Người xưa học văn chương

Trong những điều tự xưng, tự nói về mình thì câu 'Việt Nam là một nước có nền văn hiến', theo thiển ý của tôi là hoàn toàn có cơ sở. Nguyễn Trãi cũng đã nói về điều này trong 'Bình Ngô đại cáo': 'Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu'.

Nghiên cứu chuyện học hành, thi cử của người Việt từ xưa đủ chứng minh điều đó. Cách đây hơn một thiên niên kỷ, khi nhà Lý lên ngôi, quyết định dời kinh đô ra Thăng Long, các vua Lý đã tính đến chuyện xây một nền văn hiến, bởi chỉ có nền văn hiến mới giữ được nền độc lập tự chủ lâu bền, mới chống lại mưu toan đồng hóa, nô dịch của những nước lớn. Trong “Chiếu dời đô” của vị vua đầu triều Lý Thái Tổ đã thể hiện một tầm nhìn sâu rộng, ông gọi Thăng Long là “nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.

Thấm nhuần bốn chữ “Thượng đô kinh sư”, sang triều vua thứ ba, Lý Thánh Tông đã cho lập Văn Miếu để phụng thờ các vị tiên hiền đạo Nho, tôn vinh sự học. Sang đời vua thứ tư, vua Lý Nhân Tông, mặc dù là thời kỳ phải đối mặt với quân xâm lược nhà Tống, vua vẫn cho xây Quốc Tử Giám, kể từ đây nền giáo dục đại học nước Việt được khai sinh, tuy rằng trường Quốc Tử Giám thời đó chỉ mới ành cho các con em trong hoàng tộc đến học.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi linh thiêng thờ đạo học và vinh danh các nhà khoa bảng của cha ông ta.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi linh thiêng thờ đạo học và vinh danh các nhà khoa bảng của cha ông ta.

Sang thời Trần, vua đầu triều Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc học viện và cho mở rộng để thu nhận cả con em các gia đình thường dân có sức học xuất sắc. Tại đây, chức năng trường Quốc học ngày càng nổi bật hơn chức năng của một nơi tế lễ. Sang đời vua Trần Minh Tông, Chu Văn An được cử làm quan Tư nghiệp Quốc Tử Giám, vừa làm quản lý (như chức Hiệu trưởng bây giờ) vừa trực tiếp dạy dỗ các hoàng tử và môn sinh.

Năm 1370, khi Chu Văn An mất, vua Trần Nghệ Tông cho lập khán thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử. Sang thời Hậu Lê, nho giáo rất thịnh hành. Sự học phát triển rực rỡ. Trong suốt chiều dài lịch sử, nền khoa bảng nước ta đã chứng kiến nhiều khoa thi và hình thức thi cử mỗi thời cũng có khác nhau, nhưng tựu trung nhất, người muốn được bổ dụng làm quan phải trải qua ba kì thì: thi Hương, thi Hội, thi Đình. Kỳ thi nào thí sinh cũng phải làm bài thi ám tả cổ văn, chép một đoạn trong Tứ thư, Ngũ kinh. Những sách này chứa đựng cả văn học, đạo đức học, luật học…

Nói như bây giờ, đó là sách thuộc khối Khoa học xã hội và nhân văn. Nhưng quan trọng nhất là bài thi sáng tác thơ Đường luật và bài văn sách luận về chiến lược xây dựng, cai quản và bảo vệ đất nước. Nếu không đạt một trong hai phần này là trượt.

Người đỗ đầu khoa thi Đình gọi là Đình nguyên hoặc Điện nguyên - danh hiệu vinh dự cho thủ khoa tiến sĩ. Tùy theo khoa thi Đình năm đó lấy đến học vị nào là cao nhất mà người ta gọi Đình nguyên Trạng nguyên, Đình nguyên Bảng nhãn, Đình nguyên Thám hoa hay Đình nguyên Hoàng giáp, thậm chí Đình nguyên Đồng tiến sĩ. Có nhiều thí sinh thi đỗ khoa thi này mà làm nên nghiệp lớn, mang lại danh thơm cho nước nhà, lưu tên tuổi cho hậu thế. Nhưng hiền tài xuất hiện nhiều hay ít còn phụ thuộc vào tầm nhìn và tài năng của đức vua triều ấy nữa.

Xin lấy một số sự kiện thời Lê Sơ làm ví dụ.

