Người y tá tìm tòi, lưu giữ kỷ vật thời chiến tranh

Hơn 40 năm nay, những kỷ vật trên chiến trường chống đế quốc Mỹ của các đồng đội được ông Phạm Văn Mão (74 tuổi, ở thôn Minh Lai, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) lưu giữ lại cẩn thận và ông xem đó tài sản vô giá của một đời làm lính Cụ Hồ.

Ký ức về đồng đội

Vào những ngày đầu năm 2020, chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình ông Phạm Văn Mão. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông Mão vẫn còn khá minh mẫn. Khi được hỏi về thời kỳ hào hùng tham gia chiến đấu chống đế quốc Mỹ, ông Mão bồi hồi nhớ lại: Năm 1968, sau một tháng huấn luyện, tôi được phân công công việc làm y tá. Vượt qua “mưa bom, bão đạn” chăm chút sức khỏe và băng bó vết thương cho bộ đội.

Ông Phạm Văn Mão (mặc trang phục quân đội, ngồi giữa) đang giới thiệu về những kỷ vật của đồng đội.

Ông Phạm Văn Mão (mặc trang phục quân đội, ngồi giữa) đang giới thiệu về những kỷ vật của đồng đội.

Sau một thời gian nhập ngũ, ông Mão được biên chế vào đội trinh sát thông tin vô tuyến ở Tiểu đoàn 71, Binh trạm 33, Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn. Thời gian này đơn vị ông tham gia chiến đấu rất nhiều trận đánh với quân địch tại các chiến dịch đường 9 Nam Lào, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tại đây, ông đã chứng kiến biết bao đồng đội đã nằm lại chiến trường. Từ mất mát và đau thương ấy, ông nảy sinh ra ý định lưu giữ lại kỷ vật của đồng đội để làm kỷ niệm. Ông Mão kể: “Từ năm 1969, trong những trận sát lá cà với quân địch, đồng đội hy sinh rất nhiều. Từ lúc này, tôi nảy ra ý nghĩ muốn lưu giữ lại những kỷ vật gắn với những kỷ niệm trên chặng đường chiến đấu cùng đồng đội để sau này có thể ôn lại quá khứ hào hùng. Trong suốt thời gian chiến đấu ở chiến trường, những kỷ vật nào nhỏ gọn thì tôi cầm theo, còn những kỷ vật, vật dụng không tiện mang theo dễ hư hỏng, mất mát, vướng víu thì tôi chôn dưới đất, đánh dấu các ký hiệu để sau này đi tìm lại”.

Sau khi đất nước thống nhất, y tá Mão trở về quê hương tiếp tục đóng góp sức mình vào phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Ông đảm nhiệm nhiều cương vị, như: Bí thư Đảng ủy xã, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc... Đến năm 1999, do sức khỏe yếu, ông Mão xin nghỉ công tác về phụ giúp gia đình.

Về nghỉ hưu nhưng nhớ lại những đồng đội, nhớ lại chiến trường xưa, ông lại vác ba lô lên đường vào Nam ra Bắc đi tìm lại những kỷ vật thời chiến. Trong 20 năm qua, ông Mão vượt rừng, lội suối tới những nơi cùng đồng đội từng chiến đấu, tìm đến những ký hiệu năm xưa để tìm lại kỷ vật. Có những kỷ vật được tìm thấy, có những kỷ vật không tìm thấy do sự thay đổi của địa hình. Đến nay, ông Mão đã tìm được gần 200 kỷ vật quý. Các kỷ vật có nhiều loại khác nhau như: dao, hộp đựng cơm, mảnh dù, võng, thư viết tay, dây thắt lưng, bình đựng nước... Với ông việc lưu giữ những kỷ vật này như một sự tưởng nhớ, tri ân về đồng đội. Vì vậy, tất cả đều được ông nâng niu, như báu vật của cuộc đời mình.

Một kỷ vật, một kỷ niệm

Mỗi kỷ vật đều gắn với kỷ niệm về một câu chuyện xúc động của đồng đội trong những lần hành quân hay trận đấu ác liệt với quân địch được ông Mão mang về và lưu giữ.

Một trong gần 200 kỷ vật được ông trân trọng đó là chiếc lược làm từ vỏ máy bay đã cũ. Mỗi lần nhìn chiếc lược, ông lại nhớ người đồng đội với lời gửi gắm trước lúc hy sinh. Ông Mão bồi hồi nhớ lại: Người đồng đội ấy là Lê Văn Nhượng, quê ở tỉnh Hà Bắc lúc bấy giờ. Mong muốn làm một chiếc lược từ xác máy bay mang về tặng người yêu, người lính trẻ đã bỏ bao công sức ngày đêm để tự tay làm chiếc lược. Nhượng đã luôn đem theo chiếc lược bên mình, gìn giữ cẩn thận. Một lần, ông Mão cùng đồng đội đi trinh sát thì bị địch tập kích, Nhượng bị thương nặng. Trước lúc hy sinh, Nhượng đã lôi trong túi áo ra chiếc lược đặt vào tay tôi rồi dặn dò: “Anh cố gắng mang về trao cho người yêu em với”.

