Nguồn gốc món quà Hà Nội dành tặng các phóng viên quốc tế

Trong số các món quà được Hà Nội cẩn trọng lựa chọn để tặng các phóng viên quốc tế tác nghiệp tại Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 có một món quà đặc biệt: Mô hình trống đồng Việt Nam được chế tác bằng gốm Chu Đậu.

Trên mỗi sản phẩm đều có dòng chữ: "Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tặng". Ảnh: VH.

Với hình dáng cân đối, hài hòa cùng những hoa văn giàu ý nghĩa, đạt trình độ mỹ thuật cao, trống đồng Gốm Chu Đậu không chỉ là lời giới thiệu sống động về lịch sử dân tộc mà còn gửi gắm lời chúc tốt đẹp nhất tới các phóng viên quốc tế.

Quà tặng trống đồng gốm Chu Đậu sử dụng nhiều họa tiết hoa văn trên phiên bản trống đồng Đông Sơn (700 TCN-100) của người Việt cổ.

Đây là sản phẩm độc quyền của Hà Nội gắn liền với sự kiện Hà Nội đăng cai giải đua ô tô Công thức 1 và mong muốn khi giải đua diễn ra năm 2020, các phóng viên quốc tế sẽ quay lại Hà Nội tham gia sự kiện này. Ảnh: VH.

Vậy gốm Chu Đậu có lai lịch thế nào?

Câu chuyện bắt đầu từ lá thư của ông Makoto Anabuki - Bí thư Văn hóa Đại sứ quán Nhật Bản gửi cho ông Ngô Duy Đông - Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (cũ) nhờ tìm xuất xứ một chiếc bình gốm.

Trong thư, ông Makoto có nói, năm 1980, khi công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông được chiêm ngưỡng một bình gốm được coi là quốc bảo tại Bảo tàng Topkapi Saray Istanbul. Chiếc bình được mua bảo hiểm 1 triệu USD. Trên lớp tráng xanh da trời và trắng của bình gốm tinh xảo đó có khắc 13 chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (Dịch là: Năm Thái Hòa thứ 8 (1450), tại châu Nam Sách, nghệ nhân Bùi Thị Hý viết/vẽ/tạo).

Sản phẩm độc đáo này ra mắt từ khi Hà Nội công bố chính thức đăng cai giải đua ô tô F1 vào tháng 11/2018. Ảnh: VH.

Ngày 18/4/2007, hậu duệ họ Bùi đã tìm được con nghê bằng đất nung tại khu là gốm cổ, nơi mà gia phả đã nói tới. Những con nghê như vậy đã từng được thấy nhiều trong hố khai quật đồ gốm Chu Đậu Nam Sách và những lò cùng thời ở hữu ngạn sông Kẻ Sặt (Bình Giang).

Những hiện vật có chữ, ghi những thông tin quan trọng về bà Bùi Thị Hý thì đây là lần đầu tiên. Đó là 2 dòng chữ Hán, viết trên một mặt phẳng phía đuôi con nghê trước khi nung: Quang Thuận nhất niên, Quang Ánh trang, Bùi Thị Hý tạo, có nghĩa là tác phẩm cho Bùi Thị Hý tạo, tại trang Quang Ánh, vào năm Quang Thuận thứ nhất (1460). Chỉ có 11 chữ mà cho ta thấy đầy đủ những thông tin quan trọng của một cổ vật: Tác giả, địa điểm và thời gian sản xuất. Di vật này có giá trị khẳng định tác giả bình gốm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta biết rằng, đồ gốm có niên đại, tác giả, địa điểm sản xuất ở thế kỷ XV là vô cùng hiếm, mà tác giả là một phụ nữ lại càng hiếm.

