Nguồn cung thiếu hụt, giá cao su sẽ tiếp tục tăng cao
Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 9/2024 tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Theo tính toán cung cầu cao su trên thế giới, tổng nhu cầu cao su năm 2024 lên tới 15,74 triệu tấn; trong khi nguồn cung chỉ có 14,50 triệu tấn; thiếu hụt 1,24 triệu tấn. Do đó, dự báo giá cao su sẽ tiếp tục tăng hoặc neo cao xuyên suốt từ nay cho đến nửa đầu năm 2025…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 9/2024, Việt Nam xuất khẩu 250 nghìn tấn cao su, đem về 424 triệu USD, tăng 29,2% về lượng và tăng 68,4% về trị giá so với tháng 9/2023. Giá bình quân xuất khẩu cao su ở mức 1.697 USD/tấn, tăng 3,2% so với tháng 8/2024 và tăng 30,3% so với tháng 9/2023.
XUẤT KHẨU CAO SU GIẢM VỀ LƯỢNG, NHƯNG TĂNG VỀ GIÁ TRỊ
Về chủng loại, cao su hỗn hợp (HS 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam. Tính đến hết tháng 9/2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 750 ngàn tấn cao su hỗn hợp, trị giá gần 1,1 tỷ USD; giảm 24% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; chiếm 54,81% tổng sản lượng cao su xuất khẩu của cả nước.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam. Trong 3 quý đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc 844 ngàn tấn cao su, trị giá gần 1,3 tỷ USD (giảm 20% về lượng và giảm 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023).
"Lũy kế 3 quý đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 1,37 triệu tấn, kim ngạch 2,18 tỷ USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 16,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Tính bình quân 9 tháng, giá cao su xuất khẩu đạt 1.592 USD/tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước".
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong khi xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giảm, thì các thị trường khác lại tăng rất mạnh, đặc biệt là thị trường Malaysia. Việt Nam xuất khẩu 13 ngàn tấn cao su, trị giá 18 triệu USD sang Malaysia; tăng 178% về lượng và tăng 194% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trên thị trường thế giới, trong tháng 9/2024, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á liên tục tăng và lập đỉnh mới do được hỗ trợ bởi điều kiện thời tiết bất lợi ở các khu vực sản xuất chính, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung thiếu hụt.
Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu cao su của nước ta trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD. Siêu bão Yagi vừa qua đã tác động nghiêm trọng đến sản xuất cao su tại Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia, ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu trong mùa cao điểm. Tại Trung Quốc, siêu bão Yagi đã khiến cho các vùng sản xuất cao su chính của đảo Hải Nam như Lâm Cao và Trừng Mại bị thiệt hại tương đối nặng.
Tập đoàn Cao su Hải Nam thông báo, khoảng 230.000 ha đồn điền cao su đã bị ảnh hưởng bởi bão, dự kiến sản lượng cao su khô sẽ giảm khoảng 18.000 tấn. Mặc dù công việc khai thác cao su đã dần được nối lại nhưng thời tiết mưa vẫn ảnh hưởng đến việc giải phóng nguyên liệu, khiến sản lượng khan hiếm, các nhà máy chế biến gặp khó khăn trong việc thu gom keo mủ cao su thô.
Theo dự báo, thông lệ nhu cầu thu mua cao su sẽ tăng lên vào giai đoạn cuối năm, sau khi các khách hàng dự phòng tình hình kinh doanh cho năm tiếp theo. Giai đoạn nửa cuối năm nay sẽ là thời điểm chính để xác định biến động giá cao su trong vòng 12 tháng tới (nửa cuối năm 2024 - nửa đầu năm 2025). Do đó, giá cao su có thể sẽ neo cao xuyên suốt từ nay cho đến nửa đầu năm 2025.
Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu lên mức 15,74 triệu tấn; đồng thời, điều chỉnh giảm dự báo nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu cho cả năm nay xuống còn 14,50 triệu tấn. Điều này khiến thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt tới 1,24 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay.
