Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển 'Thành phố sáng tạo' của Thủ đô Hà Nội

Sáng 28-9 đã diễn ra hội thảo Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển 'Thành phố sáng tạo' của Thủ đô Hà Nội. Đây là diễn đàn để góp phần làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, từng bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược phát triển 'Thành phố sáng tạo' của Thủ đô Hà Nội. Sự kiện do thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức.

Ngày 30-10-2019, Hà Nội vinh dự được công nhận là Thành phố sáng tạo của UNESCO. Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh, với tôn chỉ hướng tới thúc đẩy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Với việc tham gia vào Mạng lưới thành phố sáng tạo, Hà Nội có cơ hội làm nổi bật đặc trưng văn hóa của Thủ đô đối với thế giới. Đồng thời, xây dựng chiến lược văn hóa toàn diện, tổng thể, đổi mới tư duy về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, vừa giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, vừa tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, nhằm phát huy hiệu quả nhất nguồn lực văn hóa, xây dựng và phát triển Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý đóng góp, chia sẻ những ý kiến tâm huyết, đổi mới, đề xuất các chính sách, giải pháp dưới góc nhìn khoa học, thực tiễn liên quan đến vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nguồn lực văn hóa, chiến lược phát triển thành phố sáng tạo và nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo" của Thủ đô Hà Nội.

Hội thảo cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận sâu sắc, đầy đủ hơn nữa, đồng thời đánh giá, làm rõ vai trò trung tâm của Thủ đô là hạt nhân, tiên phong, đầu tàu dẫn dắt trên nhiều lĩnh vực, nhất là trung tâm văn hóa tiêu biểu của quốc gia - dân tộc. Đồng thời, truyền thông rộng rãi về việc Hà Nội tích cực đẩy mạnh phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn lực văn hóa và thương hiệu sáng tạo trong chiến lược phát triển Thủ đô.

Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử văn hóa ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, thành phố vì hòa bình, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người; được tổ chức UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.

Một ưu thế tuyệt đối, riêng có của Hà Nội là lịch sử hơn 1000 năm hình thành và phát triển. Vùng đất kinh đô Thăng Long - Hà Nội đã được tạo dựng, đắp bồi, giữ gìn, tôn tạo, dựng xây bởi di sản văn hóa do S9 văn hóa mọi vùng miền để chắt lọc nên giá trị Thăng Long - Hà Nội, được kết tinh trong chiều sâu cốt cách con người Hà Nội, mang nét đặc trưng riêng của văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội là nguồn lực nội sinh giàu năng lượng, ngày càng hội tụ, lan tỏa rộng khắp để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, với Hà Nội không chỉ là trung tâm quyền lực chính trị mà còn có bệ đỡ của sức mạnh “mềm” chính là trung tâm văn hóa.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội luôn coi trọng và xác định phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội. Mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế Thủ đô phải dựa trên nền tảng văn hóa, tìm nguồn lực và phát huy động lực từ văn hóa, nhất là trong điều kiện kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, thành phố vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô. Đồng thời, xây dựng hình ảnh đẹp, ấn tượng trong mắt bạn bè quốc tế về Thủ đô tươi đẹp, hòa bình, hữu nghị và người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiếu khách, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô và đất nước trên trường quốc tế.

Tại hội thảo, với kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu trong những năm qua, các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ đóng góp cho thành phố những ý kiến quý báu, sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để Hà Nội xây dựng các chủ trương, chính sách về phát triển văn hóa trong thời gian tới.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguon-luc-van-hoa-trong-chien-luoc-phat-trien-thanh-pho-sang-tao-cua-thu-do-ha-noi-211554.html