèo (năm 2016) chiếm 66,9%, trong toàn huyện. Nhờ tín dụng CSXH, tốc độ giảm nghèo trung bình đã đạt 4%/năm.

Theo ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Tủa Chùa, để nguồn vốn phát huy hiệu quả, huyện đã đẩy mạnh cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị, xã hội của huyện. Hàng năm, tổ chức bình xét trong các đối tượng vay vốn, kịp thời khen thưởng hoặc đưa ra hướng xử lý với những cá nhân, tổ chức sử dụng vốn vay không hiệu quả và không tuân thủ những quy định của tín dụng CSXH. Nhờ đó, dư nợ quá hạn giảm từ 724 triệu đồng, năm 2014, xuống còn 425 triệu đồng (tính đến hết tháng 7-2017).

Không chỉ huyện Tủa Chùa tìm ra hướng đi mới cho tín dụng CSXH, tại huyện Mường Chà, nguồn vốn từ chương trình này cũng đã giúp 18 nghìn người dân được tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 1.000 hộ dân của huyện Mường Chà đã thoát nghèo có cuộc sống ổn định, 8.000 hộ chuyển biến nhận thức trong làm ăn. Đồng thời, hơn 600 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn để xóa nhà tạm bợ, dột nát góp phần xóa bỏ tập quán du canh, du cư của người dân địa phương.

Ngoài ra, hàng trăm lượt học sinh, sinh viên được vay vốn để tiếp tục học tập. Theo ông Trang A Lử, Phó Chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Mường Chà, nguồn vốn từ tín dụng CSXH đã và đang góp phần làm thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế, chính trị tại Mường Chà. Đây cũng chính là công cụ hữu hiệu để chính quyền các cấp thực hiện mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho Mường Chà nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung. Bên cạnh đó, còn khắc phục triệt để tâm lý ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ từ Nhà nước của một bộ phận không nhỏ người dân, từng bước giúp họ chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất góp phần thực hiện thắng lợi phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tại hội nghị tổng kết thực hiện 15 năm thực hiện tín dụng CSXH, Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên Lò Văn Muôn khẳng định, tín dụng CSXH là nguồn lực để Điện Biên phát triển kinh tế, là kênh đầu tư thứ hai để người dân Điện Biên vươn lên thoát nghèo sớm trở thành địa phương tự chủ một phần trong chi thường xuyên.

Nhưng để nguồn lực trên phát huy tác dụng toàn diện trong giai đoạn mới, rất cần một kế hoạch hoạt động trong từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu thực tế, đồng thời bám sát các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động tại các điểm giao dịch xã, cũng như tăng cường công tác giám sát của các đoàn thể nhân dân đối với các chương trình tín dụng ưu đãi, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn chính sách. Nâng tổng mức cho vay đối với hộ gia đình, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, từ đó giúp họ có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất từng bước hướng đến sản xuất quy mô lớn theo chuỗi giá trị bền vững.

Hiện, dư nợ tín dụng tính đến tháng 7-2017 đạt gần 2.400 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 26,8%/năm, chiếm 16,2% trên tổng vốn đầu tư tín dụng toàn tỉnh. Chất lượng tín dụng đang ngày một bảo đảm với tỷ lệ nợ xấu (đến 31-7) chiếm 0,65%/tổng dư nợ. Đây là một con số đáng tự hào cho thấy chiến lược kinh doanh cũng như sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả của một tỉnh miền núi biên giới phía bắc Tổ quốc.

SƠN HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/34737402-nguon-tin-dung-csxh-giup-nguoi-dan-dien-bien-xoa-doi-giam-ngheo.html