Người vợ bị chồng thiêu sống hồi sinh cuộc đời nhờ thương con vô bờ bến

Bị chồng tưới xăng thiêu sống, bỏng 92% cơ thể, không ai dám tin Ngân thoát khỏi cửa tử. Thế mà, bằng tình thương yêu con vô bờ bến, chị từng bước hồi sinh cuộc đời.

Xem clip: Người phụ nữ từng bị chồng thiêu sống hồi sinh cuộc đời

Đêm kinh hoàng

Trời về chiều, chị Lê Thị Kim Ngân (34 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) tất bật dọn dẹp cửa hàng vừa mới khai trương của mình để kịp giờ đi đón 2 cậu con trai tan trường. Chị nói, sau những mất mát không thể kể hết bằng lời, giờ đây, chị yêu cuộc sống và thực sự cảm thấy hạnh phúc.

Chị kể rằng, quãng đời chị vừa bỏ lại phía sau là những nốt lặng thật buồn. Thời con gái, chị yêu rồi kết hôn với một người đàn ông không yêu thương mình. Chung sống được ít năm, người ấy bỏ đi, mặc chị bơ vơ, trơ trọi một mình.

Vết thương lòng vừa kéo da non, chị gặp và trở thành vợ của người đàn ông mà sau này đẩy cuộc đời chị vào những bi kịch. “Trước đó, tôi từng có trong tay nhiều thứ. Từ một đứa trẻ ở đợ, tôi buôn thúng bán bưng rồi trở thành thợ may, bà chủ tiệm quần áo. Tôi có con, 2 tiệm internet, mua được đất cất được nhà”, chị kể.

Chị Ngân trước khi xảy ra vụ việc đau lòng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chị Ngân trước khi xảy ra vụ việc đau lòng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thế nhưng, hạnh phúc ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Người đàn ông của chị mang bạo bệnh, chẳng thể phụ giúp gì cho vợ. Đã thế, anh còn cá độ bóng đá dẫn đến nợ nần chất chồng. Giữa lúc cùng quẫn, vào một đêm tháng 3 của 2 năm trước, anh tưới xăng, châm lửa thiêu căn nhà để cùng vợ con quyên sinh.

Tiếng bật lửa của chồng đánh thức chị trong đêm kinh hoàng ấy. Nhưng khi chị mở mắt, ngọn lửa đã bao trùm căn phòng. Cơ thể chị cũng trở thành ngọn đuốc sống. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến 2 con. Tôi cố tìm chìa chìa khóa, mở cửa, đưa 2 con ra ngoài rồi ngất lịm. Lúc tỉnh lại, tôi đã nằm trong bệnh viện, người quấn kín băng trừ đôi mắt. Tôi bị bỏng đến 92%”, chị Ngân kể.

Nhìn thấy Ngân lúc đó, nhiều người nghĩ chị sẽ sớm buông tay trước những cơn đau của cả thể xác lẫn tinh thần. Thế nhưng, tình yêu thương dành cho 2 đứa con đã giúp chị kiên cường hơn tất cả.

Chị tâm sự: “Những lúc thay băng hay phẫu thuật cấy ghép da… tôi đau đớn vô cùng. Nhìn thấy mình bị hủy hoại, tôi uất hận, nhiều lúc muốn từ bỏ cuộc đời này. Nhưng rồi tôi nghĩ đến con, chúng cần tôi bảo bọc, chăm sóc”.

Ngọn lửa từ sự cùng quẫn của người chồng đã đẩy chị vào những bi kịch không thể kể hết bằng lời. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Thương con, chị cắn răng trước những cơn đau thể xác. Những đêm nằm trong bệnh viện, chị cũng một mình chống chọi với sự ám ảnh từ vụ việc. Mỗi đêm, chị luôn bị đánh thức rồi thảng thốt một mình bởi những hình ảnh của vụ cháy đêm nào.

“Hình ảnh đêm ấy ám ảnh tôi mãi. Xuất viện trở về nhà, cùng với những vết thương, hình ảnh ngọn lửa chiếm trọn căn nhà, cơ thể... khiến tôi mệt mỏi, đau đớn. Rất may, tôi còn 2 con. Hai đứa thực sự là chỗ dựa của tôi từ hôm tôi phải tập đi lại cho đến bây giờ”, chị nói thêm.

Về nhà, Ngân chưa thể tự đi lại, đến việc sinh hoạt cá nhân, chị cũng cần có sự phụ giúp của 2 con. Chị kể, lúc xảy ra vụ việc, con chị đứa lớn mới học lớp 4, đứa nhỏ học lớp 2. Thế mà, cả hai đã biết nấu những món ăn đơn giản, đi chợ giúp mẹ.

“Hai anh em nó cho tôi uống nước, đút cơm cho tôi ăn. Lúc đó, miệng tôi chưa phẫu thuật, các cơ bị co rút, không mở to được. Mỗi khi ăn, tôi không thể dùng muỗng, hai đứa phải dùng đũa gắp từng miếng cơm nhỏ, đút cho tôi. Thậm chí, đến cả lúc đi vệ sinh, chúng cũng cùng nhau dìu tôi đi…”, chị kể.

