Nguồn thu đang bỏ ngỏ

Đang chính mùa lễ hội, dư luận lại 'dậy sóng' trước những thông tin về khoản thu siêu lợi nhuận của một số cơ sở tâm linh. Trong khi đó, nhiều dự án tâm linh quy mô hàng nghìn ha đất tiếp tục được phê duyệt thời gian qua khiến nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp đang triệt để lợi dụng việc 'kinh doanh' tâm linh để kiếm lời một cách êm ái.

Chùa Bái Đính. Ảnh: TTXVN

Chùa Bái Đính. Ảnh: TTXVN

Thực tế, trào lưu đầu tư vào kinh doanh du lịch tâm linh đang được nhiều doanh nghiệp xác định là một lĩnh vực đầu tư dễ, vốn ít nhưng thu hồi lại rất nhanh, nếu không muốn nói là siêu lợi nhuận. Điển hình như doanh nghiệp Xuân Trường triển khai hàng loạt dự án du lịch tâm linh tại nhiều địa phương như: Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng. Mô-típ chung cho các dự án này là diện tích rất rộng lớn và được xây dựng tại những di tích, chùa cổ, gần các điểm danh lam thắng cảnh...

Quần thể Bái Đính - Tràng An do doanh nghiệp Xuân Trường đầu tư xây dựng và quản lý là điểm du lịch chủ lực của Ninh Bình với 7,4 triệu lượt khách năm 2018, góp phần đem lại doanh thu 3.200 tỷ cho tỉnh này. Tính sơ qua, doanh thu từ bán vé ở khu du lịch Tràng An đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm. Thế nhưng việc quản lý và sử dụng tiền công đức, dịch vụ ở quần thể Bái Đính - Tràng An cụ thể mỗi năm là bao nhiêu, quản lý như thế nào và sử dụng ra sao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình lại không nắm được (?).

Tại tỉnh Quảng Ninh, chỉ tính nguồn thu từ lễ hội Yên Tử, năm cao nhất thu tới 31 tỷ đồng, nhưng chỉ 4% trong số đó được trích lại cho Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử. Trong khi đó, mỗi năm ngân sách Nhà nước bỏ ra ít nhất 10 tỷ đồng để nuôi bộ máy cũng như công tác an ninh trật tự, môi trường, tu sửa hạ tầng, đường hành hương và chăm sóc, bảo vệ rừng. Thế nên, dễ hiểu tại sao nhiều địa phương lại dễ dàng cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào du lịch tâm linh đến vậy. Bởi, họ dễ kêu gọi đầu tư, kêu gọi nguồn xã hội hóa, nguồn tiền công đức để xây dựng dự án, nhưng sau đó lại nghiễm nhiên đứng ra kinh doanh và thu lợi.

Không ít địa phương tạo điểm nhấn với các công trình tâm linh đồ sộ, tốn kém, bất kể rằng đang còn phải sống bằng “bầu sữa” ngân sách và mức sống người dân còn khiêm tốn, như tỉnh Thái Nguyên phải họp khẩn để triển khai cho nhanh dự án hồ Núi Cốc có mức đầu tư tới 15.000 tỷ đồng...

Dư luận đặt câu hỏi, trào lưu kinh doanh du lịch tâm linh nở rộ là do chúng ta chưa có một cơ chế giám sát, minh bạch hóa các khoản thu chi và chính sách thuế phù hợp? Dường như các cơ quan quản lý vẫn chỉ tin vào “lòng thành” của các nhà đầu tư. Mặt khác, việc quản lý tiền công đức trong các đình, chùa, phủ... chưa có một mô hình thống nhất nào mà chỉ có những chỉ đạo từ chính quyền là cần công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích. Thế nên, rất ít nơi tuân thủ quy định số lượng đặt hòm công đức do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định và việc công khai quản lý và sử dụng tiền công đức thì luôn luôn là ẩn số. Bởi, chuyện tiền công đức thường rất... nhạy cảm.

Nhiều nhà quản lý quan ngại, trong luật hiện hành, kinh doanh dịch vụ tâm linh không nằm trong 243 loại hình kinh doanh có điều kiện. Bản thân tín ngưỡng là không kinh doanh rồi. Cốt lõi vẫn là minh bạch các khoản thu. Nếu xác định kinh doanh phải giấy tờ đàng hoàng, công đức cũng phải có cơ chế quản lý chặt chẽ. Một khi đã bóc tách được như vậy thì Nhà nước sẽ quản lý được.

Tuy nhiên, như hiện nay, nhiều cơ sở tâm linh do doanh nghiệp tư nhân quản lý. Do đó các khoản thu và chi tiêu vẫn là ẩn số. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, các cơ quan quản lý cần vào cuộc phân định rõ nguồn vốn đầu tư dự án từ doanh nghiệp và nhà nước, cũng như có những quy định cụ thể về việc quản lý, kiểm soát hoạt động của các cơ sở tâm linh, tránh tình trạng thất thoát và đảm bảo tính công bằng, minh bạch.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguon-thu-dang-bo-ngo/