Người xưa có gặp biến chứng với răng khôn?

Răng khôn và các vấn đề với răng khôn gây nhiều đau đớn, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người bệnh. Hiện nay, kỹ thuật nha khoa hiện đại trong xử lý các vấn đề với răng khôn không còn quá phức tạp. Một câu hỏi đặt ra rằng, người xưa có gặp vấn đề với răng khôn? Răng khôn được xử lý thế nào khi nền nha khoa chưa đủ hiện đại?

Lược sử về chiếc răng khôn

Thế kỷ 12 trước công nguyên xuất hiện tư liệu đầu tiên về phẫu thuật nha khoa từ người Hy lạp cổ đại liên quan về dụng cụ nhổ răng. Năm 500-300 năm trước công nguyên, Hippocrates và Aristotle đã viết về chủ đề nha khoa, trong đó có nhổ răng bằng kềm.

Răng khôn dễ gây ra sâu răng kế cận

Răng khôn dễ gây ra sâu răng kế cận

Năm 1723, Pierre Fauchard (1678-1761), cha đẻ của nha khoa hiện đại, đã xuất bản cuốn sách Le Chirurgien Dentiste, về giải phẫu cơ bản và kỹ thuật phẫu thuật của phẫu thuật miệng, trong đó có cải tiến về kềm cho nhổ răng.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, thời xa xưa con người ít gặp phải các vấn đề về răng khôn so với hiện nay có thể do nhiều lý do: thức ăn cứng đã kích thích sự phát triển của hệ thống nhai và sự phát triển của cung hàm đủ chỗ cho răng khôn mọc. Do đó, răng khôn ít hoặc không gây các biến chứng.

Họ sử dụng những phương pháp phẫu thuật như cắt bỏ phần mô nướu viêm bao phủ phần thân răng khôn mọc lệch để loại bỏ những chỗ nhồi nhét thức ăn (tương tự như phương pháp cắt lợi trùm vẫn còn sử dụng hiện nay), các phương pháp dân gian như ngậm nước muối, các loại thảo dược tự nhiên để làm giảm đau, viêm,… và các biện pháp để giữ vệ sinh răng miệng hạn chế các biến chứng của mọc răng khôn. Bước vào thời hiện đại, các nha sĩ cũng thực hiện nhổ răng với thuốc gây tê, tuy nhiên tác dụng và hiệu quả giảm đau không được như hiện nay, nên người bệnh chịu khá nhiều đau đớn và khó chịu.

Nang trong xương hàm do răng khôn mọc ngầm

Cuối thế kỷ 19, phẫu thuật nhổ răng khôn hình thành nhờ vào việc sử dụng gây tê tại chỗ cùng với sự phát triển của X quang. Kỹ thuật nhổ răng khôn đã được thay đổi, chỉnh sửa nhiều lần tùy theo chiều thế của răng khôn. Đầu tiên, các dụng cụ bằng tay được sử dụng; sau đó, các thiết bị máy móc được ứng dụng để cắt xương và tách răng. Đến những năm 50, các bệnh nhiễm trùng nặng trở nên hiếm gặp, nhờ vào việc sử dụng kháng sinh. Nhiều báo cáo liên quan đến thủ thuật tạo vạt, mở xương và cắt răng để nhổ răng khôn đã được hình thành những năm sau đó. Hiện nay, phẫu thuật nhổ bỏ răng khôn là đã có quy trình thủ thuật thường quy.

Nhiều biến chứng nguy hiểm khôn lường

Không phải tất cả răng khôn đều phải nhổ, khi răng khôn mọc thẳng, thường chúng sẽ như quá trình mọc các răng thông thường hay chỉ gây ra một ít khó chịu và có thể tham gia vào quá trình ăn nhai nên hoàn toàn có thể chăm sóc, giữ lại. Khi răng khôn mọc nghiêng lệch do thiếu chỗ hoặc mọc sai vị trí (chiếm đa số các trường hợp), chúng sẽ gây ra một số biến chứng như:

- Bệnh nha chu và sâu răng: Vị trí răng khôn tựa vào răng kế cận (mặt xa răng cối lớn thứ hai) thường nhồi nhét thức ăn, khó giữ vệ sinh răng miệng, gây sâu răng kế bên hoặc chính răng khôn; viêm nướu, tiêu xương và viêm nha chu. Nếu nhổ sớm răng khôn mọc lệch, có thể ngăn ngừa bệnh sâu răng, nha chu. Khi lành thương, xương sẽ lấp kín vùng thân răng lệch chiếm chỗ trước đó.

