Nguồn gốc lễ hội hóa trang Halloween khiến giới trẻ háo hức cuối tháng 10

Lễ hội hóa trang Halloween được tổ chức vào đêm ngày 31/10 hàng năm. Halloween 2020 rơi vào ngày Thứ Bảy nên hứa hẹn giới trẻ Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động sôi động hơn.

Nguồn gốc của Halloween

Theo các nhà nghiên cứu, từ "Halloween" bắt nguồn từ nhà thờ Thiên chúa giáo, là dấu vết còn lại của lễ hội All Hallow's Eve (lễ thánh).

Ngày 1/11 là ngày lễ của người Thiên chúa giáo bày tỏ lòng thành trước thánh thần, nhưng vào thế kỷ thứ 5 Trước Công nguyên, ở xứ Celtic (Ireland) mùa màng kết thúc vào ngày 31/10 và ngày hội Halloween được gọi là ngày lễ Samhain (gieo trồng). Ngày này cũng chính là ngày bắt đầu một năm mới của người Celtic.

Người Celtic tổ chức kỷ niệm năm mới với lễ hội Samhain. Vào thời gian này vị thần của mùa xuân và mùa hè không còn ngự trị và nhường chỗ cho thần Chết. Lễ hội bắt đầu vào ngày 1/11, khi linh hồn của người chết quay trở lại nhà người thân để xin thức ăn và nước uống. Trong suốt thời gian đêm 31/10, các xác chết đi lại tự do.

Theo truyền thuyết, vào ngày lễ Samhain linh hồn của người chết trong năm trước sẽ tìm đến một thể xác khác để bắt đầu cuộc sống mới trong năm tiếp theo. Tuy nhiên, người sống không muốn linh hồn người chết nhập vào mình nên dập tắt lửa trong nhà để làm cho nhà cửa lạnh lẽo và tẻ ngắt. Sau đó họ hóa trang thành ma cà rồng và lặng lẽ đi vòng quanh nhà hàng xóm với vẻ hăm dọa để xua đuổi những hồn ma tìm thể xác.

Theo giải thích khác thì vào đêm Samhain, người Celtic dập tắt lửa không phải để xua đuổi những linh hồn mà để sau đó họ cùng nhau đi lấy lửa tại nguồn sáng gọi là Druidic, liên tục cháy ở Usinach thuộc miền trung Ireland.

Biểu tượng bí ngô của Halloween

Biểu tượng bí ngô của Halloween

Về sau này, người La Mã đã biến những tục lệ trên của người Celtic thành tục lệ của mình. Vào thế kỷ thứ nhất Trước Công nguyên, họ bỏ tục lệ hiến người sống và thay vào đó là hiến hình nộm. Theo thời gian, do người ta không còn tin vào linh hồn nữa nên tục lệ hóa trang thành ma quỷ hay phù thủy chỉ còn là hình thức.

Cùng với phong trào di cư của người Ireland sang Mỹ những năm 1840, lễ hội Halloween được du nhập vào Mỹ.

Ngoài ra, ngày hội còn được cho là bắt nguồn từ một phong tục gọi là tục "cầu hồn" của người Châu Âu ở thế kỷ thứ 9.

Ngày 2/11 hàng năm, người Thiên chúa giáo đi từ làng này sang làng khác xin "bánh cầu hồn". Đây là những chiếc bánh hình vuông làm từ bánh mỳ và nho Hy Lạp. Người đi xin nhận được càng nhiều bánh thì càng cầu được cho nhiều linh hồn người thân của gia chủ siêu thoát.

Ở Anh trước đây, đêm Halloween từng được gọi là Nutcrack Night hay Snap Apple Night tức là một đêm dành cho gia đình ngồi bên đống lửa hồng để nghe kể chuyện, ăn trái cây. Những người nghèo đi ăn xin thường được cho một thứ bánh gọi là "bánh linh hồn" với điều kiện họ phải cầu nguyện cho người chết.

Như vậy có thể thấy lịch sử ngày lễ Halloween có sự giao lưu và tiếp biến văn hóa lâu dài trên lãnh thổ nhiều quốc gia. Hiện nay, Halloween cũng đã du nhập và có nhiều điểm thay đổi để phù hợp với văn hóa Việt Nam, nó cũng không còn là ngày lễ mang nhiều tính chất tôn giáo hay lễ hội mừng năm mới của người Celtic xa xưa... Nhiều hội nhóm của giới trẻ, thậm chí một số trường học đã tổ chức Halloween với tính chất như một ngày hội hóa trang để tạo thêm niềm vui cho tất cả mọi người.

Một hình ảnh phổ biến về Halloween

Bí ngô

Biểu tượng của ngày lễ Halloween là những trái bí ngô được khoét theo những khuôn mặt tưởng tượng.

Khi di chuyển từ Ireland và Anh quốc tới Hoa Kỳ, cư dân thấy rằng những quả bí ngô, loại nông sản đặc trưng của vùng đất này có thể dễ dàng để họ khoét ruột, khắc họa những khuôn mặt đáng sợ, láu cá. Sau đó, họ để những cây nến vào trong ruột quả bí để soi sáng, dẫn đường cho những linh hồn ma quỷ vất vưởng.

Quả bí ngô còn gắn liền với câu chuyện về anh chàng hà tiện Jack-O’Lantern trong sự tích của người dân Ireland. Từ đó bí ngô gắn liền với hình ảnh biểu tượng của mùa lễ hội Halloween. Cứ vào thời điểm này, người dân sẽ treo đèn lồng bí ngô trước cửa nhà với hy vọng ma quỷ, linh hồn không quấy rầy họ.

Halloween phổ biến ở nhiều nước với tính chất ngày hội hóa trang.

Phù thủy, mèo đen, chim cú mèo

Vào thời xa xưa, nếu người nào đó trót hóa trang thành phù thủy trong lễ hội Halloween thì phải nhất định dẫn theo một con mèo đen. Bởi lẽ, nhiều người tin rằng, mèo đen chính là đầy tớ thân cận với phù thủy.

Bên cạnh mèo đen, loài cú là hình ảnh phổ biến trong Halloween. Vào thời Trung Cổ ở châu Âu, cú được loài vật thân thiết với ma quỷ, phù thủy. Mỗi khi cú kêu thì đó là điềm báo ai đó sắp chết.

Ngọc Khánh (t/h)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/nong-tren-mang/halloween-2020-ngay-nao-nguon-goc-le-hoi-hoa-trang-ma-quy-267666.html