Nguồn thực phẩm đủ cung cấp, không có hiện tượng thiếu hàng và sốt giá

Hiện nguồn cung các mặt hàng thực phẩm tuy chưa nhiều, nhưng đáp ứng tốt được nhu cầu của người tiêu dùng. Nhìn chung, thị trường diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, gây bất ổn thị trường.

Nguồn cung các mặt hàng thực phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng

Theo Bộ Công Thương, tình hình thị trường ngày Mùng 4 Tết (tức ngày 28/01/2020) nhìn chung đã sôi động hơn so với ngày Mùng 3 Tết, đã có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng mở cửa trở lại nhưng người dân vẫn chủ yếu là vui xuân, đi chơi tết nên sức mua chưa cao, hoạt động mua bán hầu hết tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ các loại, hoa quả…

“Nguồn cung các mặt hàng thực phẩm tuy chưa nhiều nhưng đáp ứng tốt được nhu cầu của người tiêu dùng. Giá cả các hàng hóa tại hệ thống siêu thị ổn định, không tăng so với thời điểm trước Tết. Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng ổn định so với những ngày giáp Tết và ở mức cao so với ngày thường. Nhìn chung, thị trường diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, gây bất ổn thị trường”, Bộ Công Thương cho hay.

Theo đó, giá các mặt hàng lương thực tương đối ổn định. Cụ thể, giá các loại gạo tẻ thường từ 12.000 - 13.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao (tám xoan, tám Hải Hậu) từ 18.000 - 25.000 đồng/kg, gạo nếp 25.000 - 33.000 đồng/kg.

Đối với mặt hàng thực phẩm, tại các siêu thị, giá thực phẩm ổn định. Tại một số chợ lẻ, giá cả ổn định hơn so với ngày mùng 3 Tết nhưng vẫn cao hơn so với ngày 30 Tết. Giá thịt lợn phổ biến ở mức: mông sấn 170.000 - 200.000 đồng/kg (miền Bắc), 130.000 - 140.000 đồng/kg (miền Nam), giá thịt lợn thăn 150.000-170.000 đồng/kg (miền Nam) 200.000 - 250.000 đồng/kg (miền Bắc); thịt bò thăn loại I từ 280.000-350.000 đồng/kg; giá gà ta lông 120.000-150.000 đồng/kg; giá tôm sú (loại 26-30 con/kg): 500.000 - 600.000 đồng/kg, cá trắm: 100.000-120.000đ/kg.

Nguồn cung các mặt hàng thực phẩm tuy chưa nhiều nhưng đáp ứng tốt được nhu cầu của người tiêu dùng

Nguồn cung các mặt hàng thực phẩm tuy chưa nhiều nhưng đáp ứng tốt được nhu cầu của người tiêu dùng

Riêng đối với các loại, rau, củ, quả, trái cây, nguồn cung về các chợ đã nhiều hơn, giá cả ổn định hơn so với Mùng 3, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với ngày thường do thời tiết mưa rét tại các tỉnh phía Bắc, mức giá phổ biến: bắp cải 10.000 - 15.000 đồng/kg, su hào: 8.000-10.000 đồng/củ, xà lách: 15.000-20.000 đồng/kg, cà chua: 15.000 - 20.000 đồng/kg (tùy địa phương), khoai tây: 12.000-20.000 đồng/kg, súp lơ: 12.000 - 20.000 đồng/cây...

Tại các tỉnh miền Nam, giá ổn định. Giá các loại trái cây tăng nhẹ do nhu cầu đi lễ đầu năm: thanh long 50.000 - 65.000 đồng/kg; cam canh 50.000 - 70.000 đồng/kg; bưởi da xanh 70.000 - 90.000 đồng/kg; xoài cát chu 50.000 - 65.000 đồng/kg; dưa hấu 20.000 - 25.000 đồng/kg…
Thực phẩm chế biến: Giá giò lụa phổ biến ở mức 170.000 - 180.000 đồng/kg; giò bò 280.000 - 330.000 đồng/kg; lạp xưởng: 180.000- 190.000 đồng/kg (ổn định); Các loại hoa giá ổn định hơn so với mùng 3 Tết: hoa hồng từ 70.000-90.000 đồng/chục; hồng lộc 100.000 - 150.000 đồng/chục; hoa cúc: 80.000 - 100.000 đồng/chục…

Không có hiện tượng thiếu hàng

Đưa ra dự báo thị trường một số hàng hóa thiết yếu trong ngày Mùng 5 Tết, Bộ Công Thương cho biết, trong ngày Mùng 5 Tết, tại các địa phương có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa sẽ hoạt động trở lại, lượng hàng sẽ nhiều hơn, các mặt hàng cũng sẽ đa dạng hơn. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng trên thị trường chưa cao, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thịt bò, thủy hải.

Cũng theo Bộ Công Thương, trong ngày Mùng 5 Tết, tại các địa phương có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa sẽ hoạt động trở lại, lượng hàng sẽ nhiều hơn, các mặt hàng cũng sẽ đa dạng hơn. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng trên thị trường chưa cao, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thịt bò, thủy hải sản, giá các mặt hàng này sẽ ở mức tương đương với trước Tết, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Trước Tết, nhìn chung các đơn vị ngành Công Thương đã có nhiều biện pháp tích cực sản xuất kinh doanh phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý. Ngày 28/1 là ngày nghỉ thứ tư của kỳ Tết Nguyên đán, hầu hết các doanh nghiệp đã nghỉ Tết, không sản xuất kinh doanh, tình hình sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, ngành thép và ngành cơ khí, chế tạo: Các doanh nghiệp thép đều dừng sản xuất kinh doanh trừ các doanh nghiệp có lò cao như Formorsa Hà Tĩnh, Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt Trung, Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên và Công ty cổ phần Thép Hòa phát Hải Dương. Các doanh nghiệp này vẫn sản xuất bình thường, riêng phần kinh doanh không thực hiện trọng dịp nghỉ Tết (xuất hàng trở lại sau kỳ nghỉ). Các doanh nghiệp khác trong ngành đều nghỉ tết (cả sản xuất và kinh doanh).

Ngành công nghiệp thực phẩm, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thực hiện Chỉ thị 12/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 21/10/2019 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị liên quan lên kế hoạch cụ thể và triển khai các hoạt động chuẩn bị hàng hóa, các chương trình phục vụ Tết, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ với giá bình ổn nhằm bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết vui vẻ, an toàn, tiết kiệm. Đến thời điểm hiện nay (ngày 28/01/2020 tức 04 Tết), các mặt hàng thiết yếu như đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng, chưa có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.

Yến Nhi

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/202001/nguon-thuc-pham-du-cung-cap-khong-co-hien-tuong-thieu-hang-va-sot-gia-6510ca9/