Nguồn gốc Covid-19: Trung Quốc đổ cho nước khác, WHO lên tiếng

Đại diện WHO cho rằng, thông tin nói đại dịch Covid-19 không xuất phát từ Trung Quốc mang tính suy đoán...

Tranh cãi nguồn gốc Covid-19

Trong bối cảnh một nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang chuẩn bị điều tra nguồn gốc của virus Covid-19, Trung Quốc tuyên bố rằng các trường hợp corona lần đầu tiên được báo cáo ở Vũ Hán không có nghĩa là sự lây lan bắt nguồn từ đây.

Các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc đưa tin rằng, một số sản phẩm thực phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác nhau, bao gồm một lô hàng cá từ Ấn Độ, được phát hiện có dấu vết của Covid-19, từ đó họ cho rằng virus có thể đã xâm nhập vào Trung Quốc qua đường nước ngoài.

Trong một tuyên bố chính thức, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Zhao Lijian nói với truyền thông rằng, mặc dù Trung Quốc là nước đầu tiên báo cáo về coronavirus, nhưng không nhất thiết Trung Quốc là nơi bắt nguồn của virus.

Một lối vào chợ hải sản Huanan thuộc Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc bị chặn, nơi có loại virus có thể gây ra Covid-19. Ảnh: Reuters

Một lối vào chợ hải sản Huanan thuộc Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc bị chặn, nơi có loại virus có thể gây ra Covid-19. Ảnh: Reuters

"Vì vậy, chúng tôi tin rằng truy tìm nguồn gốc Covid-19 là một vấn đề khoa học phức tạp, đòi hỏi nỗ lực chung và sự hợp tác cộng đồng khoa học trên toàn thế giới", ông Lijian nói.

Trước những tuyên bố trên, tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 27/11, chuyên gia về chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho rằng, thông tin nói đại dịch Covid-19 không xuất phát từ Trung Quốc mang tính suy đoán rất cao.

“Từ góc nhìn y tế công cộng, rõ ràng là bạn phải bắt đầu cuộc điều tra ở nơi xuất hiện ca bệnh trên người đầu tiên”, Reuters dẫn lời ông Ryan nói.

Ông nhắc lại rằng WHO dự định cử các nhà nghiên cứu đến thị trường thực phẩm Vũ Hán để thăm dò thêm nguồn gốc của virus.

Trước đó, WHO đã bị chính quyền Tổng thống Donald Trump cáo buộc là "lấy Trung Quốc làm trung tâm", các cáo buộc sau đó liên tục bị bác bỏ.

Châu Âu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ sáng 28/11, thế giới đã ghi nhận 61.964.850 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 1.448.285 ca tử vong.

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 16.726.855 ca nhiễm và 382.426 ca tử vong, tiếp theo là châu Á với 16.383.187 ca nhiễm và 268.785 ca tử vong.

Tại châu Âu, dịch Covid-19 đang hoành hành mạnh nhất ở Nga và Pháp (hơn 2,1 triệu ca nhiễm), Anh (hơn 57.000 ca tử vong), trong khi Tây Ban Nha, Italy và Đức đều đã ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm.

Trong bối cảnh Giáng sinh và năm mới đang đến, một số nước châu Âu từng bước mở cửa nền kinh tế một cách hết sức thận trọng.

Bỉ đã thành công trong việc khống chế đường cong dịch tễ và có thể tránh được tình huống quá nguy hiểm nhưng vẫn đang trong giai đoạn cảnh báo tối đa vì hầu hết các bệnh viện vẫn đang quá tải.

Với số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất thế giới (161.833 ca ngày 27/11), tổng số ca nhiễm tại Mỹ đã vượt 13 triệu ca. Số ca tử vong trong 24 giờ qua ở Mỹ cũng cao nhất thế giới (1.362 ca), nâng số ca tử vong ở Mỹ lên tới 271.024 ca.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của Mỹ dự báo có 21.400 ca tử vong mới trong tuần kết thúc ngày 19/12, nâng tổng số ca tử vong của cả nước lên 321.000 ca.

CDC cũng cảnh báo số ca nhiễm và ca phải nhập viện đang liên tục tăng.

Hạt Los Angeles, bao gồm thành phố cùng tên lớn thứ hai tại Mỹ, đã thông báo lệnh phong tỏa mới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, theo đó tạm thời cấm các cuộc tụ tập giữa những người khác gia đình.

Cơ quan y tế Los Angeles cho biết lệnh cấm trên sẽ có hiệu lực từ ngày 30/11 và kéo dài 3 tuần đến ngày 20/12.

Quyết định trên được đưa ra khi số ca nhiễm mới trong ngày ở hạt Los Angeles đã vượt quá 4.500 ca.

