Nguồn gốc kế hoạch 40 năm ngừng phát thải khí CO2 của Trung Quốc

Trong bài phát biểu vào tháng 9 tại Liên hợp quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu năm 2060 là thời hạn để Trung Quốc ngưng xả khí thải gây tình trạng ấm lên toàn cầu.

Khói từ một nhà máy thép tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Khói từ một nhà máy thép tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Vài ngày trước đó, các lãnh đạo châu Âu bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một cuộc họp trực tuyến đã trực tiếp đề nghị Chủ tịch Tập Cận Bình đi theo hình mẫu của EU về mục tiêu trung hòa carbon.

Tờ Bloomberg (Mỹ) cho biết động lực bí mật cho mục tiêu trung hòa carbon 2060 của Trung Quốc được manh nha từ Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh). Các nhà khoa học tại đây đã dành hơn 3 năm thử nghiệm các hình mẫu khác nhau để đạt được mức cân bằng. Cựu quan chức môi trường kiêm nhà cựu ngoại giao Xie Zhenhua giám sát công việc nghiên cứu. Ông Xie Zhenhua hiện là lãnh đạo Viện Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững tại Đại học Thanh Hoa.

Vào cuối tháng 10, ông Xie Zhenhua nói: “Chúng tôi đề xuất chính sách tới các lãnh đạo và bộ ban ngành. Dường như những đề xuất của chúng tôi đã có tác động”.

Ông Xie đã hoàn thành đề xuất trung hòa carbon 2060 dựa trên nghiên cứu của Viện Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững cùng hàng chục cơ quan nghiên cứu khác của chính phủ. Phó Thủ tướng Hàn Chính đã đệ trình đề xuất này lên Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nhiều ngày sau phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Liên hợp quốc, các nhà khoa học tại Đại học Thanh Hoa đã sẵn sàng cho lộ trình đến 2060. Kế hoạch gợi ý giảm dần chuyển giao năng lượng trong thập niên tới, tiếp đó là tăng gấp 7 lần năng lượng Mặt Trời và gấp 5 lần năng lượng hạt nhân.

Một vấn đề chính là ngành than đá của Trung Quốc, nước này đã đốt tới một nửa số than đó trong nguồn cung của thế giới. Ngành than đá cũng hỗ trợ hàng chục triệu việc làm cho thị trường lao động.
Ông Xie nhận định rằng thời điểm này sẽ khác biệt: “Công nghệ than đá khí thải thấp có thể giải quyết vấn đề về ô nhiễm không khí hoặc thiếu năng lượng nhưng không thể xử lý được khí thải CO2”. Ông Xie cho rằng mọi người sẽ thấy được rủi ro về đầu tư vào ngành than đá.

Ông Xie cũng nhấn mạnh: “Thiệt hại do biến đổi khí hậu không nằm ở tương lai mà ngay tại đây, ở thời điểm này”. Năm 2020, Trung Quốc ghi nhận các trận lụt kỷ lục ảnh hưởng tới hơn 70 triệu người và thiệt hại 214 tỷ nhân dân tệ.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nguon-goc-ke-hoach-40-nam-ngung-phat-thai-khi-co2-cua-trung-quoc-20201123155643384.htm