- U hay nang bệnh lí trong xương hàm liên quan đến răng khôn: Khi răng khôn mọc ngầm trong xương hàm, bao mầm răng vẫn còn tồn tại, trong một số trường hợp có thể thoái hóa thành nang hoặc u. Nếu không được phát hiện sớm, những tổn thương này có thể diễn biến âm thầm, gia tăng kích thước lớn, phá hủy xương hàm, gây biến dạng mặt.

Răng mọc lệch dễ gây nhồi nhét thức ăn

- Gây chen chúc răng phía trước: Nhiều nghiên cứu nhận thấy sự mọc răng khôn có ảnh hưởng đến sự chen chúc trễ của răng hàm dưới, nhất là sau khi chỉnh hình răng xong.

- Viêm quanh thân răng (viêm lợi trùm), viêm mô tế bào: Răng mọc lệch khó vệ sinh, dễ nhồi nhét thức ăn gây đau, sưng, nhiễm trùng, có thể có mủ xung quanh răng (viêm quanh thân răng- viêm lợi trùm). Nếu nặng hơn có thể sưng đau nhiều, đôi khi kèm sốt (viêm mô tế bào).

KHÁM RĂNG MIỆNG CÓ AN TOÀN TRONG THỜI ĐỂM DỊCH?
Thưa BS, trong tình hình dịch bệnh COVID-19, nha khoa là một trong những lĩnh vực thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm cao. Liệu có an toàn cho người dân khi đến khám, điều trị các vấn đề về nha không?
BS.CKI Phan Cảnh Thịnh - Trưởng khoa nhổ răng BV Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM:
Các hoạt động thăm khám, điều trị trong chuyên khoa răng - hàm - mặt tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao trong việc lây lan các bệnh truyền nhiễm nói chung như lao, viêm gan... và COVID-19 nói riêng, nếu không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân cũng như sức khỏe của các cán bộ y tế ở các cơ sở điều trị, nhân viên y tế cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn theo đúng khuyến cáo của ngành.
Cán bộ y tế cần trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân đúng các như: khẩu trang, nón y tế, kính mắt bảo vệ, thậm chí là tấm màng bảo vệ, áo choàng y tế... trong các trường hợp chuyên biệt. Trong hoạt động thăm, khám, điều trị tại phòng khám chuyên khoa cần tuân thủ đúng các quy định về kiếm soát nhiễm khuẩn của bộ y tế, tuân thủ nghiêm ngặt việc khử khuẩn, tiệt khuẩn các dụng cụ thiết bị. Đảm bảo vệ sinh bề mặt tiếp xúc, bề mặt làm việc, khử khuẩn không khí trước và sau khi thực hiện kỹ thuật cho từng bệnh nhân. Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, các hệ thống máy hút hiệu quả cao có thể được đưa vào sử dụng để tránh phát sinh giọt bắn ra ngoài môi trường. Công tác khám sàng lọc được thực hiện nghiêm ngặt nhiều chốt, nhiều lớp nhằm nâng cao hiệu quả sàng lọc, kiểm soát bệnh nhân.
Bệnh nhân khám cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo phòng dịch như đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách, khai báo y tế... đồng thời bệnh nhân cũng được cho súc miệng bằng các dung dịch dung dịch khử khuẩn ở các phòng khám, góp phần tiêu diệt, hạn chế sự phát triển của các mầm bệnh có trong khu vực khoang miệng, niêm mạc họng như vi khuẩn, vi rút.
Với nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện, các hoạt động khám chữa bệnh nói chung và tại các chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt nói riêng, hoàn toàn đảm bảo an toàn cho người bệnh. Do đó người dân không nên vì lo ngại mà tự ý điều trị, tự dùng thuốc và để xảy ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe, đôi khi phải trả giá đắt bằng sinh mạng.

BS.CKI PHAN CẢNH THỊNH

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-xua-co-gap-bien-chung-voi-rang-khon-n180839.html