Những lời nhắn nhủ của đồng đội luôn là động lực cho ông Mão trong những tháng ngày lăn lộn nơi chiến trường. Chiến tranh qua đi, hòa bình lập lại, ông Mão về quê của đồng đội tìm lại người con gái ấy. Tuy nhiên, người con gái đã chuyển đến một địa phương khác sinh sống. Ông đã để lại thông tin và nhắn gửi mong muốn tìm gặp người con gái ấy nhưng đến nay vẫn chưa có tung tích gì. Chiếc lược hiện vẫn được ông giữ lại với nỗi niềm day dứt chưa thực hiện được lời hứa với đồng đội.

Xếp lại các kỷ vật, ông Mão cầm chiếc bình toong đựng nước lên (một loại bình đựng nước) xúc động kể: Lúc ấy, trong một chuyến trinh sát, tôi có nhiệm vụ đi tìm nước uống cho mình và đồng đội bị thương. Tìm đến một con suối gần hành trình trinh sát thì suối cạn khô. Lúc này phát hiện một tên lính ngụy bị thương nặng khó có thể qua khỏi nằm cạnh suối. Gặp tôi, tên lính ngụy giơ tay xin hàng, cầu cứu. Nghĩ đến một con người bên vực cái chết, tôi cõng tên lính ngụy vào một khu râm mát gần đó, băng bó vết thương. Tên lính ngụy nói rằng, với vết thương này, hắn không thể sống được nên đưa chiếc bình tông còn hơn nửa bình nước cho tôi. Bình nước này đã giúp những đồng đội bị thương sống sót qua cơn khát.

Còn có nhiều kỷ vật khác như chiếc võng màu xám là câu chuyện cảm động của y tá Mão và đồng đội đã đỡ đẻ cho một nữ đồng chí chưa kịp biết tên, địa chỉ; con dao mổ vết thương cứu sống nhiều đồng đội vẫn còn...

Ông Mão luôn mong muốn có một nơi để trưng bày những kỷ vật của đồng đội để mọi người, đặc biệt thế hệ trẻ có thể đến thăm quan. Biết được tâm nguyện của ông, một số đơn vị đã hỗ trợ giúp ông một số thiết bị để trang trí, trưng bày hơn 100 kỷ vật của đồng đội tại gian nhà nhỏ của gia đình. Tuy nhiên, do nhà xuống cấp cần sửa sang lại nên hiện giờ những kỷ vật lại được cất vào hai chiếc ba lô đã từng theo ông suốt những năm vào chiến trường.

Ông Mão vẫn day dứt khi chưa trao chiếc lược đến tay người yêu của đồng đội đã hy sinh.

Trăn trở một tâm nguyện

Sau ngày đất nước hoàn toàn được độc lập, ông Mão đã lên đường đi tìm được nhiều kỷ vật của đồng đội cũ. Tuy nhiên theo như ông Mão cho biết vẫn còn khoảng 30 kỷ vật đã được cất giấu trước đó mà chưa tìm lại được. Và cũng có những đồng đội vẫn còn nằm lại nơi chiến trường. Điều kiện kinh tế khó khăn, sức khỏe mỗi năm một yếu, ông Mão vẫn đau đáu một tâm nguyện là đi tìm cho hết các kỷ vật và hài cốt đồng đội.

Để thực hiện được những chuyến đi trở lại chiến trường xưa, ông Mão đã tự đi làm thuê kiếm tiền để trang trải cho chuyến đi. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, có những lần gia đình ông Mão phải bán cả con lợn nái để ông có tiền chi phí đi đường. “Mỗi kỷ vật đều mang ý nghĩa quan trọng, thiêng liêng vì đều gắn với những khoảnh khắc in đậm trong tâm khảm về một thời chiến tranh ác liệt nhưng hào hùng của dân tộc. Khoác ba lô đi khắp các chiến trường xưa từ chiến trường Lào, Lao Bảo, Quảng Nam đến Kon Tum...để tìm lại kỷ vật của đồng đội mới thấy mình sống có ý nghĩa”- Ông Mão chia sẻ. Bên cạnh đi tìm kiếm kỷ vật, ông Mão còn tham gia tìm kiếm mộ đồng đội. Ông Mão cùng với đoàn tìm kiếm thân nhân liệt sĩ Thanh Hóa đã 3 lần lặn lội vào chiến trường xưa để tìm mộ đồng đội.

Ngoài điều kiện kinh tế khó khăn, đi lại xa vất vả trong cơ thể ông Mão vẫn đang còn mảnh đạn cứ hành hạ ông mỗi khi thời tiết thay đổi. Thế nhưng, ông Mão vẫn chưa bao giờ có ý định dừng cuộc tìm kiếm kỷ vật thiêng liêng của đồng đội. Ước nguyện lớn nhất của ông Mão là được tìm thấy hết những kỷ vật và hài cốt bộ đội nằm lại chiến trường đưa về quê hương. Để tri ân đồng đội, ông Mão cũng mong muốn có một nơi lưu giữ gần 200 kỷ vật của mình. Cùng với những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội, những kỷ vật đó sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc, hiểu hơn sự hy sinh của cha ông để thống nhất nước nhà.

Bài và ảnh: Phạm Nhài

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-y-ta-tim-toi-luu-giu-ky-vat-thoi-chien-tranh-n168981.html