Nguồn nước nhiễm Asen, huyện Quỳ Hợp kiến nghị di dời cửa lấy nước đầu vào

UBND huyện Quỳ Hợp kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty CP Cấp nước Nghệ An di dời cửa lấy nước đầu vào của Trạm cấp nước Quỳ Hợp, nếu không thì kêu gọi nhà đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt đảm bảo chất lượng cho người dân.

Ngày 7/8, UBND huyện Quỳ Hợp có văn bản số 651/UBND-TN gửi UBND tỉnh về việc đề nghị di dời cửa lấy nước đầu vào của Trạm cấp nước Quỳ Hợp.

Văn bản nêu, thị trấn Quỳ Hợp có khoảng 11.000 nhân khẩu/2.300 hộ dân đang dùng nước sạch sinh hoạt do Trạm cấp nước Quỳ Hợp sản xuất, cung ứng. Nguồn nước thô mà Trạm cấp nước Quỳ Hợp khai thác, sử dụng là từ thượng nguồn suối Nậm Huống. Trong khi thượng nguồn suối Nậm Huống có 3 mỏ thiếc được cấp phép khai thác.

Một khu vực khai thác quặng thiếc đầu nguồn suối Nậm Huống.

Một khu vực khai thác quặng thiếc đầu nguồn suối Nậm Huống.

Quá trình khai thác, chế biến làm giàu quặng thiếc (nghiền, sàng, đãi quặng…) sẽ phát sinh nhiều kim loại nặng ở dạng phân tử như Asen, Crom… Đây là những tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp và nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng nước, và về lâu dài sẽ nguy cơ gây bệnh ung thư.

Trong quá trình chế biến làm giàu quặng, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, các doanh nghiệp không có công nghệ để tách kim loại nặng ra khỏi chất thải, Vì vậy, các kim loại nặng được thải ra cùng chất thải với khối lượng lớn, sau đó kim loại nặng hòa tan vào dòng nước của suối Nậm Huống, đến cửa lấy nước đầu vào của suối Nậm Huống.

Cán bộ UBND thị trấn Quỳ Hợp niêm phong mẫu nước suối Nậm Huống để đưa đi kiểm nghiệm.

Khi kim loại nặng vào nhà máy xử lý nước, tại đây không có công nghệ tách kim loại nặng ra khỏi nước sinh hoạt cung cấp cho các hộ dân. Vì vậy, kim loại nặng sẽ đến với các hộ dân trong nguồn nước sinh hoạt mà nhà máy cung cấp. Từ quy trình trên thì các kim loại nặng từ các mỏ thiếc đến với các hộ dân là điều đương nhiên, đặc biệt khi có mưa lũ.

Theo 2 lần kết luận của Sở TN&MT vào ngày 25/12/2017 và ngày 17/7/2019, thì nguồn nước thô đầu vào của Trạm cấp nước Quỳ Hợp có thông số TSS, Asen, Crom… vượt tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt, tại kết luận lần hai cho biết: “… một thông số kim loại nặng As (Asen) vượt 1,3 lần so với quy chuẩn QCVN08/MT:2015/BTNMTG cột A2…”.

Văn bản 651/UBND-TN của UBND huyện Quỳ Hợp.

Để loại bỏ kim loại nặng trong nước sinh hoạt của nhà máy cung cấp cho các hộ dân, UBND huyện Quỳ Hợp đưa ra 3 giải pháp: Một là, thu hồi giấy phép và đình chỉ hoạt động khai thác của các doanh nghiệp; hai là, các hộ dân không dùng nước của nhà máy nước; ba là, di dời cửa lấy nước của nhà máy nước (đầu vào) đến vị trí khác mà vị trí đó đầu nguồn không có khai thác, chế biến quặng thiếc.

Theo UBND huyện Quỳ Hợp, hai giải pháp đầu khó thực hiện. Vì nếu thu hồi giấy phép đã cấp phép và đình chỉ sản xuất của các mỏ quặng thiếc thì nhà nước sẽ phải bồi thường và ảnh hưởng đến các yếu tố kinh tế xã hội; trong khi nước là yếu tố không thể thiếu trong sinh hoạt của người dân.

UBND huyện Quỳ Hợp khẩn thiết: “Vấn đề này đã nhiều lần cử tri và đại biểu HĐND kiến nghị tại các kỳ họp HĐND. Đồng thời, nhiều cơ quan thông tấn báo chí đã phản ánh nhưng không có dấu hiệu chuyển biến tích cực”.

Tại kỳ họp thứ 6, HĐND huyện Quỳ Hợp diễn ra dịp tháng 7/2018, vấn đề nguồn nước thô bị ô nhiễm được cử tri quan tâm, có nhiều ý kiến chất vấn.

Bên cạnh đó, UBND huyện Quỳ Hợp thông tin: Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện Quỳ Hợp đã nhiều lần kiến nghị Công ty CP Cấp nước Nghệ An, Trạm cấp nước Quỳ Hợp và báo cáo với UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan nhưng vấn đề này chưa được giải quyết.

Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện Quỳ Hợp đã chỉ đạo UBND thị trấn Quỳ Hợp và các ngành liên quan tuyên truyền, vận động các hộ dân đầu tư khoan giếng để sử dụng nước ngầm hoặc đầu tư bể chứa nước mưa để sử dụng, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng nguồn nước do nhà máy nước cung cấp. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn nên chỉ một số hộ có điều kiện thực hiện được. Còn lại đại đa số không có điều kiện nên vẫn sử dụng nguồn nước do nhà máy cung cấp.

Ở thị trấn Quỳ Hợp, có một số gia đình đã phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan xuyên các tầng đá tìm nguồn nước sinh hoạt.

Từ thực tế này, UBND huyện Quỳ Hợp kiến nghị UBND tỉnh: Chỉ đạo Công ty CP Cấp nước Nghệ An di dời cửa lấy nước đầu vào của Trạm cấp nước Quỳ Hợp tại vị trí hạ nguồn suối Nậm Choọng chảy từ các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Châu Lý, Châu Thái, thượng nguồn không có khai thác khoáng sản. Vị trí này đã được UBND huyện, Sở TN&MT và các sở, ngành liên quan xác định.

Trường hợp Công ty CP Cấp nước Nghệ An không di dời của lấy nước của Trạm cấp nước Quỳ Hợp thì kêu gọi nhà đầu tư đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt đảm bảo chất lượng cho người dân thị trấn Quỳ Hợp.

Liên quan đến những nội dung nêu tại văn bản 651/UBND-TN của UBND huyện Quỳ Hợp, từ năm 2018 đến nay, Báo Nghệ An cũng đã từng có nhiều tin, bài phản ánh; ngày 8/8 vừa qua, đã thông tin tiếp về vấn đề này tại bài viết: "Việc thay thế nguồn nước thô có bị lãng quên?".

Nhật Lân

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nguon-nuoc-nhiem-asen-huyen-quy-hop-kien-nghi-di-doi-cua-lay-nuoc-dau-vao-250806.html