Nguồn cung tăng, giá thực phẩm gia súc, gia cầm giảm

Từ đầu năm đến nay, các trang trại, doanh nghiệp đã đẩy mạnh tái đàn gia súc, gia cầm nên nguồn cung trên thị trường tăng cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức tiêu thụ chậm, do vậy, giá bán giảm so với các tháng trước đó. Ngoại trừ yếu tố dịch bệnh, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường tiếp tục là vấn đề cần được đặt ra.

Giá thịt lợn đang giảm từng ngày.

Sức tiêu thụ chậm, giá giảm

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) cho biết, với 17.000 lợn thương phẩm và 3.000 lợn nái, trung bình mỗi tháng, hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 tấn thịt lợn. Từ đầu tháng 5 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ trên thị trường giảm nên giá thịt lợn cũng giảm từng ngày, hiện chỉ dao động trong khoảng 62.000 - 63.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với tháng trước.

Thời điểm hiện tại, giá các loại gia cầm và trứng gia cầm cũng giảm mạnh, theo ông Đỗ Hoàng Đạt, chủ trang trại chăn nuôi gà ở xã Đông Yên (huyện Quốc Oai), giá gia cầm vừa mới khởi sắc được khoảng 1 tháng thì đến đầu tháng 5 lại tiếp tục giảm mạnh. Giá gà ta thả vườn chỉ dao động 60.000 - 80.000 đồng/kg, gà công nghiệp hơn 30.000 đồng/kg, giá trứng gà 900 đồng - 1.200 đồng/quả, giảm 20% so với tháng 4-2021.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong quý I-2021, tổng đàn lợn cả nước khoảng 27 triệu con, tăng 11,6% so với cùng kỳ (trong đó, tại 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn lớn, đàn lợn đạt 5,5 triệu con, tăng 65% so với đầu tháng 1-2021); đàn gia cầm đã lên tới 510 triệu con, sản lượng thịt xuất chuồng khoảng 420.000 tấn, tăng 5,2%; trứng ước đạt 4,3 tỷ quả, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội nhận định, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các bếp ăn tập thể ở trường học ngừng hoạt động, nhu cầu thực phẩm của các nhà hàng, quán ăn, khách sạn cũng giảm mạnh khiến giá cả giảm theo. Đặc biệt, giá các loại gia cầm và trứng gia cầm giảm liên tiếp khiến cho nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng.

Về vấn đề này, ông Đào Quang Vinh, chủ cơ sở giết mổ ở huyện Thường Tín thông tin, nguồn cung thịt lợn dồi dào, nhưng sức tiêu thụ giảm nên mỗi ngày cơ sở chỉ giết mổ khoảng 60-70 con, giảm 20% so với tháng trước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tác động của dịch Covid-19, giá các loại thịt gia súc, gia cầm giảm, nhưng chỉ tác động tới các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn những trang trại chăn nuôi quy mô lớn vẫn ổn định.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp cần tiếp tục ổn định chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh.

Gắn sản xuất với thị trường

Hiện nay, nguồn cung thực phẩm trên thị trường khá dồi dào và theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá các mặt hàng thực phẩm, nhất là thịt gia cầm sẽ tăng trong thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát. Do đó, các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp cần tiếp tục ổn định chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh...

Để chăn nuôi nông hộ phát triển ổn định, ông Nguyễn Văn Hải, chủ hộ chăn nuôi ở huyện Chương Mỹ đề xuất, Nhà nước vẫn cần có chính sách về lãi suất tiền vay cho người chăn nuôi duy trì phát triển theo chu kỳ sản xuất.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Huy Đăng, Hà Nội sẽ giữ ổn định tổng đàn khoảng 1,8 triệu con lợn và 39 triệu con gia cầm trong năm 2021… để cơ bản cung cấp đủ cho nhu cầu tiêu dùng, bảo đảm giá cả ổn định. Do vậy, các địa phương cần chỉ đạo, khuyến cáo người chăn nuôi sản xuất theo nhu cầu của thị trường, không phát triển ồ ạt, tránh tình trạng cung vượt cầu.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương đổi mới phương thức sản xuất, tổ chức chăn nuôi theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại gắn với các chuỗi liên kết; đồng thời, tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tập đoàn lớn đầu tư vào sản xuất, liên kết dẫn dắt các cơ sở chăn nuôi...

Để ổn định nguồn cung trên thị trường và đưa giá thịt lợn về mức hợp lý, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu, các địa phương triển khai rà soát quy mô đàn lợn, đánh giá chất lượng, năng suất đàn lợn nái và tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương để tổ chức chỉ đạo sản xuất phù hợp với quy mô năm 2021 tổng đàn lợn đạt hơn 27,1 triệu con (trong đó có 3,04 triệu con nái), sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt khoảng 3,87 triệu tấn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo, cần rà soát, điều chỉnh quy mô đàn gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tránh tình trạng mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng đến giá sản phẩm gia cầm và thu nhập của người chăn nuôi.

Đồng thời, các địa phương tổ chức chỉ đạo sản xuất phù hợp với quy mô năm 2021 tổng đàn gia cầm đạt 512,9 triệu con (trong đó đàn gà là 410,7 triệu con), sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng đạt khoảng 1,5 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm các loại đạt 14,7 tỷ quả.

Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, khi sản xuất gắn với nhu cầu thị trường thì chăn nuôi mới phát triển ổn định, bền vững.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/999569/nguon-cung-tang-gia-thuc-pham-gia-suc-gia-cam-giam