Nguồn cảm hứng vô tận của một họa sĩ yêu Hà Nội

Sinh ra và lớn lên tại khu phố cổ Hà Nội, chứng kiến nhiều sự đổi thay trên từng nếp nhà, con phố nơi mình sinh sống, đặc biệt là sự đổi thay trong cảnh quan đô thị Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã dành nhiều thời gian và công sức của mình để theo đuổi những dự án nghệ thuật về Hà Nội....

Tốt nghiệp trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội chuyên ngành Trung-Anh nhưng Nguyễn Thế Sơn lại bén duyên với mỹ thuật. Năm 2002, anh tốt nghiệp trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội, chuyên ngành hội họa và được giữ lại làm giảng viên của trường. Năm 2008, Nguyễn Thế Sơn sang Bắc Kinh học Thạc sĩ tại Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc (CAFA) qua các khoa Bích họa, Nghệ thuật thực nghiệm.

Năm 2012 anh nhận bằng tốt nghiệp Thạc sĩ Nghệ thuật, chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật của ngôi trường danh giá này. Có người bảo anh là một nghệ sĩ thị giác năng động.

Tác phẩm sắp đặt “Máy nước thời gian” của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn với vòi nước thật, gợi nhớ về những vòi nước công cộng một thời phổ biến ở Hà Nội.

Nhằm tìm lại giá trị nguyên bản của Hà Nội, chiếm phần lớn trong các sáng tác của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn luôn là các chủ đề về Hà Nội. Sau tất cả, điều thôi thúc anh sáng tác về Hà Nội nhiều nhất chính là chủ đề về cảnh quan đô thị. Bởi, vốn là người Hà Nội gốc, Nguyễn Thế Sơn cảm nhận được sâu sắc sự đổi thay của Hà Nội.

Anh cho biết: “Hà Nội ngày nay không còn như trong hoài niệm của ông bà và bố tôi từng kể nữa, gia đình tôi đã bị xáo trộn quá nhiều từ khi Hà Nội bị thay đổi. Đó là sự yêu mến thương cảm cho những giá trị nhân văn vốn từng tồn tại ở mảnh đất này đã bị mất mát và trở nên xa lạ ngay trên chính TP của mình.

Đó là lý do thông qua các dự án nghệ thuật của mình, tôi cố gắng đi tìm sợi dây kết nối giữa một Hà Nội xưa và một Hà Nội đang cố gắng trở nên hiện đại hơn của ngày hôm nay, nhưng dường như quá nhiều giá trị văn hóa cũng như nhân văn đã bị đánh đổi”.

Nguyễn Thế Sơn muốn người xem thấy được từ các tác phẩm của anh một Hà Nội đã đổi thay nhanh chóng như thế nào? Chúng ta đã đóng góp gì vào sự thay đổi nhanh chóng đó, chúng ta muốn Hà Nội sẽ ra sao? Ký ức về Hà Nội liệu có quan trọng với chúng ta?

Trong hàng loạt các triển lãm của mình, Nguyễn Thế Sơn đã dành nhiều tâm huyết cho Hà Nội. Mỗi dự án là một lần anh cố gắng đi tìm một chất liệu, một ngôn ngữ hay một cách tiếp cận mới.

Các chất liệu được sử dụng trong các tác phẩm của anh thường rất đa dạng, có khi là tranh lụa, sơn mài, nhiếp ảnh, sắp đặt ảnh, video art, thậm chí tạo ra hẳn một chất liệu mới là “phù điêu ảnh” - một thể loại kết hợp giữa nhiếp ảnh và điêu khắc.... Mỗi một dự án nghệ thuật ra đời là một lần anh đặt ra câu hỏi cho chính mình cũng như cho chính người xem về giá trị của Hà Nội, giá trị của những không gian văn hóa, không gian sống mà chúng ta đã từng có cũng như đang cố gắng dựng xây ngày hôm nay liệu sẽ trở nên thế nào trong tương lai sắp tới và bằng nghệ thuật, sáng tạo của mình để ghi nhận nó, chuyển tải đến công chúng rằng công năng của kiến trúc đô thị Việt Nam đã và đang bị biến đổi. Từ đó, người xem sẽ có những suy nghĩ, đánh giá của riêng mình.

Anh cho biết, mình muốn tìm sâu, giải mã các mối liên kết giữa quá khứ còn sót lại, in dấu trên kiến trúc, văn hóa, đời sống Hà Nội hôm nay. Không chỉ lưu giữ lại những hình ảnh về kiến trúc, không gian văn hóa, các dự án của Nguyễn Thế Sơn còn đặt ra những vấn đề về bảo tồn, lưu giữ những di sản.

Dự án nghệ thuật mới nhất mà họa sỹ Nguyễn Thế Sơn tham gia là dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” được xây dựng trên cơ sở chương trình “Đưa nghệ thuật vào không gian sống” do UN-Habitat phối hợp với Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc và UBND quận Hoàn Kiếm triển khai từ năm 2015.

Là người đại diện cho nhóm các nghệ sỹ Việt Nam trong dự án này, họa sỹ Nguyễn Thế Sơn khẳng định, dự án nghệ thuật tại phố Phùng Hưng là một dự án rất đặc biệt đối với anh. “Tôi thấy đây là một dịp tốt để biến bức tường lịch sử trên phố Phùng Hưng trở thành một bối cảnh nghệ thuật công cộng thu hút người xem và tạo ra sự tương tác mạnh mẽ với các hoạt động xung quanh phố đi bộ nói riêng và các hoạt động văn hóa nghệ thuật sau này nói chung.

Đây là dịp để nghệ thuật cộng đồng - với nhiều yếu tố của nghệ thuật đương đại - tới gần công chúng hơn. Chính vì vậy, mục tiêu “tương tác tối đa” được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu cho các tác phẩm tham dự. Sau dự án này, các bức tranh trên những vòm cầu của bức tường đá Phùng Hưng sẽ là những mảnh ghép nghệ thuật thu hút người dân và du khách quốc tế, trở thành một điểm nhấn văn hóa trên khu phố cổ Hà Nội", anh Sơn chia sẻ.

Các tác phẩm truyền tải thông điệp về một Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến đang đứng trước những đổi thay to lớn, song vẫn luôn gìn giữ những truyền thống và tinh hoa văn hóa để ghi dấu ấn trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Anh Hùng

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nguon-cam-hung-vo-tan-cua-mot-hoa-si-yeu-ha-noi-108637.html