Nguồn gốc, lịch sử hình thành và ý nghĩa của lễ Giáng sinh (Noel)

Chữ Giáng sinh có nguồn gốc từ tiếng La tinh – chữ Natalis – nghĩa là 'ngày sinh ra đời'.

1. Lễ Giáng sinh là gì? Vào ngày nào?

Lễ Giáng sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel hay Christmas là một ngày lễ kỷ niệm Chúa Jesus sinh ra đời, theo phần lớn các tín hữu Kitô giáo.

Họ tin là Chúa Jesus được sinh tại Bethlehem thuộc xứ Judea nước Do Thái (ngày nay là 1 thành phố của Palestine), lúc bấy giờ thuộc Đế quốc La Mã, khoảng giữa năm 7 TCN và năm 2.

Ngày lễ được cử hành chính thức vào ngày 25 tháng 12 nhưng thường được mừng từ tối ngày 24 tháng 12 bởi theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm.

Lễ chính thức ngày 25 tháng 12 được gọi là 'lễ chính ngày', còn lễ đêm 24 tháng 12 gọi là 'lễ vọng' và thường thu hút nhiều người tham dự hơn.

Nhiều giáo hội Chính Thống giáo Đông phương như ở Nga, Gruzia vẫn sử dụng lịch Julius để định ngày này, cho nên lễ Giáng sinh của họ ứng với ngày 7 tháng 1 theo lịch Gregory (còn gọi là tây lịch hay Công lịch).

Theo lịch phụng vụ Công giáo, trước lễ Giáng sinh là 4 tuần Mùa Vọng, và sau lễ Giáng sinh là Mùa Giáng sinh (12 ngày mùa Giáng sinh).

Lễ Giáng sinh là của những người theo đạo Kitô giáo, nhằm kỷ niệm ngày sinh ra của người lãnh đạo tôn giáo mình, người mà họ cho là Thiên Chúa xuống thế làm người.

Tuy nhiên, dần dần, theo thời gian và qua các lễ hội của phương Tây, người ta tổ chức lễ Giáng sinh ngày càng linh đình.

Kết quả là bây giờ, lễ Giáng sinh được xem là một ngày lễ quốc tế, với ông già Noel, cây thông Noel và những món quà dịp Giáng sinh.

2. Nguồn gốc lễ Giáng sinh

Tại thành phố Roma – Ý đã có một buổi lễ được tổ chức vào ngày 25 tháng 12 từ một thế kỷ trước kỷ nguyên Thiên Chúa.

Người dân La Mã làm lễ tôn thờ Mirthra, gốc Ba Tư, được mang vào Roma bởi những người lê dương La Mã.

Mirthra là vị thần ánh sáng của người Ba Tư. Lễ vào ngày 25 tháng 12 là ngày điểm chí của mùa đông, sự ra đời của Mirthra tượng trưng cho sự bất bại của mặt trời (Dies natalis solis invicti). Trong buổi lễ người ta cúng thần bằng một con bò rừng nhỏ.

Năm 274, hoàng đế La Mã Aurélien tuyên bố việc tôn thờ thần Mirthra là quốc giáo và lấy ngày 25 tháng 12 để cử hành lễ.

Lễ Giáng sinh chưa xuất hiện vào thời kỳ đầu của đạo Thiên Chúa. Chỉ từ vào thế kỷ thứ II sau nhiều lần tìm tòi để có thể lấy một ngày nào đó trong năm làm ngày ra đời của Chúa Jesus vì không tìm thấy một dấu vết nào đề cập đến việc này trong các sách Phúc Âm. Nhiều ngày, tháng đã được đề nghị như ngày 6 tháng Giêng, ngày 25 tháng 3, ngày 10 tháng Tư… nhưng vẫn không dẫn đến một quyết định dứt khoát nào.

Tại La Mã, Giáo hội Thiên Chúa đã chọn ngày 25 tháng 12 làm ngày sinh của Chúa Jesus chắc chắn không hẳn không có hậu ý đối với buổi lễ cổ truyền tại đây: lễ kỷ niệm ngày sinh của thần 'tà giáo' Mirthra. Vào những năm 330 hay 354, hoàng đế La Mã Constantin quyết định lấy ngày Giáng sinh là ngày 25 tháng 12.

Năm 354, Giáo hoàng Libère ấn định cử hành lễ vào ngày 25 tháng 12. Ngày này đã có một giá trị tượng trưng vì theo Malachie 3/19 và Luc 1/78 người ta xem như sự hiện diện của Chúa Cứu Thế như một sự mở màn cho 'mặt trời của công lý'. Như thế buổi lễ Giáng sinh cũng là ngày sinh của Jesus mặt trời công lý.

Lễ Giáng sinh là ngày sinh của chúa Jesus

Buổi lễ vào ngày 25 tháng 12 dần dần phát triển về phương Đông và vùng Gaule (Pháp ngày xưa): vào năm 379 tại Constantinople, đầu thế kỷ thứ V tại đất Gaule, trong thế kỷ thứ V tại Jérusalem và vào cuối thế kỷ thứ V tại Ai Cập.

Các giáo hội Đông Phương vào thế kỷ thứ IV cũng cử hành lễ dười nhiều hình thức khác nhau vào ngày 6 tháng Giêng để biểu dương cho Thượng đế.

3. Lịch sử lễ Giáng sinh đến cuối thời Trung Đại

Hoàng đế La Mã Théodore vào năm 425 đã nguyên tắc hóa những nghi lễ cho lễ Giáng sinh. Buổi lễ vào ngày 25 tháng 12 đã trở nên đặc biệt dành cho những người theo Thiên Chúa Giáo. Clovis được rửa tội vào đêm lễ Giáng sinh năm 496.

