Nguồn nhân lực ngành Du lịch: Thay đổi để phát triển

Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành Du lịch, trong đó có nguồn nhân lực. Sự hao hụt về mặt nhân sự do số lượng lao động không nhỏ phải nghỉ việc hoặc chuyển nghề đã buộc các đơn vị phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ cả về tư duy và phương pháp quản lý để giải quyết vấn đề này.

Ứng dụng số hóa đang là giải pháp để các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch khắc phục việc thiếu hụt nhân lực.

Nhân lực lĩnh vực du lịch hao hụt

Theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, nước ta có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể lực lượng lao động ở những mảng công việc có liên quan. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng nhân viên nghỉ việc tại các công ty du lịch ngày một tăng. Qua khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, có tới 18% số doanh nghiệp đã phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho từ 50-80% nhân viên nghỉ việc; 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với lao động bị mất việc làm. Sở Du lịch Hà Nội cũng cho biết, số lao động tạm thời nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển chiếm khoảng 50-90%.

Anh Nguyễn Khắc Tiệp, một hướng dẫn viên khách inbound (khách du lịch quốc tế đến Việt Nam) và outbound (khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài) phải chuyển sang nghề lái xe Grab từ nhiều tháng nay để kiếm sống, do công việc hướng dẫn viên quốc tế gần như không có. “Rất nhiều hướng dẫn viên đã phải chuyển nghề để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Có người làm lái xe công nghệ, không ít người thử sức trong lĩnh vực tư vấn bất động sản, bảo hiểm, bán hàng trực tuyến trên mạng...”, anh Tiệp cho biết.

Chia sẻ về vấn đề nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch bị hao hụt, Giám đốc khách sạn Grand Vista Bùi Thanh Tùng cho biết, nhiều khách sạn trên địa bàn Hà Nội “mất” khoảng 20-30% tổng số nhân viên hoặc bị buộc phải cho nhân viên nghỉ việc, vì kinh doanh không hiệu quả. Không ít khách sạn vừa và nhỏ trong khu phố cổ Hà Nội đã cho hầu hết nhân viên nghỉ việc.

Trong khi đó, ở góc độ lữ hành, Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho hay, kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, nhân sự của công ty đã giảm 25%; một số người được điều chuyển sang làm ở bộ phận khác. Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, mặc dù công ty không bị khủng hoảng về nhân sự, nhưng để đối phó với tác động của dịch Covid-19, doanh nghiệp phải chuyển đổi, sắp xếp lại nhiều vị trí cho phù hợp, như bộ phận xây dựng sản phẩm tour quốc tế chuyển sang làm tour nội địa, người bán hàng chuyển sang điều hành tour…

“Đây là giai đoạn rất khó khăn của ngành Du lịch. Hao hụt nhân lực là thực trạng chung của các đơn vị, đòi hỏi tất cả phải thay đổi chiến lược quản lý, kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế”, ông Phùng Quang Thắng nói.

Tham gia liên kết đào tạo nguồn nhân lực đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp du lịch. Trong ảnh: Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho khách.

“Phép thử” để thay đổi

Nhận định về những thay đổi của ngành Du lịch trước sự hao hụt nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, dịch Covid-19 là “phép thử” để các doanh nghiệp du lịch chú tâm tìm cách thay đổi nếu muốn tồn tại và phát triển. “Các đơn vị cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn về phương thức quản lý, kinh doanh cũng như điều hành. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị “xốc” lại bộ máy, đánh giá, sàng lọc nhân viên, tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới sự phát triển bền vững”, ông Vũ Thế Bình nói.

Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, sự thiếu hụt về nhân sự là cơ hội để các đơn vị làm mới mình bằng cách đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, bán sản phẩm, quảng bá du lịch, qua đó nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Trước đòi hỏi cấp bách của việc bổ sung nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực hiện có, một số công ty lữ hành trên địa bàn Hà Nội đã “bắt tay” với các trường đại học có chuyên ngành du lịch để hợp tác đào tạo, tìm nguồn cung cấp nhân lực mới. Một số công ty lữ hành uy tín, như VietSense, AZA, Ascend travel… đã liên kết tổ chức các buổi huấn luyện cho nhân viên và sinh viên học chuyên ngành du lịch.

Theo Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài, người khởi xướng hoạt động này, các lớp huấn luyện chủ yếu do giám đốc các doanh nghiệp du lịch chia sẻ kiến thức thực hành, mục đích là nâng cao khả năng thích ứng với thị trường, tạo cơ hội cọ xát thực tế cho các học viên. Sau các khóa huấn luyện, các công ty sẽ thực hiện tuyển dụng từ nguồn do chính mình đào tạo. “Đây là cách để các công ty tránh bị mất nhân lực, đồng thời có thể tái đào tạo, nâng cao kỹ năng cho nhân viên theo đúng nhu cầu của đơn vị mình”, ông Nguyễn Văn Tài cho hay.

Nguồn nhân lực du lịch đang có nhiều biến động, nhưng trong sự không may cũng xuất hiện thời cơ lớn để các công ty nâng chất lượng nhân sự, tổ chức lại bộ máy. Ở góc độ quản lý nhà nước, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, lúc này, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp cần thiết để chuẩn bị cho sự quay trở lại, đồng thời giúp ngành Du lịch phát triển bền vững.

“Dịch Covid-19 khiến nhiều xu hướng du lịch thay đổi. Các đơn vị cần tận dụng thời gian trống để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có, huấn luyện thêm các kỹ năng cho nhân viên để bắt kịp xu hướng chung của thế giới”, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu lưu ý.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/du-lich/983654/nguon-nhan-luc-nganh-du-lich-thay-doi-de-phat-trien