Nguồn gốc của đôi đũa - Văn hóa dùng đũa quan trọng thế nào trong lịch sử người Việt Nam

Mặc dù đa phần mọi người cho rằng đũa được phát minh tại Trung Quốc, thế nhưng theo nhiều tài liệu cổ, đôi đũa đã được những người thuộc nền văn minh lúa nước (Vùng Đông Nam Á) sử dụng trước khi nó kịp phổ biến ở các nước phương Bắc cũng như dọc lưu vực sông Hoàng Hà.

Lịch sử ra đời của đôi đũa

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu của phương Tây, các nhà sử học Tây phương nói rằng đũa là loại hình thuộc văn minh Trung Hoa, văn minh đũa (civilisation des baguettes). Đôi đũa được phát hiện sớm nhất là một cặp kim loại trong triều đại nhà Thương (khoảng năm 1600-1046 TCN) được khai quật tại địa điểm khảo cổ Ân Khư. Được phát minh vào khoảng thời gian cách đây từ 3000-5000 năm, đũa đã trở thành nền văn minh, bộ mặt của cả một nền văn hóa rộng lớn gồm nhiều nước châu Á.

Tuy nhiên, khác với các nghiên cứu của sử học phương Tây, nhiều nghiên cứu khác lại chỉ ra những người thuộc nền văn minh lúa nước mới chính là những người đã phát minh ra đũa.

Nhiều sử gia và học giả Trung Quốc như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Quách Mạt Nhược đã thừa nhận rằng tổ tiên người Trung Hoa xưa đến từ phía Tây lưu vực sông Hoàng Hà với nền văn minh nông nghiệp khô (trồng kê, lúa mạch), tức là nền văn minh ăn bốc bằng tay mà không cần đến đũa.

Theo cuốn sách Lịch sử văn hóa Trung Quốc do Đàm Gia Kiện biên soạn, người Trung Quốc thời tiền Tần không biết dùng đũa, họ dùng tay bốc theo đúng như tập quán của nền văn minh nông nghiệp khô trồng kê, mạch,...Họ chỉ bắt đầu sử dụng đũa kể từ khi kéo quân về thôn tính phương Nam (vùng Đông Nam Á) là những vùng đất có nền văn minh lúa nước, điển hình là khối cư dân Bách Việt.

Theo lời cố GS Trần Quốc Vượng, động tác dùng đũa gắp thức ăn là mô phỏng theo con chim dùng mỏ để mổ và nhặt hạt. Mà trong nhiều câu chuyện cổ của Việt Nam ta, những biểu tượng như chim Hồng, chim Lạc đều được mô tả là loài có mỏ dài, chuyên dùng mỏ để mổ thức ăn. Bên cạnh đó, nền văn hóa gốc của Trung Quốc là du mục và nông nghiệp khô lại chọn các loài chim mỏ ngắn làm vật tổ như chim ưng, kền kền, đại bàng. Tức là những loài chim ăn thịt, không có động tác dùng mỏ nhặt hạt.

Thêm một bằng chứng cho việc đũa đã xuất hiện từ rất sớm trong văn hóa người Việt đó là một chi tiết trong câu chuyện cổ tích Trầu Cau. Khi cô gái dọn cơm cho hai anh em Tân và Lang, cô đã cố tình chỉ dọn một đôi đũa để thử xem ai nhường người kia ăn trước thì là em. Theo bối cảnh lịch sử của Trầu Cau thì câu chuyện ra đời từ thời vua Hùng Vương, tức là trước cả thời nhà Tần và trước khi chịu ách đô hộ 1000 năm Bắc thuộc, đôi đũa đã hiện hữu trong văn hóa người Việt.

Vậy là theo nhiều bằng chứng, dù chưa thể khẳng định người Việt đã sáng tạo ra đũa, nhưng có thể nói rằng đôi đũa được phát minh ra từ nền văn minh lúa nước và đã tồn tại song song với văn hóa người Việt ta trên 4000 năm lịch sử, trở thành biểu tượng cho một nền văn minh lâu đời và đáng tự hào.

Chính đôi đũa đã lâu dài trong lịch sử ấy, mà kho tàng văn học dân gian Việt Nam có khá nhiều nội dung liên quan đến đôi đũa tre thân thuộc, sâu sắc trong văn hóa ứng xử và đạo đức của tiền nhân. Kêu gọi hợp quần để tạo nên sức mạnh vì Không ai có thể bẻ một bó đũa; đừng vội Vơ đũa cả nắm là trách người không thấu đáo. Làm ăn đối xử với nhau thì cho có đầu có đũa...

Quy tắc dùng đũa của người Việt

Người Việt ta không chỉ dùng đũa đơn thuần, mà cũng có những quy tắc, quy củ khi dùng đũa phức tạp hệt như "văn hóa đũa" của các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trước khi cầm đũa, phải xếp hai đầu đũa cho đều nhau, lúc sử dụng chỉ động tới cạnh trên của đũa, dùng 3 đầu ngón tay: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa nhẹ nhàng cầm đũa. Móng tay của ngón áp út đặt dưới mặt đũa, ngón cái và ngón trỏ kẹp chiếc đũa, cố định chúng lại, phần cuối đũa thừa ra khoảng 1 phân.

Trẻ con được dạy rằng, trước bữa ăn phải so đũa, chú ý đến đầu đũa có đúng hướng hay không, sau bữa ăn phải đặt đũa xuống một cách ngay ngắn, không nên để đũa bị so le hay xô lệch.

Không nên ngậm đũa và mút đũa vì đó là điều bất lịch sự trên bàn ăn; khi gắp thức ăn thì không được xới tung cả đĩa thức ăn để tìm thứ mình thích; hoặc khi trò chuyện trong bữa ăn không được vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói, vừa cầm đũa vừa hoa tay múa chân kể chuyện…

Khi chấm thức ăn thì cũng nên chú ý không để đũa chạm vào nước chấm, và cần chú ý không để nước chấm dây bẩn ra bàn, cũng không nên dùng đũa của mình để khuấy nước chấm hay khuấy vào bát canh. Những điều đó tuy nhỏ nhặt, nhưng nếu không để ý thì cũng khiến bạn xấu đi trong mắt người khác.

Trong văn hóa dân gian, người Việt Nam kiêng không gõ đũa vào nhau, không gõ đũa vào bát, cũng không nên tạo nên tiếng “động bát động đũa” ồn ào, càng không nên có tiếng nhai tóp tép…

Khởi đầu bữa ăn, đặc biệt là trong những bữa cỗ truyền thống, trước khi gắp đồ cho chính mình, người ta dùng đôi đũa còn sạch để gắp đồ ăn mời người khác. Trong suốt bữa ăn, khi muốn mời ai món gì đó, thường theo phép lịch sự, người ta phải đảo đầu đũa để gắp bằng đầu còn lại.

Đũa không chỉ là một công cụ để ăn. Văn hóa dùng đũa còn thể hiện sự khéo léo, quan tâm và tinh tế của một nền văn minh.

Dung

Nguồn Thế Giới Trẻ: https://thegioitre.vn/nguon-goc-cua-doi-dua-van-hoa-dung-dua-quan-trong-the-nao-trong-lich-su-nguoi-viet-nam-71231.html