'Người vợ ba': An phận và phản kháng, con đường nào cho thân phận đàn bà trong xã hội phong kiến

Không chỉ đơn thuần là một tác phẩm điện ảnh, Người Vợ Ba còn là một bức tranh tả thực về kiếp đời của những người sinh ra mang thân phận đàn bà.

Người Vợ Ba - bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Nguyễn Phương Anh lấy bối cảnh miền bắc Việt Nam cuối thế kỷ 19 khi chế độ tảo hôn và đa thê vẫn còn, xoay quanh câu chuyện về xã hội phong kiến với nhiều đớn đau trong cuộc sống của một gia đình phú điền kiểu mẫu. Câu chuyện bắt đầu khi bé Mây (Nguyễn Phương Trà My) về làm vợ ba của một ông chủ đồn điền giàu có - Hùng (Lê Vũ Long). Bên cạnh vợ cả Hà (Trần Nữ Yên Khê) đã sinh được con trai, còn vợ hai Xuân (Maya) vẫn loay hoay tìm “chỗ đứng” trong gia đình khi 3 lần sinh đều là 3 đứa con gái.

Thân phận những người sinh ra đã là đàn bà trong xã hội xưa

Người Vợ Ba trở thành một bức tranh hiện thực đầy đớn đau. Nỗi đau của những người sinh ra là phụ nữ, buộc phải chấp nhận hôn nhân đa thê, chịu kiếp chồng chung dưới xã hội phong kiến. Mười mấy tuổi đã bước chân đến nơi xa lạ làm dâu, cả đời cống hiến, chăm sóc cho gia đình chồng mà chẳng có lấy một lần được báo đáp công ơn sinh thành của cha mẹ.

Sinh ra là đàn bà, đồng nghĩa với việc cuộc sống đã được người khác an bài: không được tự do yêu đương, không được quyền làm chủ cuộc sống của mình, không có quyền lựa chọn hay thay đổi. Trong cái xã hội ấy, họ quan trọng và đánh giá phẩm giá người đàn bà qua vết máu đầu tiên đêm tân hôn trên tấm vải trắng, họ coi trọng việc sinh con trai như là một “cuộc chiến” giành vị trí chính thê trong căn nhà.

Sinh ra là đàn bà, đồng nghĩa sẽ ít nhất một lần trong đời đi qua cửa tử - việc sinh con. Phân cảnh Mây sinh con đúng nghĩa như từ cõi chết trở về. Hay mợ Hà đau đớn khi đứa con thứ 2 của mợ chưa kịp thành hình đã rời khỏi cõi đời.

An phận - Chấp nhận cuộc sống trong cái “tổ kén”ngột ngạt

Trong cái xã hội phong kiến đầy khuôn phép ngột ngạt ấy, phụ nữ dần dần bị khuất phục và chấp nhận số phận của họ. Sự an phận ấy lâu dần biến thành “trách nhiệm” và “bổn phận” ăn sâu trong tiềm thức. Rồi người ta chọn cách đứng yên và cung phụng, và dạy những đứa trẻ sau này sinh ra cũng thế. Hình ảnh con tằm trong cái kén được lặp đi lặp lại nhiều lần trong phim là hình ảnh ẩn dụ về sự an phận của người phụ nữ, giống như những con tằm nằm bên trong tổ kén chờ đợi hoàn thành một vòng đời của số mệnh.

Có lẽ phần vì phép tắc nhà chồng, phần vì mợ Hà là vợ cả đã quá quen và nhiều kinh nghiệm sống trong gia đình chồng, Mợ Hà chấp nhận ép thằng Sơn - con trai cả phải lấy người nó không quen biết trong cuộc hôn nhân sắp đặt. Giống như cuộc hôn nhân sắp đặt nhiều năm về trước giữa mợ và ông Hùng.

Mợ Xuân là người con gái đẹp, có nét đằm thắm, dễ gần nhưng ánh mắt phảng phất nỗi buồn nhiều hơn niềm vui. Từ ngày về nhà ông Hùng, Xuân đã có 3 người con nhưng đều là con gái. Lúc mang thai Liên, Xuân ngày đêm cầu nguyện để sinh được con trai. Nhưng sau khi sinh Liên tới Nhàn đều là con gái, lúc mang thai Bồ Câu, mợ đã thôi không cầu nguyện nữa. Bởi mợ biết số phận đã định rồi, có muốn cũng không được, như mẹ của mợ -hồng nhan mà bạc mệnh. Sự an phận của mợ Xuân còn thể hiện qua việc chấp nhận cả đời làm vợ ông Hùng dù không có tình yêu. Dù ham muốn được yêu đương thực sự, có tư tình với con mợ cả nhưng phần vì sợ, sợ sẽ có kết cục giống như cặp đôi gia nhân lỡ làng, sợ cho bản thân và sợ cho những đứa con.