Năm 506, hội nghị Giám mục Agle đã ấn định ngày lệ này như một nghĩa vụ phải có. Năm 529, hoàng đế La Mã Justinien đã ban hàng chỉ thị là ngày nghỉ được trả lương.

Buổi lễ nhà thờ vào nửa đêm được cử hành từ thế kỷ thứ V dưới triều đại của Giáo Hoàng Grégoire Le Grand.

Vào thế kỷ thứ VII, một tục lệ đã được ấn định tại La Mã để cử hành 3 buổi lễ: lễ trọng vào chiều ngày 24 tháng 12, lễ vào buổi sáng và ngày 25 tháng 12 tại các nhà thờ.

Ngày lễ Giáng sinh được lan tràn khắp Âu châu: Thế kỷ thứ V tại Ailenn thế kỷ thứ VII tại Anh quốc, thứ VIII tại Đức, thử IX tại các quốc gia vùng Bắc Âu , thứ IX và X tại các quốc gia vùng Xla-vơ.

Kể từ thế kỷ thứ XII, nghi thức tôn giáo được cho kèm thêm những 'thảm kịch' lễ bái, những 'bí mật' được dàn dựng cảnh tôn thờ của những mục đồng hoặc đám rước những vị đạo sĩ ba tư (mage). Những 'thảm kịch lễ bái' này được trình diễn đầu tiên trong ngay nhà thờ rồi sau đó được đem ra sân trước nhà thờ.

4. Lễ Giáng sinh từ thời Phục Hưng

Những máng cỏ xuất hiện trong nhà thờ tại Ý đại lợi từ thế kỷ thứ XV và cây Giáng sinh tại Đức vào thế kỷ thứ XVI. Sau đó được lan đến các gia cư vùng Na-pô-li rồi các vùng miền Nam nước Pháp từ thế kỷ thứ XVII.

Trong thời kỳ phục hưng vào năm 1560, những người Tin Lành chống đối với sự hiện diện của máng cỏ và họ ưa chuộng phong tục cây Giáng sinh hơn. Cùng với sự đối kháng trong giai đoạn Phục Hưng vào thế kỷ thứ XVII, những trình diễn 'thảm kịch lễ bái' đã bị cấm chỉ vì trở thành quá 'phàm tục' một cách quá đáng.

Ngày nay, lễ Giáng sinh đã trở thành một buổi lễ dành cho trẻ em và gia đình.

5. Ý nghĩa lễ Giáng sinh

Ngoài ý nghĩa theo đạo Thiên Chúa, lễ Giáng sinh là một ngày lễ gia đình, một ngày đặc quyền để tụ tập quây quần mọi người, mọi thế hệ trong gia đình.

Lễ này dưới mọi hình thức được biểu lộ, tạo những kỷ niệm chung và duy trì tình cảm giữa mọi người trong gia đình. Mỗi người tìm được, bằng cách thức riêng của mình, để tạo dựng mối liên hệ: chia sẻ với nhau một bữa ăn chung, một đêm không ngủ, nghe thuật lại một câu chuyện, quây quần bên cạnh cây thông Giáng sinh…

Cũng như ngày Tết của Việt Nam, đối với người Mỹ thì lễ Giáng sinh là dịp cả gia đình quây quần bên nhau

Với địa vị ngày càng lớn lao của trẻ con trong gia đình, ngày lễ Giáng sinh trở thành một buổi lễ của trẻ em: một đêm thần diệu mà hầu như tất cả mọi ước nguyện trẻ con được thành sự thật trong sự sung sướng của những người lớn.

Ngày lễ Giáng sinh cũng là một thông điệp của hòa bình: 'Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người Chúa thương.' đây là câu được hát bởi những Thiên Thần báo tin sự xuất hiện của Vị Cứu Thế và lễ Giáng sinh cũng là ngày người ta chia sẻ với những ai bị bỏ rơi, bị cô đơn, bệnh hoạn, già yếu…

Lễ Giáng sinh ở Việt Nam

Ngày nay, ở Việt Nam, dù không phải là ngày nghỉ chính thức nhưng Giáng sinh dần dần được coi như một ngày lễ chung, thường được tổ chức vào tối 24 và kéo sang ngày 25 tháng 12. Một số công ty, tổ chức tư nhân có thể cho nhân viên nghỉ trong ngày Giáng sinh.

Trong những ngày này, cây thông Noel được trang trí ở nhiều nơi, có thể là cây nhân tạo làm bằng nhựa, hoặc cây thật thường là thông ba lá hoặc thông đuôi ngựa, trong khi ở các nước phương tây dùng đa dạng các loài thông, vân sam, lãnh sam.

Trên cây, người ta thường treo các đồ trang trí nhiều loại nhưng thường có những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng, các gói quà tượng trưng và đèn trang trí giống như các nước phương Tây.

Lễ Giáng sinh ở Việt Nam là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhộn nhịp. Trong đêm Giáng Sinh, những đôi tình nhân âu yếm tặng quà cho nhau, trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của ông già Noel, gia đình bè bạn rủ nhau hội hè, yến tiệc, hát karaoke,... và đặc biệt là những người Công giáo thì chuẩn bị tham dự thánh lễ tại thánh đường giáo xứ hoặc giáo họ của mình.

Người Việt Nam rất thích các ca khúc Giáng sinh.

Bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn Học viện khám phá, Wikipedia,...

Hoàng Nguyên tổng hợp

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/nguon-goc-lich-su-hinh-thanh-va-y-nghia-cua-le-giang-sinh-noel-d2474.html