Nguồn ngoại tệ vô giá từ EU bị 'chặn đứng', Nga tổn thương, châu Âu cũng không ngoại lệ?

EU đang trả cho Nga khoảng 1 tỷ Euro (tương đương 850 triệu Bảng Anh) mỗi ngày cho dầu và khí đốt, một nguồn ngoại tệ vô giá cho Điện Kremlin. Vậy khi lệnh cấm vận xuất khẩu dầu có hiệu lực, Moscow thiệt hại đến đâu?

Lệnh cấm vận của EU sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga. Hình ảnh nhà máy lọc dầu của nhà sản xuất dầu Nga Gazprom ở ngoại ô phía Đông Nam Moscow. (Nguồn: AFP)

Lệnh cấm vận của EU sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga. Hình ảnh nhà máy lọc dầu của nhà sản xuất dầu Nga Gazprom ở ngoại ô phía Đông Nam Moscow. (Nguồn: AFP)

Ngày 30/5, lãnh đạo khối Liên minh châu Âu (EU) nhất trí ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga đến bằng đường biển vào cuối năm nay. Thỏa thuận đạt được sau nhiều tuần tranh cãi giữa các nước thành viên EU.

Với quyết định này, toàn bộ dầu Nga nhập khẩu vào EU bằng đường biển sẽ bị cấm ngay lập tức, trong khi dầu vận chuyển qua hệ thống đường ống Druzhba được miễn trừ. 2/3 lượng dầu xuất khẩu của Nga tới EU được chở bằng tàu biển.

Khi Ba Lan và Đức thực hiện cam kết ngừng nhập dầu Nga qua đường ống Druzhba vào cuối năm nay, tỷ lệ dầu Moscow bị cấm nhập vào EU sẽ tăng lên 90%.

Nga vẫn ổn?

Lệnh cấm vận của EU sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga - nền tảng của nền kinh tế Moscow - nhưng lệnh cấm này có thể không gây nhiều thiệt hại cho đến khi các lệnh cấm vận thực sự có hiệu lực.

Trong ngắn hạn, Nga rất có thể sẽ không gặp vấn đề gì. Các nhà phân tích cho biết, người mua ở Ấn Độ và Trung Quốc - các nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đang mua dầu thô của Nga với giá hời và dầu sẽ tiếp tục “chảy” sang các quốc này.

Các quốc gia này đang chớp lấy cơ hội mua dầu thô với mức chiết khấu khoảng 30 USD/thùng so với dầu Brent. Ấn Độ đã mua hơn 700.000 thùng dầu/ngày từ Nga trong tháng 5/2022.

Một số nhà phân tích nhận thấy, lệnh cấm dầu vẫn có thể giúp Moscow trong ngắn hạn, vì Nga được lợi từ giá cao. Các cuộc thảo luận kéo dài của EU cũng đã cho Nga thời gian để tìm những người mua thay thế.

Kpler, một công ty theo dõi vận chuyển xăng dầu ước tính, tháng 5/2022, sản lượng dầu của Nga đã tăng khoảng 200.000 thùng/ngày, lên mức 10,2 triệu thùng/ngày so với tháng 4/2022. Tuy nhiên, con số này thấp hơn khoảng 800.000 thùng/ngày so với mức khai thác hồi tháng 2/2022.

Lượng dầu xuất khẩu của Nga sang EU bằng đường biển đã giảm khoảng 440.000 thùng/ngày trong khoảng thời gian từ tháng 2/2022 đến tháng 3/2022, nhưng sau đó duy trì tương đối ổn định ở mức khoảng 1,2 triệu thùng/ngày.

Italy là khách hàng lớn của Nga, nhập khẩu khoảng 400.000 thùng/ngày, dù gần 1/4 lượng dầu đó được chuyển đến Trung Âu thông qua cảng Trieste.

Kpler ước tính, trong tháng 5/2022, trung bình 600.000 thùng dầu mỗi ngày được chuyển theo đường ống từ Nga tới các nước như Hungary, Slovakia, Ba Lan và Đức.

Đầu tháng 5/2022, công ty dầu mỏ MOL của Hungary tiết lộ, nhờ giá dầu thô Urals của Nga giảm, lợi nhuận từ hoạt động lọc dầu của công ty đã tăng vọt.

Theo Kpler, lệnh cấm từ EU khi có hiệu lực sẽ khiến sản lượng dầu của Nga giảm 1 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 10% tổng lượng khai thác.