Thế nhưng, vì thương con, chị đã cố gắng vượt qua tất cả, vươn lên, hồi sinh cuộc đời. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Hồi sinh cuộc đời

Hơn 4 tháng đầu sau khi xuất viện, Ngân sống trong đau khổ. Mọi sinh hoạt của chị đều phải lệ thuộc vào người thân. Sau những cơn đau từ các vết thương còn đang mưng mủ, chị lại vì dằn vặt bản thân, căm giận người đàn ông đã đẩy mình vào thảm kịch.

Thế nhưng, sau lần vào thăm chồng trong trại giam, chị bỗng nhận ra rằng, nếu cứ giữ mãi nỗi đau ấy trong lòng, chị và các con sẽ nặng nề, u uất mãi. Trở về nhà, chị giấu gia đình viết đơn xin giảm án cho chồng.

Chị nói: “Tôi muốn quên đi tất cả để nhẹ lòng bước đi trên một đoạn đường mới. Tôi cần phải sống tốt để chăm lo cho các con và tôi chọn cách tha thứ cho người ấy. Tha thứ để họ cảm thấy thanh thản hơn, tha thứ để mình tự cảm thấy nhẹ lòng hơn”.

“Sau khi gửi đơn và biết nhờ lá đơn ấy anh ta chỉ phải chịu hình phạt 16 năm tù, tôi cảm thấy lòng nhẹ nhõm, thảnh thơi. Tôi ngủ ngon và không bị những hình ảnh ghê rợn từ vụ cháy ám ảnh nữa”, chị nói thêm.

Để hồi sinh cuộc đời, chị quay lại với nghề may, sửa chữa quần áo dù đôi tay bị ngọn lửa làm biến dạng, không còn nguyên vẹn, khéo léo. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Nhưng, việc làm ấy đi ngược lại mong muốn của người thân, gia đình chị. Họ không cho phép chị tha thứ cho người đã hủy hoại nhan sắc, cuộc đời chị. Trong lúc chị muốn buông bỏ, quên đi quá khứ để tìm lại bình yên, người thân lại “liên tục nhắc chuyện cũ”, dồn ép chị tìm về ký ức đau buồn.

Chị kể rằng, để tìm lại bình yên, chị đã năn nỉ thậm chí van xin người nhà hãy quên đi và đừng nhắc đến đêm kinh hoàng ấy. Thế nhưng, có lẽ vì quá xót xa cho chị, họ không chấp nhận thỉnh cầu này. Hơn thế, việc bị ngọn lửa hủy hoại toàn bộ nhan sắc, dáng hình khiến chị trở nên xa lạ trong mắt mọi người.

Những người xung quanh thường ném về phía chị ánh nhìn tò mò, hiếu kỳ, soi mói. Hai con của chị cũng ám ảnh vụ cháy và thường xuyên chịu cảnh bị mọi người “tra khảo” về nguyên nhân sự việc. Để bảo vệ con trước những tổn thương tâm hồn, đêm 27 Tết năm ngoái, chị dắt theo 2 con đón xe, bỏ quê vào TP.HCM.

Sau Tết, chị xin cho 2 con đi học rồi tìm cách hồi sinh cuộc đời. “Ban đầu, tôi xin vào làm trong một xưởng may gần nhà. Trước đây, tôi từng là thợ may nên việc này không khó. Nhưng ngọn lửa năm đó làm đôi tay tôi biến dạng, co quắp nên làm việc rất khó khăn, không năng suất. Tôi xin nhận hàng về nhà may”, chị kể.

Những ngày đầu, chị phải cố gắng điều khiển máy may bằng đôi tay không còn trọn vẹn, khéo léo. Chị luyện tập lại đôi bàn tay nhiều đến mức các ngón tay đau nhức, cứng đờ. Chị làm việc xuyên đêm và hầu như không nghỉ với hy vọng có thể kiếm ra tiền nuôi con.

Dẫu vậy, dù đã vắt kiệt sức lực, may đến đôi bàn tay tê buốt, chị vẫn không kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống. Để lo cho con, chị học cách bán vé máy bay, nhận các mặt hàng chất lượng tốt, uy tín về bán online.

Dù còn rất khó khăn nhưng chị vẫn lo nghĩ cho những cảnh đời bất hạnh. Tại cửa hàng nhỏ bé của mình, dù chật chội, chị vẫn cố đặt một bình nước uống miễn phí cho người lao động nghèo mưu sinh dưới cái nắng như đổ lửa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cuối cùng, những nỗ lực không mệt mỏi cũng đem đến cho chị những thành quả nhất định. Công việc dần đi vào ổn định, chị quyết định mở cửa tiệm bày bán các sản phẩm dầu xoa bóp, tinh dầu…

Trong căn nhà nhỏ chật chội sát mặt đường quốc lộ, chị đặt đôi bộ bàn máy may, chiếc kệ trưng bày dầu xoa bóp cùng một thùng nước miễn phí dành cho người bán vé số, nhặt ve chai.

Chị nói, dù bây giờ số lượng khách hàng chưa nhiều, thu nhập chính vẫn từ việc sửa quần áo, bán vé máy bay… nhưng chị cảm thấy hài lòng, hạnh phúc với những gì đang có. Sau những biến cố tưởng chừng không thể vượt qua, bây giờ chị tự tin hồi sinh cuộc đời của mình và truyền cảm hứng cho những cảnh đời bất hạnh xung quanh.

Nguyễn Sơn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/nguoi-vo-bi-chong-thieu-song-hoi-sinh-cuoc-doi-nho-thuong-con-vo-bo-ben-721109.html