Người võ sư Tây Sơn có 'trái tim nóng' với trẻ em khuyết tật

'Trong tương lai, nếu có điều kiện, tôi hy vọng mình có thể mở một võ đường dành riêng để dạy võ cho các em khuyết tật. Nếu có thể, tôi cũng sẽ mở một phòng tranh để tạo công ăn việc làm lâu dài cho những em khuyết tật, trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Tôi sẽ nỗ lực hết sức mình để các em chứng minh mình là những con người tuy tàn nhưng không phế' - võ sư Hà Trọng Khánh chia sẻ với người viết.

Vào sáng thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần, tại Trung tâm nuôi dạy trẻ em cơ nhỡ và mồ côi (số 45, Nguyễn Văn Bảo, phường 4, quận Gò Vấp, TP.HCM), nhiều người không khỏi bất ngờ và cảm động khi bắt gặp hình ảnh một người thầy nhiệt huyết, trán đẫm mồ hôi đang chỉ dạy tận tình cho các em nhỏ khuyết tật tại tiền sảnh của trung tâm.

Võ sư “nhập vai” từng môn sinh “khuyết tật”

Người thầy nhiệt huyết ấy là võ sư Hà Trọng Khánh (địa chỉ 12/40/5, ấp 5, xã Đông Thạch, huyện Hóc Môn, TP.HCM) và lớp dạy võ ở trung tâm trên là do thầy Ngọc Khánh “thiện nguyện” mở ra để rèn luyện sức khỏe cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, thiểu năng. Hiện, trung tâm có hơn 40 em nhỏ theo học và đó cũng là 40 số phận khác nhau. Đa phần các em đều bị cha mẹ bỏ rơi khi vừa cất tiếng khóc chào đời. Với những khiếm khuyết khác nhau, võ sư Hà Trọng Khánh cũng phải soạn ra những giáo trình luyện tập khác nhau cho các em nhỏ.

“Muốn dạy những đứa trẻ “đặc biệt” này, thì tôi cũng phải đặc biệt như chúng”. Trong suốt hơn 7 năm dạy các em, tôi đã phải “nhập vai”, đặt bản thân mình vào từng em thì mới có thể luyện tập cho các “môn sinh khó tính này”. Từ đó, tôi đã chuẩn bị giáo án riêng, chia các em thành các lớp khác nhau: Lớp khuyết tật các bộ phận cơ thể, lớp bại liệt ngồi xe lăn và lớp thiểu năng” - thầy Khánh cho hay.

Võ sư Hà Trọng Khánh chia sẻ thêm, việc huấn luyện võ thuật cho những em bình thường đã vất vả, dạy võ cho những em khuyết tật còn khó khăn hơn rất nhiều lần. Bởi, võ thuật cần những hành động dứt khoát, những động tác nhanh nhẹn, mà các em lại không có. Thế nhưng, thầy Khánh chưa bao giờ chán nản và chưa bao giờ có tâm lý bỏ cuộc.

Võ sư Hà Trọng Khánh

Mối lương duyên với trẻ em khuyết tật

“Võ sư của trẻ em khuyết tật”, đó là cái tên hoa mỹ của những người dân sống gần trung tâm đã đặt cho thầy Khánh. Người dân không ngoa khi đặt tên ấy cho vị võ sư, vì đó là cả một quá trình tiếp xúc, yêu thương, quan tâm và luyện tập cho các em nhỏ khuyết tật. Mối “lương duyên” ấy đến cũng thật bất ngờ theo lời kể của võ sư Hà Ngọc Khánh: “Cách đây 7 năm, khi đang dạy võ cho các môn sinh ở võ đường quận 12, tôi bắt gặp một em nhỏ đang đứng lấp ló sau giảng đường theo dõi lớp học. Khi lại gần, tôi thấy em không phải là một em bé bình thường mà em bị cụt một tay. Em thích học võ lắm nhưng do mẹ không có tiền và thấy mình không được lành lặn như mọi người nên ngại không dám xin vào. Khi tôi vừa hỏi đến hoàn cảnh gia đình thì bé mếu máo, nói không thành lời…”

Em tên là Huỳnh Hoa Hạ. Gia đình em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ba em làm lao động bốc vác, mẹ là công nhân may cho một công xưởng trên địa bàn. Thế nhưng số phận trớ trêu, trong một lần hai cha con chạy xe máy từ Sài Gòn đi Bình Dương, tai nạn giao thông đã cướp đi người cha thân yêu và một cánh tay của em. “Câu chuyện của em như chạm đến miền ký ức “ba nổi, bảy chìm” của tôi vậy. Ngày đó gia đình tôi nghèo đâu có tiền mà theo học mấy lớp võ thuật. Cha mẹ tôi chỉ là những nghệ nhân tuồng cổ hát bộ Bình Định, những đồng lương ít ỏi đó cũng chỉ đủ ăn. Thế rồi, mẹ tôi phải bán đi sợi dây chuyền kỷ niệm của bà để lo cho niềm đam mê võ thuật của tôi”.

Võ sư Hà Trọng Khánh chụp ảnh lưu niệm cùng các môn sinh.

Sau khi thăm hỏi ý kiến mẹ bé gái, thầy đã quyết định nhận cô bé khiếm khuyết làm học trò. Nét vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt của cô bé tàn tật. Đến lớp, cô bé ban đầu rất tự ti với mọi người, tuy nhiên sau khi được thầy Khang (võ sư phụ giảng tại trung tâm) và mọi người chỉ dạy tận tình cô bé đã hòa nhập, luyện tập rất chăm chỉ. Một thời gian sau, bé được mẹ đưa về quê sinh sống và từ đó đến nay ông không còn được gặp lại cô bé khuyết tật mà có năng khiếu võ nữa.

Trong thời gian đó, trọng tâm của võ sư luôn dấy lên suy nghĩ mở một lớp dạy võ cho trẻ em khuyết tật. Suy nghĩ ấy được nhiều người tán thành, chung chí hướng nên ông đã quyết định mở lớp. Ban đầu khi mới mở, việc dạy võ cho các em là vô cùng khó khăn đối với thầy vì mỗi em mang một bệnh lý khác nhau và hầu hết các em đều yếu ớt và ít hoạt động, trong khi đó võ thuật yêu cầu phải mạnh mẽ. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của thầy và trò, sau khi tìm ra được giáo án riêng cho các em nhỏ, võ sư đã giúp các bạn nhỏ thiểu năng, khuyết tật… cải thiện được sức khỏe rất nhiều.

Bài & ảnh: Linh Nguyễn - Sông Trường

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/nguoi-vo-su-tay-son-co-trai-tim-nong-voi-tre-em-khuyet-tat-d63893.html