Các nhà phân tích nhận định, mức giảm này sẽ góp phần ảnh hưởng tới ngành năng lượng Nga trên diện rộng trong nhiều năm tới, khi các công ty dầu mỏ lớn rời khỏi đất nước và loạt lệnh trừng phạt khiến Nga không thể nhập khẩu công nghệ từ phương Tây.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, ngành sản xuất dầu Nga vẫn thể hiện khả năng chống chịu tốt. Xu hướng tăng sản lượng diễn ra do các nhà máy lọc dầu Nga đẩy mạnh sản xuất sau thời gian bảo trì định kỳ và các khách hàng không thuộc khối EU yên tâm về việc mua dầu của nước này.

Viktor Katona, nhà phân tích tại Kpler nhấn mạnh: "Nhiều khách hàng khác giờ đây đã quen với việc mua dầu Nga, bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây".

Ngành công nghiệp năng lượng Nga đã chuẩn bị tinh thần?

Tuy nhiên, theo ước tính của Bloomberg, về lâu dài, lệnh cấm vận sẽ khiến Nga thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm.

Geordie Wilkes, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Sucden Financial nhận định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, toàn bộ gói trừng phạt và động thái mới nhất của EU sẽ khiến Nga bị tổn thương. Mức độ ‘đau đớn’ sẽ phụ thuộc vào khả năng của Moscow trong việc tìm kiếm những khách hàng mua dầu khác”.

Theo ông Wilkes, lệnh cấm vận của EU có thể khiến giá dầu vốn đã cao có thể còn cao hơn nữa.

Sau thông báo về lệnh cấm vận dầu của EU, giá một thùng dầu thô Brent đã chạm mức 124,10 USD (98,59 bảng Anh), mức cao nhất kể từ tháng 3/2022, mặc dù nó đã giảm nhẹ trở lại trong phiên giao dịch sau đó.

Giá dầu đã tăng hơn 55% trong năm nay và ở mức cao nhất kể từ năm 2008.

Bên cạnh đó, lệnh cấm này sẽ gây thêm căng thẳng cho kho dự trữ năng lượng đang ở mức thấp. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điều hòa của người tiêu dùng đang tăng lên trong mùa Hè.

Theo bình luận viên kỳ cựu Stanley Reed của New York Times, ngành công nghiệp năng lượng của Nga đã sẵn sàng cho một cuộc "suy thoái trên diện rộng" khi các lệnh cấm vận bắt đầu, các công ty dầu mỏ lớn rời khỏi đất nước và các lệnh trừng phạt hạn chế nhập khẩu công nghệ từ phương Tây .

Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hóa chính tại Capital Economics cũng cho rằng, dù Moscow sẽ nhanh chóng tìm được những khách hàng "gật đầu" mua dầu thay thế EU, nhưng đó sẽ là một quá trình không ổn định. Nga đang mất EU - khách hàng mua dầu hiệu quả nhất.

EU cũng thiệt hại

EU đang trả cho Nga khoảng 1 tỷ Euro (tương đương 850 triệu Bảng Anh) mỗi ngày cho dầu và khí đốt, một nguồn ngoại tệ vô giá cho Điện Kremlin.

Việc cắt giảm mạnh các dòng tài chính đó sẽ làm sâu sắc thêm các vấn đề kinh tế của Nga trong dài hạn. Tuy nhiên, tác động sẽ ra sao đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp ở châu Âu?

Theo The Guardian, các nhà sản xuất ô tô và doanh nghiệp châu Âu sẽ phải mua xăng với giá cao hơn, do các lệnh cấm vận khiến giá dầu tăng cao. Bên cạnh đó, chính phủ các nước cũng phải đối mặt với khó khăn trong quản lý chi phí sinh hoạt, vốn đang tăng vọt.

Trước khi EU đồng ý về lệnh cấm vận dầu mỏ, một số quốc gia khối này đã xem xét thêm các biện pháp trừng phạt đối với mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga - khí đốt.

Trước chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã cung cấp 40% lượng khí đốt cho EU và các nhà lãnh đạo EU có ý định sẽ loại bỏ dần khí đốt của Moscow.

Tuy nhiên, Ba Lan và các nước Baltic cho rằng, bước đi này khó có thể thực hiện trong "ngày một, ngày hai", thậm chí sẽ còn khó hơn các cuộc đàm phán về lệnh cấm vận dầu mỏ.

(theo New York Times, The Guardian)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nguon-ngoai-te-vo-gia-tu-eu-bi-chan-dung-nga-ton-thuong-chau-au-cung-khong-ngoai-le-185673.html