'Người yếu thế' trong xã hội làm thế nào để được trợ giúp pháp lý miễn phí?

Sau khi Luật Trợ giúp Pháp lý ra đời, những 'người người yếu thế' (người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người khuyết tật…) do khó khăn về tài chính nên không có điều kiện thuê luật sư bảo vệ quyền lợi của mình đã được trợ giúp pháp lý miễm phí. Tuy nhiên, nhiều người dân trong diện được trợ giúp pháp lý vẫn chưa biết đến hoạt động này cũng như quyền được trợ giúp pháp lý của mình.

Người người yếu thế” (người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người khuyết tật…) được trợ giúp Pháp lý miễn phí.

Người người yếu thế” (người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người khuyết tật…) được trợ giúp Pháp lý miễn phí.

Luật Trợ giúp Pháp lý năm 2017 ra đời một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Nhà nước đối với các đối tượng yếu thế trong việc tiếp cận công lý, góp phần đảm bảo quyền công dân, quyền con người đồng thời cũng thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của “người yếu thế” trong xã hội (người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người khuyết tật…). Những người này có nhiều hoàn cảnh khác nhau do không có kinh phí và sự hiểu biết. Vì vậy, không có điều kiện thuê luật sư bảo vệ quyền lợi của mình.

Trợ giúp viên pháp lý là viên chức Nhà nước, do Nhà nước tuyển dụng và trả lương, có yêu cầu và trình độ đào tạo, chuyên mông nghiệp vụ tương đương với Luật sư. Hoạt động của trợ giúp viên pháp lý là cung cấp dịch vụ pháp lý nhưng khác với luật sư ở chỗ: Trợ giúp viên Pháp lý không thu tiền của người được trợ giúp pháp lý.

Qua công tác xét xử, nhiều Thẩm phán đánh giá cao sự tận tâm của những trợ giúp viên pháp lý với những luận cứ, luận chứng giúp TAND xét xử đúng người, đúng tội. Việc trợ giúp viên pháp lý lăn xả vào vụ việc, đi tìm gốc rễ của từng tình tiết để tìm ra những luận chứng, bằng cứ để bảo vệ cho người cần được trợ giúp pháp lý đã tạo ra niềm tin của người dân vào pháp lý.

Nhiều "người yếu thế" vẫn chưa biết đến hoạt động này cũng như quyền được trợ giúp pháp lý của mình.

Luật Trợ giúp Pháp lý năm 2017 đã mở rộng từ 6 lên 14 nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà Nước. Trong 14 nhóm đói tượng được trợ giúp pháp lý, nhóm đối tượng là người khuyết tật được hưởng trợ giúp pháp lý có chuyển biến rõ nét về chất lượng. Các vụ việc thành công tăng đáng kể. Các trợ giúp viên pháp lý đã bảo vệ cho người được trợ giúp pháp lý trắng án hoặc chuyển tội danh, bảo vệ hợp pháp lợi ích pháp lý cho họ cũng như phòng tránh oan sai trong xét xử.

Tuy nhiên, nhiều người dân trong diện được trợ giúp pháp lý vẫn chưa biết đến hoạt động này cũng như quyền được trợ giúp pháp lý của mình. Thậm chí, khi có quyền được trợ giúp nhưng người dân vẫn tỏ ra rất dè dặt. Các luật sư tham gia trợ giúp pháp lý chia sẻ rằng: Đôi khi để người dân hình dung rõ hơn về công việc trợ giúp pháp lý miễn phí cũng gặp nhiều khó khăn. Dù đã giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu đây là trợ giúp miễn phí nhưng nhiều người đặc biệt là người dân tộc thiểu số, phụ nữ tỏ ra thận trọng.

Theo Luật sư Nguyễn Duy Nguyên - Đoàn Luật sư Hà Nội, những người yếu thế ít tiếp cận được với các cơ quan luật pháp hoặc cơ quan trợ giúp pháp lý bởi họ có sự mặc cảm, tự ty và hạn chế về hiểu biết cũng như chưa được tuyên tryền rộng rãi về hoạt động này.

Vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để pháp luật đến gần hơn với người dân và trong trường hợp người dân không thể tự bảo vệ mình, người dân sẽ tìm tới cơ quan nào để được hỗ trợ? Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chi nhánh của trung tâm đã và đang được biết đến như một địa chỉ tin cậy cho những người yếu thế trong xã hội.

Theo ông Cù Thu Anh – Cục Trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Bộ Tư pháp, Trong thời gian tới, trợ giúp pháp lý cần có cách thức phối hợp với các cơ quan liên quan để công tác trợ giúp pháp lý tiếp cận được nhanh chóng và trực tiếp với người cần được trợ giúp pháp lý. Ví du như người cần trợ giúp pháp lý đang trong hoàn cảnh bị tạm giam nếu được tiếp cận trợ giúp pháp lý ngay tại nơi tạm giam, giữ đó thì công tác trợ giúp sẽ có hiệu quả ngay từ ban đầu.

Như vậy, cùng với sự chủ động của ngành tư pháp, Cục Trợ giúp Pháp lý và các Trung tâm Trợ giúp Pháp lý rất cần sự chung tay vào cuôc của cả hệ thống chính trị để luật thực sự đi vào cuộc sống, bảo vệ hợp pháp lợi ích pháp lý cho “người yếu thế” trong xã hội trong trường hợp cần thiết.

Thanh Loan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-yeu-the-trong-xa-hoi-lam-the-nao-de-duoc-tro-giup-phap-ly-mien-phi-n180455.html