Nếu thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn Lê Lợi không nhìn ra Nguyễn Trãi và thu nhận ông đi theo nghĩa quân tham gia kháng chiến chống giặc Minh, chỉ định đích thân Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo” thì trong di sản văn hiến Việt Nam sẽ không thể có những áng văn kiệt tác ấy. Ngược lại, nếu không có “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi thì cuộc kháng chiến chống giặc Minh khó có thể thắng lợi vẻ vang như thế. Ở đây, rõ ràng cả chủ tướng Lê Lợi và văn thần Nguyễn Trãi đều nhìn ra thứ vũ khí mềm mại nhưng vô cùng lợi hại, đó là văn chương.

Văn chương làm vũ khí tập hợp đoàn kết dân tộc, cổ vũ tinh thần tướng sĩ, làm bải hoải rã rời tinh thần quân giặc, đó chỉ là tác dụng trước mắt; còn tác dụng dài lâu chính là văn chương sẽ góp phần quan trọng làm nên nguyên khí quốc gia (theo cách nói của Thân Nhân Trung sau đó ít năm). Cái nguyên khí ấy mới làm nên diện mạo và cốt cách dân tộc.

Tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc” đã được nhiều người, nhiều thế hệ hôm nay nhắc đi nhắc lại đến quen thuộc. Nhưng tư tưởng “Trị nước phải lấy nhân tài làm gốc” đã có từ lâu nhưng ít người biết tới. Trong hàng trăm bài văn sách thi Đình còn lại đến ngày nay, bài của Trạng nguyên Nguyễn Trực viết rất hay về ý tưởng này, nó quán xuyến suốt cuộc đời làm quan của ông sau này. Trong kì thi Đình năm 1469, vua Lê Thánh Tông phân công Nguyễn Trực làm chánh chủ khảo, ông đã phát hiện và chấm bài luận văn của Thân Nhân Trung đỗ tiến sĩ đầu khoa. Sau đó Thân Nhân Trung đã thể hiện được tài năng của mình khiến vua Lê Thánh Tông đặc biệt ngợi khen.

Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử giám là nét đẹp trong đạo học và tôn vinh thi ca của dân tộc.

Để dẫn dắt công chúng đến với văn chương và vinh danh văn chương, vua Lê Thánh Tông cho lập Tao đàn nhị thập bát tú gồm 28 thành viên có thực tài do đích thân vua làm Đô súy (Tao đàn trưởng) và ngài đã bổ nhiệm Thân Nhân Trung làm Phó Đô súy. Để vinh danh hiền tài, Lê Thánh Tông thấy cần thiết phải dựng bia đá đề tên tiến sĩ, nói lên vai trò của hiền tài như một điều kiện quan trọng bậc nhất để làm nên sự hưng thịnh cho đất nước. Thân Nhân Trung, người giỏi văn nhất khoa thi Đình 1469, được vua sai soạn lời khắc lên tấm bia tiến sĩ đầu tiên. Tấm bia ghi danh những tiến sĩ khoa thi 1442.

Trong văn bia ấy, Thân Nhân Trung viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí”.

Sau này, khi mà nhà Lê đã bước sang thời mạt, kể cả sang “vua Lê chúa Trịnh” thì truyền thống coi hiền tài là gốc vẫn còn lan tỏa, vẫn xuất hiện những đại thần rất giỏi khoa học xã hội và nhân văn như Nguyễn Công Hãng, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm…Văn chương đã bồi đắp, tôi rèn cho họ một bản lĩnh cao cường để họ hành xử xuất sắc trong những tình huống khó khăn. Chẳng hạn, triều vua Lê Thần Tông, có chuyện một lần đi sứ của Giang Văn Minh mà nhiều bộ sử còn ghi lại.

Giang Văn Minh làm Chánh sứ, đến Yên Kinh vào năm 1638. Chưa kịp bàn chuyện “quốc gia đại sự”, ông vua ngạo mạn Sùng Trinh đã ra một vế đối: "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục". Nghĩa là: "Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc". Câu này có hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong).

Giang Văn Minh liền dõng dạc đối lại bằng câu: "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng". Nghĩa là: "Sông Bạch Đằng thủa trước máu còn loang đỏ". Vế đối này nhằm nhắc vua Sùng Trinh chuyện người phương Bắc đã ba lần mang quân sang xâm lược bị người Việt đánh cho tan tác trên sông Bạch Đằng máu hãy còn đỏ, hãy nhớ bài học vô cùng đắt giá ấy mà liệu đường ứng xử!

Sùng Trinh bừng bừng nổi giận, quên mất thể diện quốc gia, bất chấp luật lệ bang giao, đã ra lệnh đổ trám đường vào miệng và mắt Giang Văn Minh, rồi cho mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Khi thi hài Giang Văn Minh về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông bái kiến linh cữu, truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công, và ban tặng câu “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng”. Nghĩa là "Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ".

Lê Hoài Nam

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nguoi-xua-hoc-van-chuong-578250/