Nguồn gốc địa danh Dốc Nhà Làng ở Đà Lạt

Những con dốc từ lâu là 'đặc sản' của thành phố cao nguyên Đà Lạt (Lâm Đồng), gắn bó với ký ức của không ít người dân và du khách, trong đó có Dốc Nhà Làng.

1. Dốc Nhà Làng hiện thuộc địa phận phường nào của Đà Lạt?

Phường 3
Phường 2

Phường 1

Dốc Nhà Làng là một dốc hẻm nhỏ lâu đời, nổi tiếng ở Đà Lạt, nay thuộc phường 1 của thành phố, nối các đường Phan Đình Phùng, Trương Công Định. Dù mang tên đường Nguyễn Biểu từ năm 1953, song Dốc Nhà Làng vẫn là địa danh in sâu vào tiềm thức của nhiều cư dân Đà Lạt, tồn tại đến ngày nay. Ảnh: Beuynn.

2. Vì sao gọi là Dốc Nhà Làng?

Nơi đây ngày trước có Nhà Làng, tức nơi hội họp của người dân trong làng
Nơi đây ngày trước có Nhà Làng, tức dãy nhà hàng ăn của địa phương
Nơi đây ngày trước có Nhà Làng, tức một khu chợ họp định kỳ hàng tháng

Theo Địa chí Đà Lạt, gọi là Dốc Nhà Làng vì nơi đây ngày trước (thời Pháp) có Nhà Làng, là nơi hội họp của các vị chức sắc, người dân trong làng để bàn việc làng, việc nước, hòa giải, phân xử tranh chấp... Ảnh: Phobendoi.art.

3. Dự án phố nghệ thuật ở Dốc Nhà Làng ra đời gần đây có tên là gì?

Suy tư nghệ thuật
Thắp sáng nghệ thuật
Vào miền nghệ thuật

Phố nghệ thuật Dốc Nhà Làng có tên "Vào miền nghệ thuật", với ý tưởng thiết lập không gian nghệ thuật công cộng đa hình thái, đầy màu sắc ở con dốc nổi tiếng của Đà Lạt. Các tác phẩm hội họa ở đây được sáng tác, thể hiện trên các bờ tường, taluy, ban công, cửa sổ... với nội dung "kể" câu chuyện đẹp về Đà Lạt qua kiến trúc, các loài hoa, nhân vật, khung cảnh núi đồi, sương khói mộng mơ… Ảnh: Cacao_oi.

4. Phố nghệ thuật Dốc Nhà Làng chính thức ra mắt công chúng, phục vụ du khách vào thời gian nào?

Cuối năm 2019
Cuối năm 2017
Cuối năm 2015

Cuối năm 2019, Phố nghệ thuật Dốc Nhà Làng chính thức ra mắt công chúng, phục vụ du khách. Đây cũng là sự kiện chào mừng Festival Hoa Đà Lạt lần 8, được tổ chức cùng năm. Ảnh: Hung5777.

5. Nhân vật nào sau đây được khắc họa hình ảnh tại Dốc Nhà Làng?

Bác sĩ Alexandre Mersin
Bác sĩ Alexandre Yersin
Bác sĩ Alexandre Sersin

Tại Dốc Nhà Làng có khắc họa hình ảnh bác sĩ Alexandre Yersin (1863-1943). Ông được ghi nhận là người đã khám phá ra cao nguyên Lâm Viên trong một chuyến hành trình thám hiểm của mình vào năm 1893, mở ra một trang sử mới cho vùng đất Đà Lạt ngày nay. Ảnh: Mit.quynhphuong.

6. Du khách có thể nhìn thấy hình ảnh loài hoa đặc trưng nào của Đà Lạt tại Dốc Nhà Làng?

Hoa dã quỳ
Hoa mơ
Hoa sữa

Các loài hoa đặc trưng, tô điểm thêm cho vẻ đẹp thành phố sương mù Đà Lạt cũng là những hình ảnh được thể hiện tại Dốc Nhà Làng. Trong đó, người ta dễ nhận ra những đóa hoa dã quỳ với sắc vàng rực rỡ, "sưởi ấm" không khí giá lạnh của miền đất cao nguyên những khi trời chuyển sang đông. Ảnh: Ninini93.

7. Hình ảnh những nữ sinh của ngôi trường nào ở Đà Lạt được tái hiện tại Dốc Nhà Làng?

Trường nữ trung học Nguyễn Thị Xuân
Trường nữ trung học Bùi Thị Xuân
Trường nữ trung học Dương Thị Xuân

Tại Dốc Nhà Làng có tái hiện hình ảnh những nữ sinh trường nữ trung học Bùi Thị Xuân, nay là trường THPT Bùi Thị Xuân ở Đà Lạt, trong tà áo dài thướt tha, khoác áo len, cắp cặp đến trường. Tư liệu về lịch sử hình thành và phát triển nhà trường cho biết đây là trường nữ trung học đầu tiên ở Tây Nguyên, có bề dày truyền thống gần 70 năm. Ảnh: Hadi.nalac.

Đà Lạt buổi sớm chìm trong biển mây đẹp nao lòng Không phải ngẫu nhiên mà Đà Lạt (Lâm Đồng) được người ta gọi là thành phố sương mù. Khoảnh khắc biển mây len qua những đồi thông buổi sớm bình yên đọng lại trong lòng lữ khách.

Song Phúc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguon-goc-dia-danh-doc-nha-lang-o-da-lat-post1115284.html