Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 không phải ai cũng biết

Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 có ý nghĩa ban đầu nhằm nhắc nhở nhân dân toàn thế giới nhớ đến vụ thảm sát Lidice và Oradour của phát xít Đức.

Theo nhiều tài liệu ghi lại, rạng sáng 1/6/1942, phát xít Đức bao vây làng Lidice (Tiệp Khắc cũ - nay là Cộng hòa Séc), chúng bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng tàn sát dã man 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít.

Ngôi làng trơ trọi không còn một bóng người. Hai năm sau, ngày 10/6/1944, phát xít Đức lại bao vây thị trấn Oradour (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em rồi phóng hỏa.

Sau khi phát xít Đức bị đánh bại, Nhà nước Tiệp Khắc xây dựng lại làng Lidice và Đài tưởng niệm những nạn nhân đã mất.

Tháng 12/1949, Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ thế giới nhất trí chọn ngày 1/6 hàng năm làm ngày Quốc tế Thiếu nhi, nhằm nhắc nhở nhân dân toàn thế giới nhớ đến vụ thảm sát Lidice và Oradour của phát xít, chung tay hành động để bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Họ kêu gọi Chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng.

Ở Việt Nam, từ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 1/6 được tổ chức hàng năm và trở thành ngày hội chăm sóc và bồi dưỡng thế hệ măng non cho Tổ Quốc. Nhà nước ta cũng ban hành Pháp lệnh về chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng coi trách nhiệm vẻ vang ấy là của toàn dân.

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em - Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.

Từ 15/5 đến 30/6 được coi là Tháng Hành động vì trẻ em Việt Nam.

Hạ Vũ (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/gioi-tre/nguon-goc-va-y-nghia-ngay-quoc-te-thieu-nhi-16-khong-phai-ai-cung-biet-ar549294.html