Nguồn nhân lực làm báo chí đối ngoại ở Việt Nam hiện nay

Những năm qua, các loại hình báo chí khác nhau đã góp phần đưa hình ảnh nước Việt Namđổi mới, hội nhập ra thế giới, giúp nhân dân thế giới và cộng đồng người Việt Nam ở nướcngoài hiểu thêm về Việt Nam.

Các cơ quan báo chí đối ngoại cần phải có những đổi mới nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của công chúng. Ảnh: TL

Trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan báo chí đối ngoại cần phải có những đổi mới nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của công chúng.

Yêu cầu đối với người làm báo đối ngoại

Nắm vững tình hình trong nước và quốc tế

Đây là yêu cầu chung đối với mọi nhà báo, song đối với phóng viên, biên tập viên đối ngoại lại càng cần thiết, bởi lẽ đối tượng của các sản phẩm báo chí đối ngoại là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài. Sự vững vàng về chính trị, đặc biệt là chính sách đối ngoại sẽ giúp khâu lựa chọn, thẩm định tin tức nhằm đối tượng hóa các nội dung thực hiện, có khả năng xử lý những tình huống phức tạp, tế nhị...

Hiểu biết sâu sắc về nội dung, đối tượng

Trong một thế giới ngổn ngang các sự kiện, cộng với nguồn tin dồn dập đến từ nhiều hướng khác nhau khiến việc lựa chọn thông tin trở nên khó khăn hơn, việc đưa tin đúng định hướng không phải là một vấn đề dễ dàng với người làm công tác báo chí đối ngoại.

Những phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo chí đối ngoại cần đáp ứng được những yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bởi nhóm công chúng mà họ hướng tới là những người có trình độ nhất định, mức độ tiếp cận thông tin phong phú, đa dạng, nhiều chiều. Chính vì vậy cần phải có kiến thức rộng, sâu trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.

Hiểu về đối tượng để lựa chọn nội dung và cách thức thông tin phù hợp hay nói cách khác là phải biết đối tượng hóa sâu sắc các nội dung thông tin, tuyên truyền trong từng tác phẩm. Đó cũng là hướng để tạo ra bản sắc của từng sản phẩm báo chí đối ngoại, khiến mỗi sản phẩm đều hướng tới được đúng nhóm công chúng mục tiêu của mình.

Có trình độ ngoại ngữ giỏi

Công chúng chủ yếu mà các sản phẩm báo chí đối ngoại hướng tới là nhân dân, chính phủ các quốc gia trên thế giới, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam. Đây là những người thường sử dụng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt. Điều này đòi hỏi những người làm công tác báo chí đối ngoại phải giỏi ngoại ngữ để hiểu đúng vấn đề và phải cẩn trọng trong từng câu chữ hay con số. Điều này càng trở nên cấp bách khi mà hiện nay các chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp, các giao lưu trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến.

Có nghiệp vụ báo chí tốt

Nếu như cuộc cạnh tranh giữa các phương tiện thông tin đại chúng ở trong nước gay gắt thì các sản phẩm báo chí đối ngoại lại càng bị đặt vào môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn, nhất là ở các nước phát triển, khi các nguồn thông tin đến với công chúng rất đa dạng và hấp dẫn. Chính vì vậy, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đối ngoại phải được đào tạo và thường xuyên rèn luyện các kỹ năng nghiệp vụ báo chí hiện đại để đáp ứng những yêu cầu thực tế.

Thực tế đã chứng minh, phẩm chất chính trị, năng lực nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ của đội ngũ làm báo là những yếu tố đóng vai trò rất quan trọng đến sự thành công của một sản phẩm báo chí đối ngoại.

Giải Báo chí toàn quốc về thông tin đối ngoại luôn là nguồn động viên cho những nhà báo chuyên viết về lĩnh vực đối ngoại. Ảnh: VGP

Một số đánh giá bước đầu

Theo khảo sát của tác giả thực hiện tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào tháng 12/2016 cho thấy, 46,3% số người làm công tác báo chí đối ngoại là những người tốt nghiệp ở các trường đại học về ngoại ngữ, chỉ có 21,7% số người được hỏi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học ở nước ngoài. Đây là những người có khả năng sử dụng thành thạo ít nhất 1 ngoại ngữ, đủ điều kiện đáp ứng những yêu cầu khắt khe về ngoại ngữ trong quá trình làm việc. Mặc dù trong số này có rất ít người được đào tạo đúng chuyên ngành, ít có nghiệp vụ nhưng đã được khắc phục bằng cách đào tạo và đào tạo lại.

