Nguồn cung gỗ nhiệt đới của Việt Nam đa số ở vùng rủi ro

Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu gỗ từ 20-22 quốc gia ở Châu Phi, nếu áp dụng tiêu chí đã đưa ra tại Nghị định VNTLAS thì hầu hết các quốc gia ở khu vực này đều rơi vào trạng thái có rủi ro cao.

Nhằm thực hiện các cam kết trong Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại Lâm sản (VPA FLEGT), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (Nghị định VNTLAS).

Nghị định VNTLAS sẽ có hiệu lực từ ngày 30-10 tới đây. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định là xây dựng các cơ chế nhằm kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Các cơ chế này được dựa trên các tiêu chí phân loại rủi ro theo vùng địa lý/quốc gia và loại gỗ.

Tại hội thảo “Xác định và kiểm soát rủi ro trong xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) tổ chức ngày 16-10, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest đánh giá đây là một đóng góp rất quan trọng thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam (VN) đối với EU trong việc kiểm soát gỗ hợp pháp trong tất cả loại gỗ, bao gồm cả gỗ nhập khẩu. Khi Nghị định này đi vào thực thi sẽ có tác động tới toàn bộ ngành gỗ.

Toàn cảnh hội thảo “Xác định và kiểm soát rủi ro trong xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam”. Ảnh: AH

Toàn cảnh hội thảo “Xác định và kiểm soát rủi ro trong xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam”. Ảnh: AH

Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, cho biết hiện nay ngoài nguồn gốc gỗ rừng trồng trong nước, VN đang nhập khẩu gỗ nhiệt đới từ nhiều vùng/quốc gia, trong đó tập trung chính ở Châu Phi, Lào, Campuchia, Papua New Guine (PNG).

"Bình quân mỗi năm VN nhập khẩu gỗ từ 20-22 quốc gia ở Châu Phi, nếu áp dụng tiêu chí đã đưa ra tại Nghị định VNTLAS thì hầu hết các quốc gia ở khu vực đều rơi vào trạng thái vùng địa lý hoặc quốc gia có rủi ro cao. Xét về loài rủi ro, sẽ có 7/100 loài gỗ tròn rơi vào danh sách loài rủi ro, gỗ xẻ có 12/83 loài rủi ro nhập khẩu vào VN" - ông Phúc nói.

Gỗ nhập từ Lào, với loài gỗ tròn cũng có 5/14 loài nằm trong danh sách loài rủi ro, gỗ xẻ có 25/64 loài rủi ro. Gỗ nhập từ Campuchia, các loài gỗ tròn có 7/15 loài rủi ro, gỗ xẻ có 14/32 loài rủi ro. PNG cũng rơi vào danh sách vùng địa lý rủi ro, loài rủi ro có 7/13 loài gỗ xẻ rơi vào danh sách loài rủi ro, 1/78 loài gỗ tròn trong danh sách loài rủi ro.

Hiện số lượng doanh nghiệp (DN) nhập khẩu gỗ từ Châu Phi có khoảng 495 DN, Lào 163 DN, Campuchia 52, PNG 28. Đây là số DN cần phải cập nhật thông tin từ Nghị định càng sớm càng tốt, bởi vì họ sẽ là người chịu tác động ngay lập tức khi Nghị định này đi vào thực thi.

"Theo quy định của Nghị định, nếu các DN nhập khẩu gỗ rủi ro tức là vùng địa lý hoặc loài rủi ro thì các DN phải bổ sung thông tin chứng minh tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu, các DN cũng phải chịu sự kiểm tra thực tế của các cơ quan chức năng và mức độ kiểm tra tăng so với các DN nhập khẩu gỗ thông thường" - ông Phúc cho biết.

Từ đó, ông Phúc kiến nghị trong tương lai VN và cộng đồng DN nên khuyến khích thay thế sử dụng gỗ nhiệt đới nhập khẩu bằng gỗ rừng trồng trong nước, sản phẩm gỗ rừng trồng, sử dụng gỗ từ nguồn rủi ro thấp".

Là một trong những DN chuyên nhập khẩu gỗ từ Châu Phi trong nhiều năm, đại diện Công ty gỗ Hưng Long cho biết hiện số lượng DN nhập khẩu gỗ từ châu Phi rất nhiều, nhưng phần lớn là các DN nhỏ.

"Chúng tôi rất quan tâm đến Nghị định 102, rất hoan nghênh về quy định mới đảm bảo tính hợp pháp để các DN có sự cạnh tranh công bằng với các DN từ nước khác. Tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị Tổng cục Lâm nghiệp cần sớm ban hành danh sách các quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam, các loài gỗ đã nhập khẩu… để các DN nhập khẩu có sự chủ động vì thường phải ký hợp đồng nhập khẩu trước cả năm”.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết Nghị định 102 có hiệu lực từ ngày 30-10, tuy nhiên lộ trình thực hiện Nghị định này rất dài.

Từ 30-10, sẽ có 5 nội dung của Nghị định được triển khai trước, đó là Tổng cục Lâm nghiệp sẽ công bố doanh mục các quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam; danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam; danh mục gỗ có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng; các quốc gia có hệ thống chứng chỉ gỗ quốc gia được Việt Nam công nhận là đáp ứng tiêu chí gỗ hợp pháp và các thủ tục hành chính thực hiện Nghị định này.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/nguon-cung-go-nhiet-doi-cua-viet-nam-da-so-o-vung-rui-ro-944537.html