Người xây tình hữu nghị giữa các dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với nhân loại tiến bộ bằng tình yêu đối với hòa bình và bằng việc tổ chức nhân dân Việt Nam đấu tranh giành hòa bình và xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và với cộng đồng quốc tế. Là chiến sĩ kiên cường trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc, Bác đã để lại những di sản có ý nghĩa lớn lao đối với thời đại ngày nay.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam từ một dân tộc bị áp bức, sống khổ cực trong chiến tranh đã trở thành một quốc gia hòa bình, độc lập, tự do và bình đẳng, hữu nghị với cộng đồng quốc tế. Đây là câu trả lời cho tất cả các quốc gia đang đấu tranh để có một nền hòa bình chân chính và là một Di sản nổi bật của Người đối với thời đại ngày nay. Lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể coi như một bản thông điệp sống động đối với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia kém phát triển, đa sắc tộc trước xu thế phát triển của thời đại cần có quyết tâm cao và tránh sự mất độc lập, tự chủ về đường lối. Bài học xương máu là chỉ có hòa bình thực sự khi gắn hòa bình với độc lập và thống nhất dân tộc.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, những bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp ứng xử nhân nhượng có nguyên tắc trong đấu tranh vì hòa bình và trong quan hệ quốc tế thực sự là một di sản có giá trị để bảo vệ hòa bình hiện nay. Những người từng đối thoại với Người đều tỏ lòng kính trọng đối với “một con người mềm dẻo, kiên nhẫn, ôn hòa, luôn luôn tìm cách hòa giải về thể thức chuyển hóa”, đều ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “người luôn luôn biết giải quyết những vấn đề khó khăn với nụ cười trên môi”.

Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là hòa bình hữu nghị và tiến bộ ở Việt Nam mà còn là tác động lớn lao của nó đối với sự nghiệp bảo vệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển của toàn nhân loại trong thời đại ngày nay.

Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là hòa bình hữu nghị và tiến bộ ở Việt Nam mà còn là tác động lớn lao của nó đối với sự nghiệp bảo vệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển của toàn nhân loại trong thời đại ngày nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã bắc những nhịp cầu hữu nghị, đẩy mạnh việc giao lưu, tiếp xúc nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Sau khi Việt Nam giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng giáo dục nhân dân về lòng yêu hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc, biết kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Bác cũng là người đặt nền móng cho chính sách mở cửa và hợp tác rộng rãi của Việt Nam với thế giới trên mọi lĩnh vực. Suốt đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi lý tưởng hữu ái, đoàn kết, thân thiện giữa các dân tộc, không phân biệt chủng tộc và màu da.

Trên tạp chí Ngọn lửa nhỏ, số 39, năm 1924, nhà văn, nhà báo Liên Xô Ô-xít Man-đen-xtam, trong bài Thăm một chiến sĩ Cộng sản quốc tế - Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai... Qua phong thái thanh cao trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”. Rồi, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm công bố chính sách đối ngoại nhất quán của Nhà nước Việt Nam: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai...”.

Ở khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Paris, Pháp (từ ngày 20-10 đến 20-11-1987), đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, vào năm 1990. Tại Nghị quyết quan trọng này, Đại hội đồng UNESCO đã khuyến nghị các nước thành viên “cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người” và đề nghị ông Tổng GĐ UNESCO “triển khai các biện pháp thích hợp để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động diễn ra ở Việt Nam”.

Thực hiện Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều hoạt động cụ thể đã được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Phát biểu ý kiến tại Hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa lớn”, tổ chức tại Hà Nội, tháng 3-1990, TS Modagat Ahmet, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng GĐ UNESCO, đã nhấn mạnh: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.

Đặc biệt ở Ấn Độ, với tinh thần coi việc kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nghĩa vụ quốc tế mà là trách nhiệm quốc gia của toàn thể nhân dân Ấn Độ, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập Ủy ban Quốc gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chandra Shekhar làm Chủ tịch. Nhiều hình thức kỷ niệm trọng thể được tổ chức kéo dài tròn một năm, từ ngày 19-5-1990 đến 19-5-1991. Thủ tướng Chính phủ Ấn Độ khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn cờ cổ vũ đối với các dân tộc đấu tranh cho hòa bình và tự do trên toàn thế giới”!...

Và không chỉ ở Ấn Độ, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thống kê được, những năm 90 của thế kỷ trước, trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp, Việt Nam còn bị bao vây, cấm vận, trên thế giới vẫn có rất nhiều hoạt động hưởng ứng khuyến nghị của UNESCO về việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định, danh xưng Hồ Chí Minh đã được trân trọng ghi vào các bộ đại bách khoa, các bộ từ điển danh nhân của thế giới, nhiều nước trên thế giới đặt tên Người cho các quảng trường, đường phố, trường học, BV; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, triển lãm… và xây dựng tượng đài kỷ niệm về Người như tại Pháp, Trung Quốc, Nga, Thái Lan, Lào, Hàn Quốc, Ấn Độ, Cu-ba, Madagastca... Đó chính là sự tri ân của các thế hệ hôm nay đối với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Người đã bắc nhịp cầu “Hữu nghị và hòa bình giữa nhân dân toàn thế giới”.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-xay-tinh-huu-nghi-giua-cac-dan-toc-192968.html