Hạt này đã ghi nhận hơn 7.600 ca tử vong, chiếm hơn 30% số ca tử vong ở bang California.

Hồi tuần trước, bang này đã ban bố giới nghiêm ban đêm ở hầu hết địa phận bang.

Tuy nhiên, các biện pháp "an toàn ở nhà" mới áp dụng sẽ không nghiêm ngặt như trong đợt phong tỏa đầu tiên ở thành phố này hồi tháng Ba.

Tại Mỹ, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến cách người dân mua sắm dịch Black Friday - ngày thứ Sáu ngay sau Lễ Tạ ơn - vốn là dịp mua sắm tưng bừng nhất của người Mỹ trong năm.

Năm nay, không còn cảnh người dân xếp hàng dài dằng dặc, chen chúc trước các trung tâm mua sắm lớn từ tờ mờ sáng để "săn" các mặt hàng với mức giá hạ sâu nhất trong năm nữa.

Thay vào đó, nhiều hãng đã mở bán các gói mua sắm giá hời trên mạng trực tuyến từ đầu tháng 10 do lường trước tình hình sẽ không thể thu hút được lượng khách lớn đến mua sắm tại các cửa hàng trực tiếp như mọi năm.

Đại dịch Covid-19 đã khiến không ít những hãng tên tuổi lớn phá sản và hàng nghìn cửa hàng phải đóng cửa trong năm nay.

Thế nhưng với một thị trường lớn như nước Mỹ thì nhiều công ty bán lẻ khổng lồ như Amazon, Best Buy hay Walmart vẫn tìm cách vượt được qua được khủng hoảng và khẳng định tên tuổi.

Tại châu Á, ngoài Ấn Độ, Iran bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi ghi nhận 822.397 ca nhiễm và 47.095 ca tử vong.

Các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Indonesia đã ghi nhận trên 522.000 ca nhiễm trong khi Bangladesh và Philippines ghi nhận trên 420.000 ca.

Với số ca nhiễm mới ở mức hai con số vào ngày 27/11, số ca mắc Covid-19 của Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã vượt trên 6.000 người kể từ khi dịch bệnh này bùng phát và các nhà chức trách Đặc khu đang tăng cường nỗ lực để hạn chế sự lây lan.

Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong (CHP) đã ghi nhận thêm 92 trường hợp vào thứ Sáu, nâng tổng số ca mắc tại Đặc khu này lên thành 6.039 ca. Trong đó, có 89 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 17 ca không rõ nguồn lây nhiễm.

Một số lượng lớn ca nhiễm mới cùng ngày có liên quan đến câu lạc bộ khiêu vũ, tính đến nay đã có 367 ca nhiễm liên quan đến câu lạc bộ này.

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng xấu đi, chính quyền Hong Kong đã thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội, tăng cường sàng lọc Covid-19 và áp dụng các yêu cầu khắt khe hơn đối với du khách đến Đặc khu.

Vắcxin ngừa COVID-19 Sputnik V chứng minh hiệu quả cao ở Belarus

Trả lời phỏng vấn kênh tin tức Rossiya’24, ông Dmitry Mezentsev - Đại sứ Nga tại Minsk, ngày 27/11 cho biết các thử nghiệm lâm sàng đối với vắcxin ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga ở Belarus đã cho thấy hiệu quả lên đến khoảng 95%.

Đại sứ Mezentsev nói: “Các thử nghiệm lâm sàng có sự tham gia của 100 công dân Belrus đã cho thấy hiệu quả cao từ vắcxin (Sputnik V) của Nga, ở mức xấp xỉ 95%. Đó là một kết quả rất quan trọng."

Cũng theo Đại sứ Mezentsev, các chuyên gia Nga và Belarus đều cảm thấy lạc quan trước công tác nghiên cứu chung về vắcxin Sputnik V của Nga và về triển vọng của việc sử dụng loại vắcxin này ở Belarus.

Cùng ngày Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 27/11 cho biết Ankara đang tiếp tục đàm phán với Moskva về việc mua vaccine ngừa Covid-19.

Tổng thống Erdogan không loại trừ khả năng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sẽ siết chặt các biện pháp phòng, chống lây nhiễm nếu tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi.

86 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng

Ngày 27/11, Việt Nam ghi nhận 8 ca mắc mới Covid-19, đều là các ca nhập cảnh, được cách ly ngay và đã 86 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Tính đến 18h ngày 27/11, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19: 4 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh: BN1168-BN1180-BN1214-BN1225; số ca âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 là 8; lần 2 là 12 ca; lần 3 là 11 ca.

Số ca tử vong là 35 ca. Số ca điều trị khỏi là 1.170 ca.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nguon-goc-covid-19-trung-quoc-do-cho-nuoc-khac-who-len-tieng-3423373/