Về nhân lực của các cơ quan báo chí đối ngoại hiện nay, ngoài các phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên trong nước còn có lực lượng phóng viên, báo chí thường trú hoặc tác nghiệp tại nước ngoài. Các cơ quan thường trú giúp tiếp cận nguồn thông tin nhanh hơn và khẳng định vị thế của truyền thông Việt Nam trên thế giới. Ngoài ra, việc đặt các văn phòng thường trú nước ngoài còn giúp cho công tác hợp tác, trao đổi với các đối tác được dễ dàng hơn. Không chỉ vậy, việc có người của cơ quan tại địa bàn nước ngoài cũng giúp các phóng viên trong nước dễ dàng hơn khi được cử ra nước ngoài tác nghiệp.

Chất lượng nguồn nhân lực, hay yếu tố con người có ý nghĩa quyết định với sự thành công hay thất bại của quy trình sản xuất các sản phẩm báo chí đối ngoại. Bởi lẽ trên thực tế, mọi bộ phận chuyên môn của tòa soạn đều có sự tham gia, tác động vào chất lượng các sản phẩm này. Khi chất lượng nhân lực được nâng cao, kiến thức chung và kiến thức nghiệp vụ sâu sắc, có sự định hướng phẩm chất chính trị đúng đắn, sắc sảo, có đạo đức nghề nghiệp... các sản phẩm được tạo nên sẽ có chất lượng cao tương xứng.

Nhà báo Duy Nghĩa hiện thường trú và tác nghiệp tại Nga. Ảnh: TL

Một số giải pháp

Trong giai đoạn hiện nay, những người làm báo đối ngoại không chỉ giỏi về ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ, nhanh nhạy tiếp cận với thông tin mới, công nghệ mới mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy bén và tỉnh táo trong xử lý thông tin và đưa thông tin.

Mọi thông tin trên báo chí phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân và phải tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và bảo vệ vững chắc thành tựu cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Hơn nữa, đối tượng công chúng của các sản phẩm báo chí đối ngoại là những nhóm công chúng đặc biệt, có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của quốc gia. Do đó, đội ngũ những người làm báo đối ngoại cần được đào tạo về trình độ chính trị, bồi dưỡng, bổ túc kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.

Về công tác tuyển chọn, căn cứ yêu cầu đối với đội ngũ làm báo chí đối ngoại và căn cứ vào thực trạng công tác tuyển dụng trong những năm qua, ngoài ưu tiên cho việc lấy những người có tố chất và yêu thích công việc báo chí đối ngoại, cần chấp nhận những khác biệt trong yêu cầu tuyển chọn đối với 2 khu vực biên tập và biên dịch nhưng phải dần đưa các tiêu chí tuyển chọn lại gần nhau hơn.

Bản tin đối ngoại ngày 25/2/2018 của Đài PT-TH Khánh Hòa

Các sản phẩm báo chí đối ngoại tốt chỉ có thể là sản phẩm lao động sáng tạo của những nhà báo có chất lượng tốt. Một trong những yêu cầu trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ phóng viên, biên tập viên là nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ báo chí và thông tin đối ngoại.

“Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, nhạy bén và linh hoạt trong xử lý các tình huống, nhất là các vấn đề nhạy cảm, phức tạp”(1) -

Chỉ thị 26-CT/TW của Ban Bí thư

Như vậy, giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, phóng viên - biên tập viên là giải pháp quan trọng, vừa có tính trước mắt, vừa có tính cơ bản, lâu dài.

Trong thời gian tới cần có kế hoạch “đi tắt đón đầu” trong việc đào tạo và xây dựng một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn lành nghề. Đào tạo lại cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng phương thức làm báo hiện đại bằng việc quy hoạch, xây dựng đào tạo, tổ chức bố trí lực lượng lao động một cách khoa học, đầu tư nhân tố con người, nâng cao tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Để làm được điều đó, trước hết phải chuẩn hóa chương trình đào tạo phóng viên, biên tập viên đối ngoại về kết cấu chương trình, đối tượng hóa, kỹ năng báo chí hiện đại. Hơn nữa, rất cần tận dụng các nguồn lực tại chỗ như kiến thức và kinh nghiệm của chuyên gia nước ngoài, các hiệu đính viên chương trình...

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, các cơ quan chức năng tăng cường các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề cho cán bộ chủ chốt của báo và lực lượng trực tiếp sản xuất sản phẩm những kiến thức lịch sử, các chủ trương, quan điểm của Nhà nước ta về các vấn đề đối nội, đối ngoại.

Với những hoạt động đặc thù như báo chí đối ngoại, có liên quan đến nước ngoài, việc xây dựng một lực lượng cộng tác viên có chất lượng sẽ giúp tăng thêm khả năng của bộ máy, tạo ra những tác phẩm báo chí chính xác và đa dạng hơn./.

ThS. Nguyễn Thị Thương Huyền

---

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2009), Chỉ thị số 26/CT-TW ngày 10/9/2009 của Ban Bí thư Về tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/nguon-nhan-luc-lam-bao-chi-doi-ngoai-o-viet-nam-hien-nay-n8623.html