CUNG THIẾU HỤT SO VỚI CẦU, GIÁ CAO SU SẼ TIẾP TỤC TĂNG
Mới đây, tại hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, (VRG) đã được bầu giữ chức Chủ tịch VRA khóa 6, nhiệm kỳ 2023-2028.
Phát biểu tại hội nghị, tân Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho hay hiện Việt Nam có quy mô sản lượng mủ cao su đạt 1,3 triệu tấn mỗi năm từ 910.000 ha diện tích trồng cây cao su. Tuy nhiên, chỉ 70 - 75% trong số này là các cây cao su trưởng thành sẵn sàng khai thác.
Hàng năm có hơn 300 nghìn tấn cao su được sử dụng trong sản xuất chế biến, còn lại hơn 1 triệu tấn nguyên liệu cao su để xuất khẩu. Việc này đã mở ra một dư địa lớn cho xuất khẩu nguyên liệu cao su, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung cao su toàn cầu tiếp tục thiếu hụt.
Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng cùng với khai thác mủ cao su, Hiệp hội cần xem gỗ cao su là sản phẩm chính, từ đó tăng cường các công tác nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm này.
"Trong ba tháng cuối năm 2024, VRA sẽ tiếp tục thực hiện tốt các công tác đề xuất tháo gỡ chính sách, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến và tăng cường kết nối, quan hệ bộ, ngành và quốc tế. Hiệp hội chú trọng thông tin, hướng dẫn chương trình phát triển bền vững, tín chỉ carbon cho các đơn vị thành viên. VRA sẽ tăng cường làm việc, hướng dẫn triển khai thực hiện Quy định chống phá rừng Liên Minh châu Âu (EUDR) cho các đơn vị thành viên. VRA cũng lên kế hoạch tổ chức hội nghị quốc tế ngành cao su, dự kiến diễn ra tháng 12, tại TP HCM".
Ông Lê Thanh Hưng, tân Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA).
Đề cập về sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), ông Lê Thanh Hưng cho biết trong quý 3/2024, khi cao su đã vào mùa vụ khai thác chính trong năm, cộng với diễn biến giá cao su có tín hiệu phục hồi tích cực do nguồn cung yếu suy giảm bất thường tại các nước sản xuất chính tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia và nhu cầu mua tăng lên hơn từ hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ nên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh chính chính, cốt lõi trong lĩnh vực cao su của Tập đoàn gặp nhiều thuận lợi.
Tuy nhiên năm 2024, các lĩnh vực khác ngoài cao su trong năm 2024 rất khó khăn do tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực, gây mất ổn định làm đứt gãy chuỗi cung ứng ở một số mặt hàng và ngành mà Tập đoàn đang hoạt động.
Thực hiện kế hoạch 9 tháng năm 2024, doanh thu và thu nhập khác hợp nhất của VRG đạt 16.207 tỷ đồng (bằng 64,83% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.850 tỷ đồng (bằng 69,44% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2.386 tỷ đồng (bằng 69,44% kế hoạch). Ước cả năm 2024, doanh thu và thu nhập khác hợp nhất đạt 26.307 tỷ đồng (bằng 105,23% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế hợp nhất 4.450 tỷ đồng (bằng 108,43% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế hợp nhất 3.746 tỷ đồng (bằng 108,99% kế hoạch).
Về định hướng xây dựng kế hoạch năm tới, Tập đoàn VRG đề ra chỉ tiêu sản xuất kinh doanh hợp nhất toàn Tập đoàn năm 2025 với doanh thu khoảng 27.490 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.632 tỷ.
Trong năm tới, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược và các giải pháp về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; trong đó, tập trung hoành thành việc thực hiện sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của Liên minh Châu Âu (EUDR) để mang lại giá trị thương hiệu, giá trị kinh tế cao cho ngành cao su.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nguon-cung-thieu-hut-gia-cao-su-se-tiep-tuc-tang-cao.htm