Bà Lao (Như Quỳnh)- một gia nhân trong nhà, xưa kia cũng từng yêu và được yêu, từng thề non hẹn biển với một người đàn ông ngư dân, nhưng vì hoàn cảnh, vì cho rằng số phận đã sắp đặt nên cũng chấp nhận an phận.

Rồi một này gần nhất nào đó, Liên (Lâm Thanh Mỹ)- con gái mợ Xuân, cũng sẽ đi lấy chồng. Còn lấy ai, là vợ thứ mấy, bản thân cô bé cũng chưa biết. Qua nhiều thế hệ trong xã hội cũ đó, cứ hễ là đàn bà thì sẽ còn tiếp tục vòng lặp luẩn quẩn với kiếp chồng chung.

Phản kháng - Hành trình tìm sự tự do

Câu hỏi “Nếu không an phận thì phải chọn con đường nào?” có lẽ là câu hỏi nhiều người đã từng ít nhất một lần thắc mắc. Trong hành trình đi tìm sự tự do, có người phản kháng một cách dứt khoát mãnh liệt mặc kết cục ra sao nhưng cũng có người chọn điểm dừng ngắn nhất đó là tự giải thoát bằng cái chết.

Hình ảnh lá ngón được lặp lại hơn 3 lần trong phim như mơ hồ về một sự giải thoát cho người phụ nữ. Đó là cái chết của Tuyết, người vợ mới được cưới về cho Sơn. Giống như Mây, Tuyết cũng chỉ là một cô bé mười mấy tuổi, cái tuổi mà vẫn còn cần vòng tay bao bọc của cha mẹ. Bị gả đến một nơi lạ lẫm, bị sự ruồng bỏ từ chính gia đình chồng và bố mẹ ruột, đau đớn và tủi nhục, cô bé đã lựa chọn rời bỏ thế giới. Nhìn vào quan tài của Tuyết, Mây thấy có cánh bướm đậu trên khuôn mặt Tuyết mắt đã nhắm nghiền. Có thể linh hồn Tuyết đã tìm được tự do cùng cánh bướm đó.

Sau những gì đã trải qua ở nhà ông Hùng, từ một cô bé ngây thơ, đến giờ Mây cũng đã dần hiểu được cái quy luật sống khắc nghiệt ở xã hội này và dần có ý thức về sự giải thoát. Tay bế con tay kia hái cành hoa lá ngón, có lẽ cô bé muốn giải thoát cho cả mình và cả đứa con gái bé bỏng còn chưa kịp hiểu về đời, để nó được hạnh phúc ở một thế giới khác, không phải chịu lại vòng lặp giống mẹ nó.

Bé Nhàn (Cát Vi) - con mợ Xuân là một cô bé bướng bỉnh. Tuy sinh ra và lớn lên trong gia đình nề nếp phòng kiến, Nhàn khác mẹ và chị gái, từ nhỏ Nhàn đã thể hiện khao khát được tự do, được làm chủ bản thân. Manh nha suy nghĩ về một cuộc sống bình đẳng giới, cô bé ngây thơ từng ước sau này lớn lên sẽ trở thành đàn ông. Hay sự bức xúc, bất bình trước việc mợ Hà giết con bò mẹ đang bị bệnh thay vì chữa trị cho nó, chỉ là để tránh mang xui xẻo trong ngày cưới cậu cả Sơn.

Và hành động cô bé dùng kéo cắt phăng mái tóc dài của mình là một hình ảnh ẩn chứa nhiều thông điệp. Xuyên suốt bộ phim, người phụ nữ trong gia đình từ già tới trẻ, ai cũng phải giữ mái tóc dài truyền thống, bảo vệ và chăm sóc nó một cách cẩn thận như việc bảo vệ và giữ gìn cái luật lệ của chế độ xưa. Việc cắt bỏ mái tóc dài như lời tuyên bố cự tuyệt, quay lưng với cái luật lệ hà khắc của chế độ cũ và đi tìm sự tự do, bình đẳng.

Tuy là một đề tài không mới, nhưng cách khai thác và xây dựng bộ phim của đạo diễn Nguyễn Phương Anh đã tạo cho khán giả nhiều suy ngẫm. Người Vợ Ba hiện đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 17.05.2019

Hồng Nhung

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/nguoi-vo-ba-an-phan-va-phan-khang-5218299.html