Phần thân được trang trí hình người cổ: Người có thể đang mặc váy dài, có hai vạt tỏa ra hai phía, vừa đi vừa múa, có người tay cầm rìu, người thổi kèn, người cầm giáo có trang trí lông chim, có đôi trai gái đang cầm chày giã vào một chiếc cối, đầu chày có trang trí lông chim... Hoa văn thể hiện cho sự đa dạng về văn hóa con người Việt xưa. Ảnh: VH.

Ông Tăng Bá Hoành đang phụ trách Ban Thông sử của UBND tỉnh Hải Hưng đã được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ đi tìm xuất xứ. Khi đó làng Chu Đậu (Thái Tân, Nam Sách, Hải Dương) chỉ được biết đến với nghề dệt chiếu cói nên công việc tìm kiếm gặp muôn vàn khó khăn. Từ việc gạn lọc thông tin để xác định Bùi Thị Hý là ai, hàng chục năm tìm hiểu, nhiều cuộc khai quật xác định Chu Đậu là gốm cổ… nhờ sự tình cờ tìm được hậu duệ của dòng họ Bùi với cuốn gia phả, ông Tăng mới xác định được danh phận chính xác của bà Bùi Thị Hý.

Theo đó bà Bùi Thị Hý (1420 - 1499) là cháu ngoại của cụ Bùi Quốc Hưng, một công thần đời Lê. Bà Hý có biệt tài viết chữ và vẽ đồ gốm rất đẹp, từng giả nam đi thi đại khoa đến tam trường thì bị phát hiện. Về sau, bà lấy đại chủ Đặng Sỹ, là chủ lò gốm Chu Trang (tức là gốm Chu Đậu bây giờ).

Liên tiếp từ năm 1986 đến 1991, nhiều cuộc khai quật đã được tổ chức, từ đây phát lộ ra ngôi làng nhỏ ở xã Thái Tân chính là trung tâm chế tác của 13 lò gốm khác nhau ở ven bờ sông Thái Bình.

Năm 2014, một cuộc khai quật lớn được thực hiện ở Chu Đậu. Tại hai hố đào rộng 100m2, đoàn khai quật thu được gần 7.800 hiện vật. Lần này, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu tích lò nung gốm Chu Đậu chuyên sản xuất gốm gia dụng với ba dòng chính là gốm men ngọc, hoa lam và men trắng.

Đặc biệt, việc phát hiện những sản phẩm gốm men ngọc được nung riêng trong một bao nung vừa chứng minh trình độ sản xuất rất cao của gốm Chu Đậu, vừa phản ánh việc đầu tư sản xuất trên quy mô lớn để cung cấp cho thị trường các mặt hàng cao cấp.

Sản phẩm đã được đăng ký bản quyền về sở hữu trí tuệ. Ảnh: VH.

Có một điều thú vị là tại cuộc khai quật năm 2014, các nhà khảo cổ đã thu được hai sản phẩm gốm của lò quan Thăng Long tại một hố. Phát hiện này có giá trị chứng minh thợ gốm ở Chu Đậu đã có mối quan hệ với thợ gốm ở Thăng Long hoặc quà tặng từ Thăng Long đưa về Chu Đậu.

Lò này phát lộ rất nhiều sản phẩm gốm men ngọc, cũng được khẳng định cùng loại gốm từng được sử dụng trong hoàng cung ở Thăng Long đương thời.

Tất nhiên, câu chuyện còn rất dài, nhưng những phác thảo sơ bộ về lịch sử của loại gốm này đã cho thấy Hà Nội đã rất tinh tế khi chọn gốm Chu Đậu làm quà tặng cho các phóng viên quốc tế khi đến tác nghiệp tại sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Hòa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2.

Trống đồng gốm Chu Đậu chắc chắn không chỉ là một món quà lưu niệm mà sẽ trở thành đại sứ văn hóa của Việt Nam ra khắp năm châu như lịch sử chói lọi của dòng gốm này trong quá khứ.

Tử Hưng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguon-goc-mon-qua-ha-noi-danh-tang-cac-phong-vien-quoc-te-post57393.html